Xuất khẩu thủy sản: Bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn?
11:29', 30/7/ 2004 (GMT+7)

Những năm trước đây, ngành Thủy sản Bình Định đã "ăn nên làm ra", một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu đã khẳng định được vị thế trên thương trường quốc tế, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng qua hàng năm, năm 2001 đạt gần 30 triệu USD. Thế nhưng vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu liên tiếp giảm sút: năm 2002 giảm 21,5% so với năm 2001, năm 2003 giảm 30,4% so với năm 2002 và từ đầu năm đến nay chỉ mới đạt 7,662 triệu USD, bằng 91,2% so với cùng kỳ năm 2003…

* Nhiều giải pháp phát triển, nhưng…

Chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu

Theo đánh giá của ngành Thủy sản, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh liên tiếp giảm sút là do mấy nguyên nhân chính: Thị trường thủy sản thế giới có nhiều biến động theo chiều hướng xấu về giá cả và sức mua. Quy mô của các DN chế biến còn nhỏ bé. Hiện toàn tỉnh chỉ có 5 DN đang hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nên chưa đáp ứng yêu cầu về điều kiện sản xuất và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến thiếu về số lượng và kém về chất lượng. Sản phẩm chế biến rất đơn điệu, chất lượng chưa cao, tỷ trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng còn ít. Bên cạnh đó, năng lực xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường của các DN cũng rất hạn chế…

Để cải thiện tình hình và nâng cao khả năng cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu, ngành Thủy sản đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Về khâu nguyên liệu, tập trung nuôi trồng thủy sản ở nhiều vùng sinh thái, nhất là nuôi tôm sú theo hướng thâm canh. Quy hoạch, đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất tôm giống công nghiệp, đảm bảo chất lượng cao và sạch bệnh, cung cấp giống cho các vùng nuôi tôm trong tỉnh. Trong đánh bắt, đầu tư phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, được trang bị công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nhằm đảm bảo chất lượng nguyên liệu. Về chế biến, sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng và nâng cấp các nhà máy, nâng cao điều kiện sản xuất và trình độ công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu… Song song với những công tác này, ngành sẽ tăng cường hỗ trợ cho các DN về thông tin thị trường, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại; củng cố và phát triển thị trường xuất khẩu, duy trì các thị trường hiện có cũng như nghiên cứu khai thác thị trường tiềm năng…

* Hiệu quả còn thấp

Với hàng loạt các giải pháp như vậy, nhưng cho đến nay kết quả mang lại chưa có gì khả quan. Tình trạng tôm nuôi bị dịch liên tiếp gia tăng đang là nỗi lo rất lớn của người nuôi tôm trong tỉnh. Năm 2003 trên địa bàn toàn tỉnh có đến hơn 1.000 ha tôm nuôi bị dịch bệnh. Từ đầu đến nay, số diện tích tôm nuôi bị bệnh cũng đã lên đến 550 ha, chiếm 26% tổng diện tích tôm nuôi trên toàn tỉnh. Thực trạng này đã dẫn đến chất lượng và sản lượng tôm thương phẩm giảm mạnh. 6 tháng đầu năm 2004, sản lượng tôm nuôi trên địa bàn Bình Định mới chỉ đạt 630 tấn, bằng 69% so với cùng kỳ năm 2003. Sản lượng hải sản đánh bắt tuy có tăng cao, hiện nay đã đạt mức gần 90.000 tấn/năm, nhưng công tác bảo quản sau thu hoạch chưa được nâng lên, chất lượng sản phẩm còn rất thấp. Trong khi đó, các DN chế biến cũng chưa đầu tư liên doanh liên kết với người sản xuất nguyên liệu để nắm nguồn hàng, nên mức độ nguyên liệu được sử dụng để chế biến xuất khẩu chỉ đạt từ 10-15%.

Về chế biến, thời gian qua các DN đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm tăng năng lực sản xuất, đa hóa mặt hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, tổng công suất các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh đã đạt con số 9.000 tấn/năm, vượt 2.000 tấn so với kế hoạch phát triển đến năm 2005. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu để phục vụ cho chế biến thiếu trầm trọng, chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% công suất của các nhà máy.

Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cũng chỉ dừng lại ở việc tham gia hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường, mà không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, đào tạo nhân lực, hỗ trợ thông tin…. Chính những tồn tại này, làm cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như hải sản đông lạnh, hải sản khô… mất dần thị trường.

Trước thực trạng như vậy, ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở Thủy sản, cho biết: Ngành đã tiến hành khảo sát nắm lại tình hình các lĩnh vực, và đã có các giải pháp để đẩy mạnh phát triển. Trong đó, phát triển nuôi tôm đến năm 2010 sẽ đạt diện tích 3.500 ha, bằng cách chuyển đổi vừng nhiễm mặn, đất cát sang nuôi tôm theo hướng bền vững. Ngành cũng sẽ tăng cường hoạt động đánh bắt xa bờ bằng các đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để khai thác các hải sản xuất khẩu có nhiều tiềm năng như cá ngừ đại dương, cá thu, mực… Song song với những biện pháp này, ngành sẽ hỗ trợ các DN đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường cũng như xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa…

Thế nhưng theo chúng tôi, để vực dậy ngành Thủy sản, thì cần phải khắc phục cho được những tồn tại lâu nay như tình trạng môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn kém… Nếu không triển khai thực hiện những giải pháp đồng bộ, chắc chắn lĩnh vực xuất khẩu thủy sản sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kinh tế trang trại chuyển động tích cực   (29/07/2004)
Những ngày hội của người tiêu dùng  (28/07/2004)
An Lão: Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa  (27/07/2004)
Người cải tạo đồi hoang   (27/07/2004)
Thị trường điện thoại di động: Hàng lậu nhan nhản  (26/07/2004)
Trăn trở từ các làng nghề truyền thống ở Hoài Nhơn   (26/07/2004)
Toàn tỉnh có 960 trang trại với số vốn đầu tư 72 tỉ đồng  (25/07/2004)
Chuyện điện ở Phước Mỹ  (26/07/2004)
Trồng 2 ha chanh, thu 100 triệu đồng/năm   (26/07/2004)
Điện thoại Internet: Cơ hội mới cho người tiêu dùng   (23/07/2004)
Giúp nông dân tự làm ra những hạt giống tốt  (22/07/2004)
Giá kén tằm tăng cao: Kẻ cười, người khóc  (22/07/2004)
Chấn chỉnh việc khai thác titan   (21/07/2004)
Niềm vui từ những con đường mới  (21/07/2004)
Co.op Mart Quy Nhơn: Ngày càng thu hút người tiêu dùng   (20/07/2004)