Giá kén tằm tăng cao: Kẻ cười, người khóc
11:18', 22/7/ 2004 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, giá kén liên tục tăng đã tạo điều kiện hồi sinh nghề trồng dâu nuôi tằm. Giá kén từ 18.000 đồng/kg vào thời điểm cuối năm 2003 đã tăng vọt lên 46.000 đồng/kg đầu năm 2004 và hiện đang giữ ở mức 32.000 đồng/kg.

* Sản xuất phục hồi nhờ giá lên

Dây chuyền chế biến tơ tằm của HTXNN Ân Thạnh phải ngừng hoạt động vì không có nguyên liệu

Ở Bình Định, nghề trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống ở các huyện: Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, An Nhơn, bởi dọc theo các bãi bồi ven sông Kôn, Kim Sơn, An Lão là nơi khá phù hợp cho việc phát triển cây dâu tằm. Thế nhưng, nghề trồng dâu nuôi tằm không phải lúc nào cũng thuận lợi do giá kén trên thị trường liên tục biến động lúc tăng lên rất cao, lúc bị rớt giá thê thảm. Năm 2003, giá kén trên thị trường chỉ còn ở mức 16.000 đồng/kg, người trồng dâu nuôi tằm bị thua lỗ nên đành phải chặt bỏ cây dâu, gác nong tằm để chuyển sang nghề khác. Tuy nhiên, đầu năm 2004, giá kén bất ngờ tăng vọt, từ 18.000 đồng/kg lên 30.000 đồng và có lúc vọt lên 46.000 đồng. Giá kén tăng, nông dân lại đổ xô mở rộng diện tích trồng dâu, đua nhau nuôi tằm trở lại.

Chúng tôi đã về các xã có diện tích trồng dâu nuôi tằm khá lớn ở Hoài Ân như: Ân Hảo, Ân Mỹ, Ân Hữu, đến đâu cũng nghe người dân địa phương bàn tán về chuyện giá kén tằm đang tăng trở lại. Ông Nguyễn Bày ở thôn Đại Định xã Ân Mỹ cho biết: "Vài năm nay, kén tằm rớt giá, người trồng dâu nuôi tằm bị thua lỗ triền miên. Nhưng hiện nay, giá kén đã tăng lên 32.000 đồng/kg, với mức giá này thì có thể sống được". Trước kia, do giá kén quá thấp, với 6 sào dâu của mình, gia đình ông Bày chỉ nuôi 1/2 hộp trứng. Bây giờ, ông nuôi mỗi lứa 3 hộp trứng, cho thu nhập trên 3 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, gia đình ông Bày đã thu nhập 20 triệu đồng từ tiền bán kén tằm. Bà Nguyễn Thị Ứng, cũng ở thôn Đại Định, phấn khởi cho biết: "Nhờ giá kén tằm tăng cao nên gia đình tôi có mức thu nhập khá. Với diện tích 5 sào dâu, mỗi lứa tôi nuôi 2 hộp trứng, thu hoạch được 80 kg kén, thu nhập 2,4 triệu đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ trồng mới 5 sào ruộng dâu nữa để mở rộng sản xuất".

Giá cả kén tằm tăng cao đã làm cho phong trào trồng dâu nuôi tằm ở các huyện Hoài Ân, An Lão phát triển mạnh. Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, cán bộ Phòng NN-PTNT Hoài Ân cho biết: "Diện tích cây dâu của Hoài Ân từ đầu năm đến nay tăng rất nhanh. Cuối năm 2003, toàn huyện chỉ có 400 ha dâu, hiện nay đã tăng lên gần xấp xỉ gần 500 ha. Chúng tôi đang có kế hoạch phát triển diện tích trồng dâu lên 800 ha vào năm tới". Còn tại huyện An Lão, diện tích cây dâu tằm đã tăng lên trên 100 ha, trong đó, chỉ riêng xã An Hòa đã có 70 ha dâu…

* Kẻ cười, người khóc

Giá kén tăng cao đã tạo nên cạnh tranh giá cả quyết liệt giữa các cơ sở thu mua kén của tư nhân và Nhà nước trên địa bàn phía bắc tỉnh. Tại Hoài Ân, giá kén tằm biến động hàng ngày, có lúc giá kén tăng vọt lên trên 40.000 đồng/kg. Trước đây, trên địa bàn Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn chỉ có 2 cơ sở thu mua kén là Trạm thu mua kén tằm Hoài Nhơn (Công ty Dâu tằm tơ 2) và Xưởng chế biến kén tằm (HTX NN Ân Thạnh). Tuy nhiên, từ khi giá kén biến động mạnh, đã xuất hiện thêm một số cơ sở tư nhân đứng ra thu mua kén và sẵn sàng tăng giá để cạnh tranh.

Ông Nguyễn Đô, Chủ nhiệm HTX NN Ân Thạnh lo lắng: "Với sự cạnh tranh thu mua kén quyết liệt như hiện nay, xưởng chế biến kén tằm của HTX không thể duy trì hoạt động vì thiếu nguồn nguyên liệu. Vài tháng nay, lực lượng cán bộ của HTX luôn có mặt tại các xã có nghề trồng dâu nuôi tằm để thu mua kén, nhưng kết quả mang lại vẫn không khả quan. Trước đây, mỗi tháng HTX thu mua được từ 8-10 tấn kén, nhưng hiện nay, mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng cũng chỉ thu mua được 2-3 tấn kén. Do khối lượng thu mua kén đạt quá thấp nên từ đầu tháng 6-2004 đến nay, xưởng chế biến dâu tằm của HTX phải tạm đóng cửa. Nếu tình hình thu mua nguyên liệu tiếp tục khó khăn trong vài ba tháng tới, số vốn gần 600 triệu đồng bỏ ra đầu tư dây chuyền chế biến kén tằm có nguy cơ bị phá sản."

Giá kén tằm tăng cao, người trồng dâu nuôi tằm phấn khởi. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt của các cơ sở thu mua kén đã đẩy giá lên quá cao một cách bất thường là vấn đề đáng được quan tâm.

. Nguyễn Hân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chấn chỉnh việc khai thác titan   (21/07/2004)
Niềm vui từ những con đường mới  (21/07/2004)
Co.op Mart Quy Nhơn: Ngày càng thu hút người tiêu dùng   (20/07/2004)
130 ha xoài ghép ở An Lão không ra quả: Trách nhiệm thuộc về ai?   (20/07/2004)
Các dịch vụ giao thông vận tải bắt đầu tăng giá   (19/07/2004)
Cây cảnh Bình Định được giá  (18/07/2004)
Những bất cập và vướng mắc cần tháo gỡ  (18/07/2004)
Cảnh báo từ các mỏ titan ven biển   (15/07/2004)
Bấp bênh nghề nuôi tôm   (15/07/2004)
Năng động nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh  (14/07/2004)
Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường   (14/07/2004)
Nhọc nhằn hạt muối Cát Minh  (13/07/2004)
Nhơn Thọ trăn trở với cây mía  (13/07/2004)
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các DN   (12/07/2004)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài: Bao giờ mới ổn?   (12/07/2004)