Huyện Hoài Nhơn có những làng nghề truyền thống với các sản phẩm: bánh tráng nước dừa, bún số 8, thảm xơ dừa, mè xửng, chiếu cói, nước mắm… nổi tiếng một thời. Thế nhưng, hiện nay các làng nghề ở đây đang bị mai một dần do sản phẩm kém sức cạnh tranh.
|
Thảm xơ dừa Hoài Nhơn |
Trong số các làng nghề ở Hoài Nhơn đang ngày càng mai một, làng nghề sản xuất dầu dừa ở thị trấn Bồng Sơn là một ví dụ. Anh Nguyễn Bân, một hộ sản xuất dầu dừa ở đây, cho biết: "Ngày trước tôi làm với số lượng gấp đôi, gấp ba hiện nay nhưng cũng không đủ để bán. Còn bây giờ thì làm rất ít nhưng cũng bị ế ẩm. Sản phẩm dầu dừa hiện nay chỉ còn tiêu thụ ở những vùng quê trong huyện và các huyện lân cận". Theo thống kê của UBND thị trấn Bồng Sơn, trước năm 1998, trên địa bàn thị trấn có 150 hộ làm nghề chế biến dầu dừa nhưng hiện chỉ còn lại 72 hộ. Số ít hộ còn giữ được nghề này cũng chỉ sản xuất cầm chừng, tiêu thụ nhỏ lẻ.
Ngoài ra, các làng nghề sản xuất bột mì, dệt chiếu, làm bún số 8… cũng đang ngày càng co hẹp quy mô sản xuất. Trước đây, làng nghề bún số 8 ở thị trấn Tam Quan có khoảng 70 hộ tham gia sản xuất nhưng hiện nay chỉ còn lại có 8 hộ "trụ" lại với nghề. Ông Trương Long ở khối 1 cho biết: "Tuy chỉ còn rất ít số hộ tham gia sản xuất nhưng sản phẩm tiêu thụ cũng rất ế ẩm. Chủ yếu bán lẻ tại các chợ và vùng nông thôn trong huyện". Riêng với làng nghề dệt thảm xơ dừa hiện đang có đầu ra ổn định nhưng do phải xuất khẩu ủy thác qua các công ty ở TP. Hồ Chí Minh nên có lúc cũng gặp khó khăn.
Nghề làm bánh tráng nước dừa Hoài Nhơn hiện nay cũng đang chịu cảnh hắt hiu. Anh Nguyễn Văn Hảo ở khối 3, thị trấn Tam Quan, cho biết: "Điểm yếu của sản phẩm bánh tráng nước dừa Tam Quan hiện nay là rất dày, khổ bánh to, mẫu mã bao bì còn thô sơ nên không thể giữ lâu. Do đó, thị trường tiêu thụ của bánh chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương và một vài đại lý bán lẻ ở các vùng lân cận."
Không những chỉ khó khăn về thị trường tiêu thụ, các làng nghề ở Hoài Nhơn còn gặp khó khăn về vấn đề môi trường. Chẳng hạn như làng nghề sản xuất bột mì Hoài Hảo, hàng năm sử dụng 12.000 tấn mì củ, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động. Sản phẩm của làng nghề làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định, nguồn nguyên liệu rất dồi dào, nhưng làng nghề không thể phát triển do không giải quyết được vấn đề nước thải trong quá trình sản xuất. Ông Huỳnh Bạo, một người làm nghề sản xuất bột mì ở Hoài Hảo cho biết: "Hiện ở đây mạch nước ngầm ở độ sâu 10 mét đã bị ô nhiễm trầm trọng, nhiều giếng nước không thể sử dụng được".
Nguyên nhân của sự mai một các làng nghề, theo ông Bùi Minh Đức, cán bộ Phòng Công nghiệp Hoài Nhơn là do công nghệ sản xuất lạc hậu, quy mô manh mún, các cụm TTCN, làng nghề chưa được quy hoạch cụ thể, trình độ của người dân trong các làng nghề không theo kịp với trình độ phát triển của KHKT.
Thực trạng các làng nghề truyền thống ở Hoài Nhơn đang ngày càng mai một là vấn đề đáng quan tâm. Để phục hồi những làng nghề này thì giải pháp đặt ra là phải tháo gỡ ngay những khó khăn về vốn đầu tư, công nghệ sản xuất, đầu ra sản phẩm… Có như vậy các làng nghề truyền thống ở đây mới phát huy được thế mạnh của mình, giúp nông dân có thu nhập ổn định.
. N. Hân
|