Xây dựng Nhà máy thủy điện Định Bình:
Cơ hội đổi đời cho vùng đất khó
12:26', 4/8/ 2004 (GMT+7)

Khi nghe tin Nhà nước cho đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Định Bình, người dân Vĩnh Thạnh, nhất là ở 2 xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Hiệp không giấu được sự phấn khởi. Lâu nay đời sống của họ còn nhiều khó khăn, muốn bứt phá để phát triển nhưng cũng không được, vì cơ sở hạ tầng còn quá thiếu thốn. Bởi vậy, khi có thêm một công trình lớn được đầu tư xây dựng tại quê hương, niềm tin của họ vào một tương lai phát triển càng thêm vững chắc.

* Ngày vui ở Vĩnh Hiệp

Đồng bào Bana Vĩnh Thạnh hát múa mừng ngày khởi công thủy điện Định Bình

Tôi đến Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh) trong ngày lễ khởi công xây dựng dự án Nhà máy thủy điện Định Bình. Mới 7 giờ sáng, bà con nhân dân trong huyện, đặc biệt là 2 xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo đã đến rất đông, có cả ngàn người. Nhiều bà con dân tộc Ba na còn mang theo cồng, chiêng, tổ chức hát, múa chào mừng một sự kiện quan trọng đang diễn ra trên quê hương Vĩnh Thạnh. Âm nhạc cồng chiêng vang lên rộn rã, hòa với tiếng cười nói, bàn tán làm không khí càng thêm sôi nổi. Ông Đinh K'Răng - Bí thư Chi bộ làng Hà Ri (Vĩnh Hiệp) - người đã gắn bó cả đời mình với mảnh đất này - nhớ như in cái hồi nơi đây còn là dòng sông, cây cỏ hai bên bờ mọc um tùm. Đất dọc triền sông Côn nhiều là vậy, nhưng đưa vào sản xuất thì hiệu quả kinh tế không cao do thiếu nước tưới. Bởi vậy, khi nghe tin Nhà nước cho khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Định Bình, để tận dụng nguồn thủy năng vừa sản xuất điện, vừa phục vụ nước tưới một số diện tích đất ở đây, ông và bà con mừng lắm. Gặp những người có trách nhiệm, ông đều hỏi: "Thủy điện này lớn bao nhiêu, công suất bao nhiêu, xây dựng trong bao lâu, một năm nữa có thể hoàn thành được không…?"

Khi nghe đại diện Công ty Điện lực 3 báo cáo về dự án, bác Đinh Đay, dân làng Hà Ri, ngồi gần bên tôi, bộc bạch: Cái dự án này vừa cung cấp điện lại vừa cung cấp nước cho bà con mình nữa à, thế thì mừng quá! Nhà mình có 3 sào đất, vì không có nước nên chỉ trồng được một vụ bắp và đậu xanh. Nhìn ruộng đất bỏ hoang tiếc lắm, nhưng không làm gì được. Mình định khi có nước sẽ chuyển qua trồng lúa…. Những dự tính tương lai của bác Đay cũng là của chung dân làng.

* Tương lai dự án…

Dự án nhà máy thủy điện Định Bình là hợp phần của công trình đầu mối hồ chứa nước Định Bình trên sông Côn, một công trình thủy lợi lớn đa mục tiêu vừa giảm lũ chính, chống lũ sớm, lũ tiểu mãn, lũ muộn; cấp nước tưới cho 15.000 ha đất canh tác; cấp nước dân sinh, công nghiệp nông thôn và nuôi trồng thủy sản vừa phát điện… Bởi vậy, để phát huy hiệu quả tổng hợp của dự án, Công ty Xây dựng 47 và Công ty Điện lực 3 đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện này với công suất 6,6 MW, sản lượng điện bình quân hơn 32 triệu kwh, gồm 2 tổ máy phát đồng bộ 3 pha, với tổng mức đầu tư trên 130 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được xây dựng trong 2 năm. Khi hoàn thành và đi vào khai thác sử dụng, ngoài việc cung cấp điện năng, phát triển công nghiệp, dịch vụ cho các địa phương tại 2 huyện Vĩnh Thạnh và Tây Sơn, nguồn nước này được tận dụng để phục vụ tưới cho một số diện tích lúa chân cao thiếu nước thuộc các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo.

Ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Mấy làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo, đời sống còn nghèo vì rất nhiều diện tích đất mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa gieo khô còn các vụ khác không canh tác được do thiếu nước tưới. Điện thì tuy đã có nhưng cũng chưa ổn định lắm. Bởi vậy, khi dự án này hoàn thành và đưa vào hoạt động, có nguồn nước tưới và nguồn điện ổn định, huyện sẽ hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, tăng vụ; đầu tư phát triển các ngành nghề để xóa đói, giảm nghèo". Ông Nguyễn Lương Am, Giám đốc Công ty Xây dựng 47, đơn vị thi công công trình, khẳng định: "Đây là công trình có khối lượng thi công lớn, thi công trong thời gian ngắn. Bởi vậy, sau khởi công, đơn vị sẽ tập trung mọi nguồn lực để thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, nhằm phục vụ tốt cho người dân trong vùng hưởng lợi".

Nơi nào cơ sở hạ tầng phát triển, nơi đó kinh tế, văn hóa và đời sống người dân đều phát triển theo. Chính vì thế, tôi hiểu sự vui mừng của ông Đinh Y Nam, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, trong ngày vui khởi công công trình Nhà máy thủy điện Định Bình. Ông tâm sự: "Vĩnh Thạnh là huyện miền núi, nhưng lại được Nhà nước đầu tư xây dựng những công trình lớn như: Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, Hồ thủy lợi Định Bình và bây giờ là Nhà máy thủy điện Định Bình… Với sự quan tâm này, tôi tin rằng Vĩnh Thạnh sẽ có thêm được sức bật mới, một thế mạnh mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội của mình".

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hoạt động xuất khẩu: Ổn định và tăng trưởng khá   (03/08/2004)
Cho thuê nhà trọ: Nghề kinh doanh mới ở Quy Nhơn   (03/08/2004)
Chọn màn hình cho máy vi tính: CRT hay LCD?  (02/08/2004)
Phước An hôm nay  (01/08/2004)
Xuất khẩu thủy sản: Bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn?   (30/07/2004)
Kinh tế trang trại chuyển động tích cực   (29/07/2004)
Những ngày hội của người tiêu dùng  (28/07/2004)
An Lão: Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa  (27/07/2004)
Người cải tạo đồi hoang   (27/07/2004)
Thị trường điện thoại di động: Hàng lậu nhan nhản  (26/07/2004)
Trăn trở từ các làng nghề truyền thống ở Hoài Nhơn   (26/07/2004)
Toàn tỉnh có 960 trang trại với số vốn đầu tư 72 tỉ đồng  (25/07/2004)
Chuyện điện ở Phước Mỹ  (26/07/2004)
Trồng 2 ha chanh, thu 100 triệu đồng/năm   (26/07/2004)
Điện thoại Internet: Cơ hội mới cho người tiêu dùng   (23/07/2004)