130 ha xoài ghép ở An Lão không ra quả: Trách nhiệm thuộc về ai?
9:56', 20/7/ 2004 (GMT+7)

Thời gian gần đây, nông dân ở huyện miền núi An Lão rộ lên dư luận cho rằng: "Hầu hết những diện tích xoài ghép từ chương trình trồng rừng PAM của ngành Nông nghiệp chuyển giao về trồng ở địa phương là giống xoài kém chất lượng nên trồng 7-8 năm nhưng vẫn không cho quả, một số ít ra quả thì quả không tốt". Vậy thực hư của vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Bình, thôn Xuân Phong Tây (An Hòa) đang chặt bỏ vườn xoài

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện An Lão, toàn huyện có gần 124 ha xoài với khoảng 18.600 cây xoài ghép được trồng từ năm 1996 đến năm 1999, nhưng đến nay vẫn chưa cho trái, mặc dù đang sinh trưởng, phát triển khá tốt. Ông Võ Dũng - cán bộ Phòng Kinh tế huyện An Lão cho biết: "Năm 1997, phong trào cải tạo vườn tạp ở địa phương phát triển mạnh, nhằm giúp nông dân có nguồn cây giống tốt, thông qua chương trình trồng rừng PAM của Sở NN-PTNT và từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, ngành Nông nghiệp đã chuyển về cho huyện An Lão gần 20.000 cây xoài ghép giống (loại giống xoài cát Quảng Đông - Trung Quốc). Với lượng cây giống này, nông dân huyện An Lão đã đưa vào trồng trên diện tích 130 ha đất vườn, trung bình mỗi hộ trồng từ 200-300 cây xoài ghép, tập trung chủ yếu tại các xã An Hòa: 58 ha; An Tân 28 ha; An Vinh 10 ha, An Dũng 10 ha…".

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã đến xã An Hòa - địa phương có diện tích xoài lớn nhất từ chương trình này. Ông Nguyễn Thanh Bình ở thôn Xuân Phong Tây, cho biết: "Lúc mới giao giống cho chúng tôi, các cán bộ kỹ thuật của ngành Nông nghiệp cam đoan rằng sau hai năm xoài sẽ cho trái, nhưng đến nay thời gian trồng đã 8 năm mà vườn xoài nhà tôi vẫn "im lìm". Chúng tôi đã dùng mọi biện pháp chăm sóc tốt nhất cho cây như: xới gốc, tưới nước, phun thuốc kích thích đậu quả mỗi khi cây ra hoa nhưng vẫn không hiệu quả". Ông Lê Văn Lễ - nông dân ở thôn Xuân Phong, xã An Hòa - đưa chúng tôi đi xem vườn xoài của ông. Khu vườn được chăm bón khá kỹ, cây phát triển khá tốt nhưng cũng không hề cho quả. Ông Lễ than thở: "Năm 1997, gia đình tôi được hỗ trợ 150 cây xoài ghép. Mới đầu chúng tôi rất mừng vì cứ tưởng đây là giống xoài tốt, năng suất cao. Sau khi nhận giống hỗ trợ, chúng tôi đem về trồng trên diện tích 1 ha vườn đồi gần nhà, với hy vọng sẽ có nguồn thu hoạch, nhưng mãi đến nay vườn cây vẫn chưa hề có trái nào. Hằng năm cứ đến mùa, cả vườn xoài chỉ ra được vài chùm hoa rồi rụng sạch".

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề kỹ thuật chăm sóc, hầu hết các chủ vườn xoài tại xã An Hòa đều cho biết, vườn xoài ghép của họ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, thường xuyên làm cỏ, tưới nước, phun thuốc diệt rầy, bọ nhưng không hiểu sao cây vẫn không hề đậu quả.

Theo ông Lâm Thành Nam, cán bộ phụ trách nông - lâm nghiệp xã An Hòa: Hiện nay, trên địa bàn xã An Hòa có hơn 50 ha xoài ghép trồng từ nguồn giống chương trình trồng rừng PAM chuyển giao. Nhiều diện tích xoài được nông dân chăm sóc khá chu đáo, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Thế nhưng, tỷ lệ đậu quả rất thấp, số cây cho trái chỉ đạt khoảng 3% diện tích. Còn ông Thái Văn Nở, Chủ tịch UBND xã An Hòa thì: "Trước tình hình cây xoài ghép không mang lại hiệu quả, thời gian qua xã đã nhiều lần kiến nghị lên ngành Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề nghị giúp đỡ hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm kích thích cây xoài cho trái. Các lớp tập huấn cũng đã được các ngành chức năng tổ chức, nhưng đến nay hầu như việc cải tạo vườn xoài ghép cũng không hề mang lại hiệu quả khả quan (!)".

Vì trồng xoài không hiệu quả nên hiện nay, nhiều nông dân ở An Lão đang bắt đầu chặt bỏ cây xoài ghép để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Như vậy, sau cây quế bị chặt bỏ, bây giờ đến lượt cây xoài ghép… Câu hỏi đặt ra là liệu công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở An Lão có đi đúng hướng?

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Các dịch vụ giao thông vận tải bắt đầu tăng giá   (19/07/2004)
Cây cảnh Bình Định được giá  (18/07/2004)
Những bất cập và vướng mắc cần tháo gỡ  (18/07/2004)
Cảnh báo từ các mỏ titan ven biển   (15/07/2004)
Bấp bênh nghề nuôi tôm   (15/07/2004)
Năng động nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh  (14/07/2004)
Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường   (14/07/2004)
Nhọc nhằn hạt muối Cát Minh  (13/07/2004)
Nhơn Thọ trăn trở với cây mía  (13/07/2004)
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các DN   (12/07/2004)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài: Bao giờ mới ổn?   (12/07/2004)
Hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ và lao động sáng tạo ở một công ty   (11/07/2004)
Một năm góp phần nâng cao chất lượng vận tải hành khách   (09/07/2004)
Phục hồi các nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên đầm Thị Nại   (09/07/2004)
Sức trẻ ở Công ty Giày Bình Định   (08/07/2004)