Thanh toán công trái xây dựng Tổ quốc năm 1999:
Những bất cập và vướng mắc cần tháo gỡ
17:15', 18/7/ 2004 (GMT+7)

Kể từ 19-5-2004, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) trên toàn quốc bắt đầu thanh toán, chi trả công trái xây dựng Tổ quốc (XDTQ). Tuy nhiên, qua gần 2 tháng triển khai, công tác thanh toán công trái (CT) ở không ít địa phương, trong đó có Bình Định, đã nảy sinh những bất cập.

* Vui, buồn chuyện thanh toán CT

Thanh toán CT tại KBNN huyện Vĩnh Thạnh

Theo KBNN Bình Định, đợt CTXDTQ năm 1999, toàn tỉnh phát hành được 195.086 tờ CT, với số tiền 29,327 tỉ đồng (chưa tính lượng CT mà khách vãng lai mua). Đây là một kết quả rất đáng mừng. Thế nhưng, đây đó ở nhiều địa phương, đơn vị đã xảy ra tình trạng "mua dễ, bán khó". Nghĩa là, người dân khi mua CT thì được tạo điều kiện thuận lợi, nhưng khi thanh toán lại không đơn giản. Xung quanh việc thanh toán CT có bao chuyện vui, buồn.

Mặc dù đến 19-5 việc thanh toán CTXDTQ mới bắt đầu được thực hiện, nhưng trước đó vài tháng, thậm chí hàng năm trời, những tờ CT đã được trao đổi, mua, bán. Hoạt động mua, bán CT có vẻ lặng lẽ nhưng giống như những đợt sóng ngầm âm ỉ sôi động. Có những nơi, người ta treo cả biển "Mua công trái". Tại Bình Định, hoạt động mua, bán CT cũng diễn ra khá sớm. Bà Nguyễn Thị T, trú tại khu vực 6, phường Lê Hồng Phong (TP. Quy Nhơn) cho biết: Ngay từ tháng 3-2004, bà và nhiều người quen, thân đã rủ nhau đi bán CTXDTQ năm 1999. Vì bán trước thời hạn nên người bán phải chịu thiệt. Trung bình mỗi tờ CT mệnh giá 100.000 đồng, theo lãi suất 10%/năm (5 năm là 50%) thì được thanh toán 150.000 đồng; nhưng vì bán trước nên chỉ được trả 140.000 đồng (phải chịu thiệt 10.000 đồng). Tuy nhiên, việc mua, bán lại diễn ra đơn giản, nhanh, gọn, thoải mái. Chính vì "thủ tục mua, bán" thuận tiện nên nhiều người đã không ngần ngại bán luôn cả những tờ CTXDTQ mới phát hành năm 2003, mặc dù mãi đến năm 2008 mới đến hạn thanh toán.

Ông Trương Tấn P, trú tại phường Lê Lợi - TP. Quy Nhơn cho biết: Trung bình mỗi tờ CTXDTQ năm 2003 người bán phải chịu lỗ khoảng 7%. Thậm chí, một số người còn bán luôn cả những tờ Trái phiếu (TP) Chính phủ mới phát hành vào năm 2004. Theo bà Nguyễn Thị N, trú tại khu vực chợ Quan Trấn - TP. Quy Nhơn, vì bán trước nên trung bình cứ 1 tờ TP, người bán phải chịu thiệt khoảng 10%. Theo nhiều người dân từng tham gia bán CT, TP, đa số những người đứng ra thực hiện "dịch vụ" mua CT, TP đều công tác, làm việc trong hệ thống ngân hàng, KBNN - những người biết "nhìn xa, trông rộng" và "hiểu" được giá trị của những tờ CT, TP trong tương lai. Song, đáng lo ngại là vì lợi ích cá nhân, một số người đã tung tin "ngày 15-7, KBNN sẽ chấm dứt thanh toán CTXDTQ năm 1999" để "tranh thủ" thu mua của người dân với giá rẻ.

Trong khi hoạt động mua, bán CTXDTQ diễn ra khá sôi động, thì ngược lại hoạt động thanh toán CT năm 1999 tại các KBNN lại có vẻ bình lặng, chậm rãi (?). Theo nhiều khách hàng, một trong những nguyên nhân họ ít mặn mà đối với việc đến KBNN thanh toán CT là vì "hơi bị phiền" bởi những thủ tục. Người thành phố đã khó, người ở nông thôn còn khó khăn hơn. Theo phản ảnh của người dân, KBNN một số huyện có thông báo sẽ cử cán bộ xuống tận xã để thanh toán CTXDTQ năm 1999, nhưng họ chờ đợi "dài cả cổ" mà vẫn không thấy bóng dáng một nhân viên KBNN nào.

Mới chiều thứ sáu (16-7) vừa qua, ngay tại trụ sở KBNN tỉnh, chúng tôi đã chứng kiến 1 khách hàng bị "hành" khi đi thanh toán CT. Đó là ông Nguyễn Xuân Ái, Thường trực Ban Liên lạc Cựu tù chính trị tỉnh Bình Định. Ông Ái đem tờ CT có mệnh giá 2.000.000 đồng đến KBNN Quy Nhơn thì cán bộ, nhân viên ở đây hướng dẫn ông lên KBNN tỉnh thanh toán. Ông Ái lọ mọ tìm đến KBNN tỉnh để thanh toán thì nhân viên ở đây lại "hướng dẫn" ông quay trở lại… KBNN Quy Nhơn. Sau một hồi "nói qua, nói lại" không ăn thua, ông Ái bực mình quay ra khỏi KBNN tỉnh. Ông Ái còn bị "hành" như vậy, huống chi người dân? Đó là chưa nói tới những khó khăn đối với những người mua CT thuộc diện khách vãng lai.

