Cho thuê nhà trọ: Nghề kinh doanh mới ở Quy Nhơn
10:23', 3/8/ 2004 (GMT+7)

Theo số liệu thống kê được, năm 1997 Quy Nhơn chỉ có 187 hộ cho thuê nhà trọ (NT) thì đến nay, con số đó đã là 1.843 hộ, gấp gần 10 lần. Sự phát triển của NT bình dân ở Quy Nhơn đã và đang đi từ phong trào tự phát đến "công nghệ NT" với đầy đủ những chiến lược và kỹ năng kinh doanh khá bài bản.

* Nghề kinh doanh mới

Một nhà trọ ở đường Biên Cương

Sự mở rộng quy mô đào tạo của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), cùng với phát triển của KCN Phú Tài và việc Quy Nhơn trở thành một điểm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm đã làm cho TP phát triển mạnh những loại hình kinh doanh lưu trú bình dân.

Hiện nay, TP Quy Nhơn tập trung gần 17.000 học sinh, sinh viên (HS-SV) các trường ĐH, CĐ, dạy nghề, trong đó phần lớn đều là người các địa phương khác, trong khi các ký túc xá chỉ đủ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 4.000 người. Vì thế, số còn lại đều phải thuê NT ở ngoài. Khu vực có nhiều NT SV nhất là tại các phường: Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Quang Trung, Lê Lợi… vì gần các trường: ĐH Quy Nhơn, CNKT Quy Nhơn, CĐSP Bình Định, Trung học Y tế, các trung tâm luyện thi. Không chỉ phục vụ cho HS-SV, CNVC, ở Phú Tài - nơi tập trung 16.000 công nhân làm việc tại KCN, NT cũng mọc lên như nấm. Theo số liệu của Công an Quy Nhơn, trên địa bàn 2 phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân hiện có khoảng 6.000 công nhân ở trọ.

Nhà cho thuê cũng có đủ loại. Nhiều phòng trọ vốn là phòng ở bỏ không hoặc nhà kho được chủ nhà cải tạo lại để cho thuê. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có đất vườn thì bắt đầu bỏ vốn đầu tư xây NT, người ít tiền thì xây nhà cấp 4, người nhiều tiền thì xây luôn 2 tầng, hoặc xây ít phòng nhưng mỗi phòng đều có nhà vệ sinh riêng, hoặc mua nhà cho thuê. Ở phường Trần Quang Diệu, ngoài những chủ NT là người địa phương, bắt đầu có nhiều người từ các khu vực lân cận biết "nhìn xa trông rộng" nên đến đây mua đất cất nhà cho công nhân thuê.

Anh Cường, một chủ NT ở phường Quang Trung, tỏ ra rất kinh nghiệm: "Tôi để ý thấy SV thích ở chung càng ít người càng tốt nên tôi xây phòng đủ diện tích cho 4 SV thuê, sau đó dùng ván ép ngăn làm đôi và cho ở cứ 2 SV/ngăn. Còn các CNVC độc thân hoặc các cặp vợ chồng trẻ thì lại muốn ở rộng rãi một chút nên tôi cho thuê chỉ 2-3 người/phòng. Tốt nhất là nhà phải có lối đi riêng cho người thuê trọ". Anh Minh - một chủ NT cho SV thuê ở đường Nguyễn Thị Minh Khai - tính toán: "Bây giờ bỏ ra 50 triệu đồng xây 3 phòng trọ cho thuê, mỗi tháng thu tiền nhà khoảng 900.000đ, mỗi năm thu 10 tháng, sau 5 năm rưỡi thì thu lại vốn. Sau đó thì thu lợi và còn được cái nhà".

* Quản lý như thế nào?

Trong số 1.843 hộ cho thuê nhà nói trên, có 50% số hộ cho HS-SV thuê và nửa còn lại cho người lao động và CNVC thuê. Con số người ở trọ cũng dao động trong khoảng từ 11.000 - 18.000 người, tùy thời điểm. Những phường có số hộ cho thuê trọ cao nhất là: Nguyễn Văn Cừ: 483 hộ, Ngô Mây: 423 hộ, Lê Lợi: 227 hộ. Tuy vậy, đó là con số các hộ đăng ký với công an phường, còn thực tế thì cao hơn nhiều.

