Ngày 24-4-1999, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 27/CT-TU về một số biện pháp thúc đẩy kinh tế trang trại (KTTT) phát triển. Triển khai Chỉ thị này, ngành Nông nghiệp Bình Định đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích nông dân, mọi thành phần kinh tế đầu tư, phát triển KTTT, tạo ra bước chuyển động tích cực.
* Kết quả
|
Một trang trại trồng cây ăn quả ở Vân Canh mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng |
Qua 5 năm (1999-2004), KTTT ở Bình Định đã có sự phát triển đáng kể. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 960 trang trại (tăng 668 trang trại so với năm 1999), với số vốn đầu tư 72 tỉ đồng, trong đó, có 1/2 số trang trại sản xuất theo mô hình trồng cây lâu năm, cây ăn quả; còn lại là kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi. Khảo sát mới đây của ngành Nông nghiệp cho biết, phần lớn các trang trại có diện tích từ 3-5 ha, cá biệt có trang trại rộng tới 50 ha. Trang trại ở Bình Định phần nhiều nằm ở miền trung du bán sơn địa và đều hướng vào sản xuất hàng hóa như: cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp và nông sản xuất khẩu. Theo số liệu điều tra chưa đầy đủ, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa của các trang trại ở Bình Định năm 2003 đạt 43 tỉ đồng, bình quân mỗi trang trại 45 triệu đồng; góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 5.000 lao động địa phương, trung bình mỗi trang trại sử dụng 6 lao động.
Trong thời gian qua, KTTT ở Bình Định đã phát huy được lợi thế so sánh của từng địa phương, từng vùng. Các trang trại nuôi trồng thủy sản tập trung phát triển ở những vùng ven biển như: TP Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn. Trang trại trồng cây lâu năm tập trung ở vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày như: Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ. Các trang trại trồng cây lâu năm, trang trại lâm nghiệp đã góp phần đáng kể vào việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải tạo môi sinh, làm đẹp cảnh quan. Trong 5 năm qua, trang trại chăn nuôi, gia súc, gia cầm phát triển tương đối đều tại nhiều địa phương. Đến nay, bước đầu đã hình thành khu chăn nuôi trang trại tập trung bò sữa ở Nhơn Tân (An Nhơn) rộng 200 ha, hiện có 750 bò sữa được chăn nuôi theo quy trình công nghệ tiên tiến
* Những tồn tại
Bên cạnh những mặt tích cực, thuận lợi, KTTT ở Bình Định đang đứng trước rất nhiều khó khăn và đã bộc lộ một số vấn đề cần được nghiên cứu, giải quyết kịp thời.
Trước hết, quy mô KTTT hiện nay còn nhỏ, chưa đồng đều ở các vùng, các địa phương. Việc tổ chức sản xuất ở các trang trại còn mang tính tự phát, manh mún, chưa đi vào định hướng chung của tỉnh. Nhiều trang trại do hình thành tự phát nên tùy tiện trong bố trí sản xuất. Các chủ trang trại mạnh ai nấy làm, hoạt động phân tán, thiếu sự liên doanh, liên kết, tương trợ với nhau. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa của các chủ trang trại nhìn chung còn thấp, chưa đủ để tiếp nhận, quản lý sử dụng những nguồn vốn lớn để tổ chức sản xuất với quy mô lớn. Việc chuyển giao tiến bộ KHKT, cung cấp giống tốt cho các chủ trang trại tuy có được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đầu ra cho nông sản còn khó khăn. Về phía tỉnh, còn thiếu những chính sách thông thoáng, đồng bộ để khuyến khích các chủ trang trại yên tâm đầu tư sản xuất.
Nhưng có lẽ bức xúc nhất hiện nay vẫn là vấn đề đất đai và vốn. Trên 60% diện tích đất đai của các trang trại đều do khai hoang, được Nhà nước giao khai hoang sử dụng lâu dài và do tự khai hoang, chưa có giấy tờ hợp pháp. Mặc dù diện tích đất hoang hóa còn rất lớn, nhưng có địa phương hạn chế mức giao đất dù chủ trang trại có đủ khả năng sản xuất. Về vốn, gần như toàn bộ các trang trại đều do chủ trang trại bỏ vốn để xây dựng và tổ chức sản xuất; hoặc tự bỏ công lao động xây dựng trong nhiều năm… Có nhiều chủ trang trại ngần ngại không dám vay tiền của ngân hàng vừa vì lãi suất cao, thời gian trả nợ quá ngắn, vừa vì giá cả nông sản luôn bấp bênh, đầu ra không ổn định.
* KTTT cần được hỗ trợ
So với nhiều địa phương khác trong nước, phong trào KTTT ở Bình Định còn khá khiêm tốn cả về số lượng và quy mô, trong khi diện tích hoang hóa, mặt nước chưa sử dụng vẫn còn rất lớn. Làm gì để phong trào KTTT của tỉnh phát triển mạnh, khai thác hết tiềm năng sẵn có?
Vấn đề này không chỉ tự thân các chủ trang trại giải quyết được, mà phải nhờ vào sự can thiệp của chính quyền và các ngành chức năng. Đất đai đang là vấn đề bức xúc của KTTT, do đó, các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra, xác minh, lập địa bạ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại để họ yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời cần có quy hoạch tổng thể xác định rõ vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi gắn với công nghiệp chế biến; xác định rõ từng loại cây trồng trên từng loại diện tích đất. Về phía các chủ trang trại cũng cần được nâng cao năng lực quản lý, được chuyển giao các tiến bộ KHKT và tiếp cận những thông tin thị trường một cách cập nhật…
. Nguyễn Quý |