Dự án tiểu hợp phần giống nông hộ:
Giúp nông dân tự làm ra những hạt giống tốt
16:17', 22/7/ 2004 (GMT+7)

Dự án tiểu hợp phần giống nông hộ do Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ cho 4 tỉnh ở Việt Nam với tổng kinh phí 1,4 triệu USD, trong đó có Bình Định. Mục đích của dự án này nhằm giúp người nông dân biết chọn lọc giống lúa, phương pháp sản xuất ra lúa giống đạt chất lượng tốt và bảo quản giống để đưa vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả của việc sản xuất lúa gạo. Thời gian thực hiện dự án từ giữa năm 2003 đến năm 2006.

Mô hình tuyển chọn giống lúa chất lượng cao tại HTXNN Mỹ Hiệp 1, Phù Mỹ

Từ khi tiếp nhận dự án, Sở NN-PTNT đã cử 10 cán bộ theo học khóa đào tạo giảng viên chính tại Trường Đại học Nông nghiệp Cần Thơ, và đào tạo 20 giảng viên trong tỉnh. Những người tham gia 2 lớp học này phần lớn là kỹ sư nông nghiệp, đang công tác ở hệ thống khuyến nông và phòng nông nghiệp các huyện. Từ đội ngũ cán bộ cốt cán này, dự án mở các lớp đào tạo nông dân ở cấp xã về kỹ năng sản xuất giống lúa, cách bảo quản giống lúa để đưa vào sản xuất. Các lớp học được tổ chức theo một vụ sản xuất. Những người tham gia dự lớp học đã bắt tay vào việc thực hành ngay từ khi chọn giống cho đến khi gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Tất cả ruộng sản xuất giống phục vụ cho lớp học đều có đối chứng với ruộng đại trà, để qua đó biết được kết quả về năng suất cũng như về chất lượng của ruộng giống.

Qua một năm thực hiện dự án này, đã có hơn 1.300 nông dân trong tỉnh được tham gia các lớp học. Tuy ruộng thí nghiệm là để sản xuất ra lúa giống nhưng nhờ đưa vào gieo sạ các giống lúa có chất lượng cao và thực hiện quy trình canh tác tiên tiến, nên năng suất qua các vụ đều tăng từ 20 đến 30% so với ruộng truyền thống. Kết quả này đã thu hút nông dân trong tỉnh tham gia các lớp học từ đầu đến cuối.

Anh Nguyễn Văn Quý - một nông dân ở thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, Tuy Phước - vừa tham gia lớp đào tạo của dự án trong vụ hè thu, cho biết: "Khi dự án này chưa đến với người nông dân, chúng tôi thường lấy lúa lẫn tạp nhiều để làm giống nên năng suất không cao. Thế nhưng qua lớp học này, nông dân chúng tôi hiểu được quy trình làm ra hạt giống tốt. Từ nay về sau chúng tôi sẽ tự làm ra giống để sản xuất. Điều này có lợi hơn là được mua hoặc được đổi lúa thịt để lấy giống lúa cấp 1 sản xuất như lâu nay". Còn theo ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng Bình Định: "Hiện nay, các trung tâm, trạm trại của nhà nước chỉ cung cấp lượng lúa giống từ 5-10% so với nhu cầu sản xuất của nông dân. Số còn lại do các HTXNN và nông dân tự làm giống. Chính vì thế nên phải trang bị cho nông dân những kiến thức cơ bản để làm ra hạt giống đạt chất lượng tốt. Đây là yếu tố quyết định năng suất và sản lượng của cây lúa trong tỉnh."

Trong những năm qua, thực hiện chương trình cấp 1 hóa giống lúa, một số HTXNN trong tỉnh sản xuất ra giống lúa cấp 1 và nông dân phải mua lại của HTX để có giống sản xuất. Thế nhưng đối với người nông dân không phải lúc nào cũng sẵn tiền trong nhà nên đã có nhiều hộ không mua giống của HTX mà lấy lúa thịt ra để sản xuất. Vì vậy, giúp người nông dân tự làm ra hạt giống đạt chất lượng tốt để chủ động đưa vào sản xuất sẽ thuận lợi hơn là HTX làm ra giống để nông dân đến mua hoặc đổi lúa thịt lấy lúa giống.

Dự án tiểu hợp phần quản lý giống nông hộ đang được triển khai ở 4 huyện trong tỉnh hơn một năm qua; sắp tới sẽ có thêm 4 huyện nữa được hưởng lợi từ dự án này. Như vậy, sẽ có thêm nhiều nông dân trong tỉnh được tiếp cận với phương pháp canh tác tiên tiến để tạo ra ngày càng nhiều giống lúa tốt, tạo cơ sở để sản xuất lúa gạo ở Bình Định mang lại hiệu quả ngày càng cao.

. Nguyễn Văn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giá kén tằm tăng cao: Kẻ cười, người khóc  (22/07/2004)
Chấn chỉnh việc khai thác titan   (21/07/2004)
Niềm vui từ những con đường mới  (21/07/2004)
Co.op Mart Quy Nhơn: Ngày càng thu hút người tiêu dùng   (20/07/2004)
130 ha xoài ghép ở An Lão không ra quả: Trách nhiệm thuộc về ai?   (20/07/2004)
Các dịch vụ giao thông vận tải bắt đầu tăng giá   (19/07/2004)
Cây cảnh Bình Định được giá  (18/07/2004)
Những bất cập và vướng mắc cần tháo gỡ  (18/07/2004)
Cảnh báo từ các mỏ titan ven biển   (15/07/2004)
Bấp bênh nghề nuôi tôm   (15/07/2004)
Năng động nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh  (14/07/2004)
Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường   (14/07/2004)
Nhọc nhằn hạt muối Cát Minh  (13/07/2004)
Nhơn Thọ trăn trở với cây mía  (13/07/2004)
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các DN   (12/07/2004)