Hiện nay, ngoài ngành công an, vẫn chưa có cơ quan nào quản lý NT bình dân, dù đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Mà trong các quy định về việc kinh doanh NT, trừ việc chủ hộ phải đăng ký tạm trú tạm vắng cho người thuê trọ tại công an phường thì các điều kiện còn lại cũng rất chung chung như: phải đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… Vì thế, ngay cả công an phường khi đi kiểm tra cũng chỉ theo cảm tính mà quyết định. Mặt khác, mối quan hệ giữa chủ nhà và người thuê trọ cũng chỉ dừng lại ở thỏa thuận miệng nên khi có tranh chấp xảy ra như người thuê trọ "chạy làng" tiền phòng, chủ nhà chèn ép người thuê trọ… thì cả hai cũng đành chịu. Và cũng không phải là không có trường hợp kẻ gian hoặc các SV vi phạm kỷ luật bị đuổi học vẫn ở trọ trà trộn với SV, mãi đến khi gây án, bị công an bắt thì chủ nhà mới biết.

Việc phát triển NT đã gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến tình hình trật tự xã hội thành phố. Về điều này, thiếu tá Phan Văn Bằng - Đội trưởng Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Quy Nhơn - nhận định: "Ảnh hưởng lớn thì không có nhưng có hiện tượng chung nhất là HS-SV sinh hoạt quá thời gian quy định như ca hát, ăn uống khuya gây ồn ào; xảy ra mất cắp trong NT". Trung tá Nguyễn Thanh Hùng - Phó Trưởng Công an TP Quy Nhơn - cho biết thêm: "Những vấn đề gây khó khăn cho công tác quản lý NT bình dân hiện nay là nhiều hộ cho thuê NT không đăng ký với công an phường nên chúng tôi không quản lý được. Thứ nữa, một số hộ nhà ở phường này nhưng mua nhà ở phường kia và cho thuê nguyên căn chứ không ở nên sự hợp tác giữa công an địa phương và chủ nhà trong việc quản lý người thuê trọ rất lỏng lẻo".

TP Hồ Chí Minh đã ban hành chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế và người dân xây NT cho người thu nhập thấp và công nhân thuê, đồng thời xây dựng quy chế quản lý khu NT công nhân tại các KCN với những quy định cụ thể về điều kiện NT. Còn Hà Nội đã bước đầu áp dụng biện pháp thu thuế NT để quản lý loại hình kinh doanh này. Quy Nhơn đang trên đà phát triển với lượng HS-SV, lao động đến thành phố ngày càng tăng. Việc kêu gọi các doanh nghiệp tự xây NT cho công nhân; tìm thêm biện pháp để quản lý NT bình dân là điều các ngành chức năng cần nghĩ đến ngay từ bây giờ, để hoạt động cho thuê nhà trọ bình dân được quản lý một cách chặt chẽ, cả về mặt xã hội lẫn kinh doanh.

. Nguyên Sương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chọn màn hình cho máy vi tính: CRT hay LCD?  (02/08/2004)
Phước An hôm nay  (01/08/2004)
Xuất khẩu thủy sản: Bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn?   (30/07/2004)
Kinh tế trang trại chuyển động tích cực   (29/07/2004)
Những ngày hội của người tiêu dùng  (28/07/2004)
An Lão: Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa  (27/07/2004)
Người cải tạo đồi hoang   (27/07/2004)
Thị trường điện thoại di động: Hàng lậu nhan nhản  (26/07/2004)
Trăn trở từ các làng nghề truyền thống ở Hoài Nhơn   (26/07/2004)
Toàn tỉnh có 960 trang trại với số vốn đầu tư 72 tỉ đồng  (25/07/2004)
Chuyện điện ở Phước Mỹ  (26/07/2004)
Trồng 2 ha chanh, thu 100 triệu đồng/năm   (26/07/2004)
Điện thoại Internet: Cơ hội mới cho người tiêu dùng   (23/07/2004)
Giúp nông dân tự làm ra những hạt giống tốt  (22/07/2004)
Giá kén tằm tăng cao: Kẻ cười, người khóc  (22/07/2004)