Cảnh báo từ các mỏ titan ven biển
16:2', 15/7/ 2004 (GMT+7)

Ở hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát từ hơn một năm nay không chỉ "sôi" lên với phong trào nuôi tôm trên cát mà còn ầm ào xe máy với những hố hầm dày đặc do khai thác titan. Liệu những cánh rừng dương ven biển có còn không khi việc khai thác titan diễn ra ồ ạt?

* Từ cái lợi trước mắt

Những cây dương được trồng từ hơn 20 năm nay buộc phải triệt hạ

Trong hai huyện ven biển của Bình Định đang rộ lên chuyện khai thác titan thì huyện Phù Mỹ sôi động nhất với 5 công ty đang "cày xới" tại đây. Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Võ Văn Hòa thống kê sơ bộ: "Phù Mỹ có 32 km bờ biển, hầu như nơi nào cũng có titan nhưng trữ lượng lớn nhất nằm ở xã Mỹ Thành. Bắt đầu từ tháng 4-2002, UBND tỉnh Bình Định đã cấp phép cho Công ty Ban Mai khai thác trên diện tích 3 ha, đến ngày 5-7-2004, đã có thêm 4 công ty nữa nhảy vào khai thác với tổng diện tích được tỉnh Bình Định cho phép khai thác lên đến 115ha". Cũng theo ông Hòa, tất cả các quyết định cho phép 5 doanh nghiệp khai thác titan ở Phù Mỹ hiện nay đều do tỉnh ký còn huyện chỉ làm mỗi một việc là "giao mặt bằng" chứ không được can thiệp vào.

Theo thỏa thuận của các đơn vị thì, sau khi khai thác titan xong, doanh nghiệp đó phải trả lại nguyên trạng mặt bằng cho các chủ đất đồng thời phải trồng lại toàn bộ số diện tích rừng bị chặt phá. Nếu là rừng thuộc Nhà nước đang quản lý thì doanh nghiệp phải bồi thường theo văn bản quy định hiện hành, còn nếu đụng phải rừng của dân thì doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận giá đền bù với nhau. Với bản "giao kèo" không quá rắc rối về thủ tục như trên, các doanh nghiệp đã "mạnh dạn" mở đường để đưa xe máy thâm nhập vùng cát Mỹ Thành. Cũng chưa thấy ở đâu mà chính quyền địa phương cấp xã tỏ ra "dễ tính" với các doanh nghiệp khai thác titan như ở Mỹ Thành. Họ đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp để "hoàn thành nhiệm vụ". Bù lại, các doanh nghiệp cũng "hào phóng" không kém cho xã: Góp hàng trăm triệu để xây trụ sở của xã, bỏ ra hàng tỉ đồng để bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Chỉ người dân có rừng ven biển thì liên tục khiếu nại.

* Liệu rừng dương có còn?

Dương bị triệt hạ, chuẩn bị cho vào lò than

Cũng như nhiều xã ven biển dọc miền Trung, Mỹ Thành đã có một lớp rừng dương chắn cát khá vững chắc, được người dân trồng từ hơn 20 năm nay. Chính những cánh rừng này đã góp phần chấm dứt nạn "cát bay" đã từng xảy ra ở Mỹ Thành từ nhiều đời nay. Trong số cả trăm ha rừng dương hiện có ở Mỹ Thành thì số rừng do Nhà nước trồng theo các chương trình PAM, 327 là kém nhất. Phần vì thiếu sự chăm sóc, phần do người dân lén lút chặt phá. Tuy nhiên, "lá phổi" cho hàng ngàn gia đình vùng biển này vẫn không có gì thay đổi nếu như người ta không phát hiện ra lượng titan khổng lồ nằm bên dưới những cánh rừng dương.

