An Lão: Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa
15:43', 27/7/ 2004 (GMT+7)

Từ năm 2001 đến nay, huyện An Lão đã tổ chức hơn 40 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 60% nông dân trong toàn huyện. Ngoài ra, huyện còn tăng cường cho mỗi xã hai khuyến nông viên để hướng dẫn nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả.

Cán bộ kỹ thuật huyện An Lão hướng dẫn kỹ thuật ủ thức ăn gia súc cho nông dân xã An Tân

Bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở An Lão bắt đầu từ việc triển khai thực hiện đề án cấp 1 hóa giống lúa. UBND huyện chủ trương cho nhân dân mượn vốn để đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, cho mượn lúa giống cấp 1 và thu hồi lúa thịt sau thu hoạch. Nhờ đó, hàng năm An Lão sản xuất ổn định 2.500 ha lúa nước, với 85% diện tích được gieo sạ giống lúa cấp 1; năng suất, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Nhiều mô hình thâm canh lúa 2 vụ ở xã vùng cao An Toàn, An Quang đạt năng suất từ 45 đến 50 tạ/ha. Năm 2003 An Lão bắt đầu sản xuất giống lúa mới nhị ưu lai 838 ở xã vùng cao An Dũng, An Vinh, năng suất đạt 56-60 tạ/ha; ở An Hòa đạt 70 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Sau cây lúa, huyện An Lão đã chú trọng sản xuất bắp lai với diện tích bình quân hàng năm từ 120-150ha. Bên cạnh cây bắp lai, huyện luôn duy trì sản xuất 119 ha đậu phụng trên diện tích lúa chuyển vụ, năng suất đạt 12,5 tạ/ha, tăng 43% so với năm trước. Nhiều hộ nông dân ở An Hòa, An Tân, An Trung, An Quang có thu nhập khá nhờ sản xuất đậu phụng giống mới. Ngoài ra, bà con còn phát triển sản xuất mì cao sản, dứa lai, đào ghép cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng/ha/năm.

Điều đáng ghi nhận là hiện nay huyện vùng cao An Lão đã bước đầu hình thành được mô hình thâm canh cho thu nhập cao: như mô hình trồng thuốc lá sợi vàng (vụ đông xuân), trồng dưa hấu (vụ hè thu), trồng bắp lai (vụ 3) ở xã An Tân, An Hòa cho tổng thu nhập 93 triệu đồng/ha/năm. Mô hình vỗ béo bò thịt ở xã An Trung, An Tân, An Hòa với quy mô nhỏ (nuôi 5-6 con/năm/hộ) cho lãi từ 7 đến 8 triệu đồng/năm; quy mô lớn (nuôi 20 con/năm/hộ) lãi từ 28 đến 30 triệu đồng/năm. Phong trào trồng cỏ nuôi bò lai cũng đã phát triển khá mạnh. Toàn huyện hiện có 2.026 con bò lai, chiếm 31,8% tổng đàn, vượt 0,8% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2004. Ngoài ra, với lợi thế có nguồn nước chảy tự nhiên dồi dào, phong trào đào ao nuôi cá nước ngọt đã phổ biến đến cả miền núi cao, hiện có 282 hộ nuôi cá trên 47,5 ha mặt nước, hàng năm cung cấp cho thị trường từ 25 tấn đến 30 tấn cá các loại.

Qua 3 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp ở An Lão phát triển tương đối toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng sản xuất nông nghiệp ở An Lão phát triển chưa vững chắc. Việc xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến còn gặp nhiều khó khăn. Công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm và thiếu bền vững, chỉ mới tập trung ở các xã vùng thấp, các xã vùng cao chưa được thực hiện rộng rãi. Nguyên nhân do công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất của các cấp, các ngành trong huyện còn thiếu đồng bộ. Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là rất lớn, nhưng do nội lực trong dân còn hạn chế nên sự đầu tư chưa cao, chưa mạnh dạn sử dụng nguồn vốn tín dụng, dù đã được nhà nước ưu đãi về lãi suất. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân còn hạn chế…

Để tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, ngoài việc khắc phục những tồn tại nêu trên, huyện An Lão đã triển khai những giải pháp cụ thể về quy hoạch vùng sản xuất cây trồng, chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp, xây dựng mô hình cánh đồng 50 triệu/ha và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

. Hoàng Nam Quốc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người cải tạo đồi hoang   (27/07/2004)
Thị trường điện thoại di động: Hàng lậu nhan nhản  (26/07/2004)
Trăn trở từ các làng nghề truyền thống ở Hoài Nhơn   (26/07/2004)
Toàn tỉnh có 960 trang trại với số vốn đầu tư 72 tỉ đồng  (25/07/2004)
Chuyện điện ở Phước Mỹ  (26/07/2004)
Trồng 2 ha chanh, thu 100 triệu đồng/năm   (26/07/2004)
Điện thoại Internet: Cơ hội mới cho người tiêu dùng   (23/07/2004)
Giúp nông dân tự làm ra những hạt giống tốt  (22/07/2004)
Giá kén tằm tăng cao: Kẻ cười, người khóc  (22/07/2004)
Chấn chỉnh việc khai thác titan   (21/07/2004)
Niềm vui từ những con đường mới  (21/07/2004)
Co.op Mart Quy Nhơn: Ngày càng thu hút người tiêu dùng   (20/07/2004)
130 ha xoài ghép ở An Lão không ra quả: Trách nhiệm thuộc về ai?   (20/07/2004)
Các dịch vụ giao thông vận tải bắt đầu tăng giá   (19/07/2004)
Cây cảnh Bình Định được giá  (18/07/2004)