Sau một tháng tăng giá xăng dầu:
Các dịch vụ giao thông vận tải bắt đầu tăng giá
9:33', 19/7/ 2004 (GMT+7)

Việc tăng giá xăng dầu từ 19 giờ ngày 19-6-2004, là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nhằm giảm thiểu tình trạng bù lỗ, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong tiêu dùng xăng dầu. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng thực hiện, tình hình thị trường, giá cả đã có những diễn biến khá phức tạp...

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là lĩnh vực xăng dầu. UBND tỉnh cũng đã quyết định lập Đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có Sở Khoa học- Công nghệ (KHCN) và Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, tiến hành kiểm tra tình hình chất lượng, định lượng xăng dầu, giá cả thị trường, chống tự ý nâng giá và đã phát hiện nhiều vụ gian lận trong kinh doanh xăng dầu để kiếm lời bất chính. Bước đầu cho thấy, việc tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, sản phẩm hàng hóa, tiêu dùng.

    Cước vận tải đã tăng giá

Trên địa bàn tỉnh, nhiều mặt hàng đã bắt đầu tăng giá, nhất là những mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm: gạo, thịt, cá, rau… Tuy nhiên, khó khăn nhất là đối với ngư dân làm nghề đánh bắt xa bờ. Trước việc giá xăng dầu tăng, hiện một số tàu thuyền đánh bắt, khai thác cá ngừ đại dương đã phải tạm "treo thuyền" nghỉ, hoặc chuyển hướng khai thác. Theo tính toán, từ khi giá dầu tăng, chi phí cho mỗi tàu phải tăng thêm khoảng 4-10 triệu đồng/chuyến (tùy theo công suất tàu). Không chỉ có vậy, cùng với việc giá dầu tăng, ngư dân còn phải chịu áp lực khi giá các loại ngư lưới cụ, nhất là chì, cũng tăng cao. Trong khi đó, ngư trường ngày càng thu hẹp, sản lượng khai thác không tăng, thị trường tiêu thụ hạn chế…

Đối với hoạt động vận tải, một số đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, dịch vụ (DV) cho thuê xe du lịch, các DN taxi… ngoài việc chủ động nâng giá, đã và đang tính chuyện "làm giá". Ngay từ trước ngày 19-6, khi Quyết định số 56/2004/QĐ-BTC chính thức có hiệu lực thi hành, tại TP. Quy Nhơn đã có một cuộc họp để bàn bạc, thống nhất việc nâng giá vé xe tuyến Quy Nhơn- TP. Hồ Chí Minh (và ngược lại). Cuộc họp có đông đảo đại biểu của các cơ quan, đơn vị, DN kinh doanh vận tải tỉnh Bình Định và TP. Hồ Chí Minh. Kết quả, các bên đã thống nhất: kể từ ngày 1-7, giá vé xe  tuyến TP.HCM " Quy Nhơn (và ngược lại) đối với loại xe chất lượng cao (loại I) tăng  lên 145.000 đồng/vé; xe loại II giá 125.000 đồng/vé và xe loại III có giá 110.000 đồng/vé. Đây là mức tăng khá cao. Đồng thời, các bên cũng nhất trí quy định giá các dịch vụ tại bến xe, cước vận chuyển hàng bao gửi, hành lý trên xe… Đối với các tuyến vận tải còn lại Công ty cổ phần bến xe khách Bình Định sẽ tiếp tục tổ chức họp để các đơn vị vận tải bàn bạc, thống nhất về việc tăng giá vé.

Điều đáng nói là mặc dù đã có chỉ thị không được tăng giá cước trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhưng kể từ ngày 1-7, các DN vận tải ô tô trong tỉnh đã đồng loạt nâng giá cước vận tải hành khách trên các tuyến trong và ngoài tỉnh với mức tăng bình quân từ 20-30% so với giá vé cũ. Với DN Taxi Thuận Thảo, giá các tuyến đi ngoại tỉnh đều tăng. Chẳng hạn, tuyến Quy Nhơn - Đà Nẵng tăng từ 600.000 đồng/chuyến lên 650.000-700.000 đồng/chuyến; Quy Nhơn - TP.HCM tăng từ 1,4 triệu đồng/chuyến lên 1,5 triệu đồng/chuyến; Quy Nhơn - Tuy Hòa từ 280.000 đồng/chuyến lên 300.000-350.000 đồng/ chuyến… Ngược lại, taxi DAVI và một số DN taxi lại chủ trương sẽ tăng giá tuyến nội thành Quy Nhơn. Theo đó, kể từ ngày 15-7, giá taxi sẽ tăng như sau: 2km đầu tăng từ 12.000 đồng lên 14.000 đồng; 3 km tiếp theo là 6.000 đồng/km và km thứ 31 là 5.000 đồng/km…

