Xã Phước An nằm về phía tây nam của huyện Tuy Phước, dân số 19.740 người, là xã thuần nông, độc canh cây lúa, bình quân ruộng đất đầu người chỉ có 400m2, nên trước đây có đến 18,2% hộ đói nghèo. Bây giờ, Phước An đã chuyển mình "thay da, đổi thịt", số hộ đói không còn, hộ nghèo giảm còn 4,1%, bình quân thu nhập đầu người đạt 5 triệu đồng/năm, cao nhất so các xã, thị trấn trong huyện Tuy Phước.
|
Công ty TNHH Nghĩa Phát - một trong 6 doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp Phước An |
Thuận lợi của xã Phước An là có đường sắt Bắc - Nam và tỉnh lộ DT638 đi qua, gần cửa ngõ vào thành phố Quy Nhơn, lại nằm trong cụm công nghiệp tập trung của huyện Tuy Phước. Cụm công nghiệp này được đầu tư hơn 9 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện có 6 doanh nghiệp tư nhân đã xây dựng nhà xưởng sản xuất đồ gỗ, đá granite… Ông Hồ Trung Sơn, chủ tịch UBND xã Phước An cho biết: "Nhờ có cụm công nghiệp này mà nhiều lao động ở địa phương có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập thấp nhất 600 nghìn đồng/người/tháng. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét, tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của xã tiến triển tốt".
Vận dụng phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ", từ năm 1996 đến nay, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã Phước An đã huy động trong dân và sử dụng ngân sách địa phương đầu tư hàng tỉ đồng cho mục tiêu "điện, đường, trường, trạm, chợ". Điện đã phủ kín 100% số hộ trong xã, phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Bê tông hóa được 13 km đường liên xã, liên thôn; bằng ngân sách địa phương và huy động vốn trong nhân dân xã tiếp tục đầu tư hơn 1,6 tỉ đồng để xây dựng 8km đường bê tông xi măng và sẽ hoàn thành trước mùa mưa năm nay. Trường học ở xã đã từng bước tầng hóa; trạm y tế xã vừa được đầu tư 150 triệu đồng xây mới 4 phòng, đủ thu dung bệnh nhân ở địa phương. Chợ Quán Cẩm vừa được nâng cấp, là nơi buôn bán sầm uất. Trụ sở làm việc của xã được đầu tư xây dựng 670 triệu đồng với công viên, vườn hoa trông khá đẹp mắt…
Xã Phước An có 712 ha đất trồng lúa, 598 ha đất màu, tiềm năng sản xuất nông nghiệp khá lớn. Nhiều nông dân đã bỏ công sức khai hoang vỡ hóa đất đồi gò nằm dọc theo dãy núi Sơn Triều để lập trang trại với diện tích 33 ha trồng cây lâm nghiệp, 25 hộ làm trang trại đều có mức thu nhập bước đầu từ 4-30 triệu đồng/năm. Trong sản xuất nông nghiệp, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào đồng ruộng, sử dụng giống cấp 1 đạt 80-90% diện tích nên năng suất, sản lượng lúa tăng cao. Trên diện tích 598 ha sản xuất cây màu đạt giá trị 20-40 triệu đồng/ha/năm. Nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm ở địa phương phát triển nhanh, có đến 80% số hộ nuôi bò với gần 6.000 con, trong đó bò lai chiếm 38% tổng đàn. 30 ha đất đồi gò, đất thổ được đưa vào trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Đàn bò sữa có 67 con, đàn heo 7.600 con (có trang trại heo giống cấp 2), đàn dê 376 con, đàn gia cầm trên 50.000 con… đã đem lại thu nhập khá cao cho bà con nông dân. Hiện cả xã 87% số hộ có xe máy; hầu như gia đình nào cũng có phương tiện nghe nhìn; 99,4% số hộ xây được nhà ngói, làm được nhà mái bằng. 8 thôn trong xã đều đăng ký xây dựng làng văn hóa. Năm 2003, qua kiểm tra có 3 thôn/8 thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện. Làng văn hóa Ngọc Thạnh 1 được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh.
Phước An đang đi đúng hướng để tiếp tục tiến về phía trước!
. Xuân Thức |