Theo ông Đặng Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, toàn bộ số diện tích mà các doanh nghiệp khai thác titan hiện nay không "đụng" đến rừng phòng hộ. Thế nhưng, chúng tôi quan sát tại hiện trường thì thấy rằng, các "mỏ" khai thác titan hiện tại đều "nằm" trên diện tích rừng. Tuy số lượng cây bị chặt phá không dày đặc, song một phần diện tích rừng ở đây bị triệt hạ là có thật. Anh Nguyễn Bình ở thôn Hưng Lạc (xã Mỹ Thành) đưa chúng tôi lên động cát cao nhất trong khu vực khai thác titan và nói: "Toàn bộ số diện tích rừng trước mặt đều bị triệt hạ kể từ khi các doanh nghiệp "áp giá" xong với dân." Theo anh Bình thì đó là những cánh rừng thưa do nhà nước trồng, đã giao lại cho dân quản lý. Tuy không dày như rừng của dân, song nếu chăm sóc tốt thì vài ba năm nữa số diện tích rừng này sẽ giữ vai trò chủ lực trong việc che chắn trực tiếp cát bay từ biển vào. Chúng tôi đặt câu hỏi: "Anh đã ký vào biên bản thỏa thuận với doanh nghiệp về mức đền bù, lại còn nhận toàn bộ số cây bị chặt để đốt than làm củi, sao còn khiếu kiện?". Anh Bình khẳng định: "Không nhận tiền đền bù thì mất luôn thôi. Tỉnh huyện xã gì cũng

Một trong những mỏ khai thác titan đang hoạt động ở Mỹ Thành

đã "quyết" hết rồi, mình không nhận thì thiệt. Với mức đền bù 300.000đ/sào cứ tưởng nhiều nhưng nhận từng ấy tiền là mất đất vĩnh viễn. Người dân ở đây chẳng những không còn đất để canh tác mà rừng phòng hộ cũng sẽ tiêu luôn!". Theo ông Phó Chủ tịch huyện Phù Mỹ thì, "hiện nay chúng tôi chưa thống kê hết toàn bộ diện tích rừng bị chặt để khai thác titan", song theo quan sát trực tiếp tại hiện trường của chúng tôi thì chỉ riêng một doanh nghiệp đang khai thác tại thôn Hưng Lạc cũng đã "triệt" vài ha rừng rồi, dù là rừng thưa. Có những giấy phép mà thời hạn khai thác kéo dài đến cuối 2005, lại cũng có giấy phép xin mở rộng diện tích khai thác và gia hạn thêm thời hạn thì không biết bao nhiêu diện tích rừng ở đây sẽ bị triệt hạ một khi bên dưới những cánh rừng này là các mỏ titan đầy hấp dẫn đối với các doanh nghiệp?

Một thông tin nữa cũng cần "cảnh báo" là, huyện Phù Mỹ đang có chủ trương mở rộng diện tích nuôi tôm trên cát nhưng với điều kiện lượng titan bên dưới lớp cát ấy phải được lấy sạch! Nghĩa là, các doanh nghiệp khai thác titan ở Phù Mỹ ngầm hiểu rằng "các anh cứ đào bới thoải mái, chừng nào hết titan thì thôi"!

. Trần Đăng

           

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bấp bênh nghề nuôi tôm   (15/07/2004)
Năng động nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh  (14/07/2004)
Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường   (14/07/2004)
Nhọc nhằn hạt muối Cát Minh  (13/07/2004)
Nhơn Thọ trăn trở với cây mía  (13/07/2004)
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các DN   (12/07/2004)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài: Bao giờ mới ổn?   (12/07/2004)
Hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ và lao động sáng tạo ở một công ty   (11/07/2004)
Một năm góp phần nâng cao chất lượng vận tải hành khách   (09/07/2004)
Phục hồi các nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên đầm Thị Nại   (09/07/2004)
Sức trẻ ở Công ty Giày Bình Định   (08/07/2004)
Sản xuất CN-TTCN Phù Cát: Mở hướng vươn tầm   (08/07/2004)
Cấp "sổ đỏ" tại TP Quy Nhơn: Khó mà dễ - Dễ mà khó!  (07/07/2004)
Hợp phần khuyến nông cây trồng: Hiệu quả từ thực tế  (06/07/2004)
Làng đan tre ở Phước Quang: Nghề phụ cho thu nhập chính  (06/07/2004)