Riêng DV cho thuê xe du lịch, chúng tôi thử làm một cuộc "khảo giá" và phát hiện ra những điều khá thú vị. Đơn cử như tại DV cho thuê xe du lịch Bích Huyền (28 Hoàng Hoa Thám " Quy Nhơn); với loại xe 15 chỗ ngồi, nếu đi khứ hồi Quy Nhơn - Đà Nẵng giá 1,4 triệu đồng (tăng hơn trước 100.000-200.000 đồng). Nếu lưu lại Đà Nẵng, cứ 1 ngày phải trả thêm 400.000 đồng. Cũng xe 15 chỗ ngồi, nếu đi khứ hồi Quy Nhơn - TP.HCM, giá 2,4 triệu đồng. Nếu lưu lại 1 ngày cũng có giá 400.000 đồng/ngày (một số DV xe du lịch khác, 1 ngày xe lưu lại chỉ 200.000 đồng)…. Thật là những kiểu "làm giá" khó bề kiểm soát!

Vấn đề bức thiết đặt ra lúc này là làm sao vừa thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương của Chính phủ về việc tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo bình ổn thị trường, giá cả; lại vừa giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp và người tiêu dùng an tâm. Được biết, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra các đơn vị, cơ sở kinh doanh xăng dầu; ngăn chặn những hành vi tự tiện tăng giá các mặt hàng khác… Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là làm thế nào để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng "ăn theo" việc giá xăng dầu tăng để "làm giá" một cách tùy tiện! Theo lý giải của một số người thì việc các DN vận tải tăng giá vé, giá cước là mức tăng mang tính ổn định, lâu dài do nguyên nhân vật tư, phụ tùng, xăng dầu tăng chứ không phải nguyên nhân vì lượng hành khách tăng (?). Thế nhưng, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng dầu tăng cùng lắm cũng chỉ làm cho các DN giảm một phần lợi nhuận, mà nếu tiết kiệm chi phí 10% là cũng đủ bù đắp. Như vậy, việc các DN vận tải "làm giá" tăng lên 20-30% so với giá vé cũ, theo chúng tôi là vấn đề đáng quan tâm giải quyết.

Trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc đề ra những chủ trương đúng đắn, kịp thời, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh, mua bán xăng dầu, thị trường giá cả… Đồng thời, một vấn đề cũng cần lưu ý là phải có những giải pháp hữu hiệu để khống chế và ngăn chặn kịp thời hiện tượng "tăng giá dây chuyền".        

. Viết Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cây cảnh Bình Định được giá  (18/07/2004)
Những bất cập và vướng mắc cần tháo gỡ  (18/07/2004)
Cảnh báo từ các mỏ titan ven biển   (15/07/2004)
Bấp bênh nghề nuôi tôm   (15/07/2004)
Năng động nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh  (14/07/2004)
Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường   (14/07/2004)
Nhọc nhằn hạt muối Cát Minh  (13/07/2004)
Nhơn Thọ trăn trở với cây mía  (13/07/2004)
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các DN   (12/07/2004)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài: Bao giờ mới ổn?   (12/07/2004)
Hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ và lao động sáng tạo ở một công ty   (11/07/2004)
Một năm góp phần nâng cao chất lượng vận tải hành khách   (09/07/2004)
Phục hồi các nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên đầm Thị Nại   (09/07/2004)
Sức trẻ ở Công ty Giày Bình Định   (08/07/2004)
Sản xuất CN-TTCN Phù Cát: Mở hướng vươn tầm   (08/07/2004)