* Làm gì để CTXDTQ thật sự có ý nghĩa?

Hoạt động CT, TP nhằm mục đích huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và đầu tư phát triển. Đối với CTXDTQ lại càng có ý nghĩa quan trọng. Chính vì ý nghĩa to lớn đó nên mỗi đợt phát hành CT, TP, ngành KBNN đã nỗ lực triển khai mọi biện pháp nghiệp vụ để có thể phát hành CT, TP đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch. Ngược lại, cũng chính vì ý nghĩa lớn lao nói trên nên cán bộ, nhân dân đã hưởng ứng, tham gia mua CT, TP nhiệt tình. Không ít người đã mua CT, TP tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng. Nhờ vậy, nguồn bổ sung cho ngân sách và đầu tư phát triển của Trung ương, địa phương ngày càng ổn định, hiệu quả. Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để CTXDTQ thật sự có ý nghĩa?

Thực hiện sự chỉ đạo của KBNN Trung ương, ngay từ tháng 2-2004, KBNN Bình Định đã triển khai công tác chuẩn bị cho việc thanh toán CTXDTQ năm 1999. Tuy nhiên, tình hình công tác thanh toán CTXDTQ năm 1999 tiến triển không đạt được như mong muốn. Theo tổng hợp của KBNN Bình Định, tính đến ngày 15-7, toàn tỉnh mới thanh toán CTXDTQ năm 1999 đạt 54,67% so với tổng số phát hành CT trên địa bàn tỉnh năm 1999. Theo phân tích của một số cán bộ ngành KBNN tỉnh thì, tiến độ thanh toán CTXDTQ năm 1999 có phần chậm là do những yêu cầu nghiệp vụ không thể không thực hiện. Để thanh toán 1 tờ CT cho khách hàng, các cán bộ, nhân viên KBNN phải tiến hành các khâu kiểm tra, kiểm soát, xác định tính chuẩn xác của tờ CT (nhất là loại có mệnh giá lớn) và chủ nhân của tờ CT… Đối với khách vãng lai, ngoài việc tra soát trên mạng nội bộ, trên máy tính, cán bộ, nhân viên KBNN phải điện thoại ra, vô đến các tỉnh, thành để kiểm tra. Đó là chưa nói đến trường hợp giả mạo CT có thể xảy ra. Công việc này đối với KBNN không chỉ mất thời gian mà còn khá tốn kém.

Trước tình hình thanh toán CTXDTQ năm 1999 xảy ra những vấn đề phức tạp, ngày 7-7, KBNN Trung ương đã có Công điện khẩn gửi Giám đốc KBNN các tỉnh, thành trong cả nước. Qua Công điện, KBNN Trung ương yêu cầu: KBNN các tỉnh, thành tiếp tục hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chấp hành nghiêm chỉnh các quy trình thanh toán công trái XDTQ theo đúng hướng dẫn của KBNN; yêu cầu, tất cả các đơn vị không được dừng giao dịch trước giờ nghỉ và lưu ý, sau ngày 15-7-2004 KBNN vẫn tiếp tục thanh toán công trái XDTQ cho các chủ sở hữu.

Thực hiện chỉ đạo của KBNN Trung ương, KBNN Bình Định cũng đã liên tiếp có những thông báo, chỉ đạo KBNN các huyện, thành phố thực hiện nghiêm chỉnh Công điện khẩn của KBNN Trung ương. Theo đó, KBNN tỉnh yêu cầu: KBNN các huyện, thành phố phải quán triệt đến các cán bộ thanh toán CTXDTQ về tinh thần và thái độ phục vụ khách hàng; bố trí điểm thanh toán CT đảm bảo thuận lợi cho khách hàng. Yêu cầu kế toán và thủ quỹ phải ngồi gần nhau và nếu cùng một thời điểm, khách hàng đến thanh toán đông thì phải chủ động bổ sung cán bộ để làm công tác thanh toán, tránh để khách hàng chờ đợi lâu…

Hy vọng, với những giải pháp kịp thời trên, những bất cập, vướng mắc trong công tác thanh toán CTXDTQ ở Bình Định sẽ từng bước được tháo gỡ. Làm được như vậy thì CTXDTQ mới thật sự có ý nghĩa.

. Viết Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cảnh báo từ các mỏ titan ven biển   (15/07/2004)
Bấp bênh nghề nuôi tôm   (15/07/2004)
Năng động nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh  (14/07/2004)
Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường   (14/07/2004)
Nhọc nhằn hạt muối Cát Minh  (13/07/2004)
Nhơn Thọ trăn trở với cây mía  (13/07/2004)
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các DN   (12/07/2004)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài: Bao giờ mới ổn?   (12/07/2004)
Hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ và lao động sáng tạo ở một công ty   (11/07/2004)
Một năm góp phần nâng cao chất lượng vận tải hành khách   (09/07/2004)
Phục hồi các nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên đầm Thị Nại   (09/07/2004)
Sức trẻ ở Công ty Giày Bình Định   (08/07/2004)
Sản xuất CN-TTCN Phù Cát: Mở hướng vươn tầm   (08/07/2004)
Cấp "sổ đỏ" tại TP Quy Nhơn: Khó mà dễ - Dễ mà khó!  (07/07/2004)
Hợp phần khuyến nông cây trồng: Hiệu quả từ thực tế  (06/07/2004)