Quy Nhơn lên cơn sốt giá mũ bảo hiểm
16:28', 4/8/ 2004 (GMT+7)

Theo Chi Cục quản lý thị trường Bình Định, ở Quy Nhơn hiện đang bày bán 8 loại mũ bảo hiểm (MBH) và giá bán đã đồng loạt tăng cao so với những ngày trước đây. Loại tăng thấp nhất là 25.000 đồng/MBH, loại tăng cao nhất là 60.000 đồng/MBH. Ngoài giá tăng, chất lượng MBH cũng là vấn đề đáng lo ngại cho người sử dụng.

* Giá tăng, nhưng người mua không giảm

Chọn mua mũ bảo hiểm

Kể từ ngày 1-8, trên địa bàn toàn tỉnh, các lực lượng đã đồng loạt ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông, trong đó có việc bắt buộc người điều khiển, lưu thông bằng phương tiện xe máy phải đội MBH trên các đoạn đường quy định. Vì thế, thị trường MBH đã trở nên nóng bỏng và giá bán cứ thế tiếp tục leo thang. Có nhiều cửa hàng không đủ hàng để bán, phải nằm chờ hàng về. Có hai loại MBH tăng giá nhanh là MBH sản xuất tại Việt Nam và MBH của Trung Quốc sản xuất. Đây là hai loại MBH vài ngày trước còn ở giá thấp, thu hút nhiều người mua. Từ chỗ người mua nhiều, không đủ hàng để bán nên các cơ sở sản xuất cũng như các cửa hàng đồng loạt cho tăng giá.

Tại cửa hàng bán MBH trên đường Nguyễn Thái Học, anh Trần Văn Thanh (ở đường Tăng Bạt Hổ, phường Trần Phú), đang loay hoay chọn mua MBH, cho biết: "Tôi quê ở Hoài Nhơn vào đây làm việc, lâu lâu mới về quê nhưng hồi giờ vẫn chưa có mua MBH. Nghe nói hiện nay công an làm gắt lắm nên phải mua MBH để đội. Khi đến đây tôi mới biết giá tăng cao quá nhưng cũng phải mua thôi". Dù giá tăng cao, người mua vẫn đành chấp nhận bởi nhu cầu phải đi lại hàng ngày, không thể chờ giá hạ rồi mới mua.

Nguyên nhân của việc tăng giá này được chị Lan, chủ cửa hàng kinh doanh phụ tùng Honda và MBH Thọ trên đường Lê Hồng Phong, cũng như chủ các cửa hàng khác giải thích: "Do cơ sở sản xuất tăng giá thì mình cũng phải tăng theo, bán mới có lời". Việc tăng giá như hiện nay chỉ có cơ sở sản xuất, cửa hàng bày bán MBH mới biết. Còn người mua thì "nửa tin, nửa ngờ" và buộc phải chấp nhận với giá mà cửa hàng đưa ra.

Gặp chị Nguyễn Thị Minh Hồng, ở thị trấn Đập Đá (An Nhơn), đang chọn mua MBH tại một cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo, chị Hồng cho hay: "Sẵn xuống Quy Nhơn có việc, tiện thể ghé vào các cửa hàng mua cái MBH. Tưởng ở đây giá rẻ hơn, ai ngờ giá tăng cao đến chóng mặt. Sợ mua lầm giá nên tôi đã đến nhiều cửa hàng để hỏi giá, cửa hàng này là cửa hàng thứ năm tôi đến nhưng giá vẫn cao như nhau".

Một thực tế mà người mua MBH có thể chưa biết, mặc dù giá cao như thế nhưng chất lượng MBH thì chưa chắc đã tương ứng. Tranh thủ lúc thị trường MBH lên cơn sốt, bên cạnh những nhà sản xuất có uy tín, nhiều cơ sở "cò con" đã tung ra những loại MBH không đảm bảo chất lượng. Những loại MBH này do các cơ sở tự gia công, tự lắp ráp rồi gắn nhãn mác không rõ nguồn gốc hoặc giả mạo nhãn mác của các cơ sở có uy tín. Người mua không biết đâu mà lần, bởi thật giả lẫn lộn.

* Ai quản lý?

Trước việc MBH tăng giá ồ ạt như thế, đồng thời chất lượng của một số loại mũ không đảm bảo nhưng vẫn chưa có cơ quan nào của tỉnh đứng ra kiểm tra và xử lý. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Thanh Hùng, Chi Cục phó Chi cục Quản lý thị trường Bình Định, cho biết: "Việc tăng giá của MBH là do nhu cầu của xã hội nên người kinh doanh đưa giá lên cao. Đối với mặt hàng này, Nhà nước không bắt buộc một giá bán cụ thể nào, tùy theo diễn biến thị trường mà giá cả lên xuống do cơ sở sản xuất và người kinh doanh đặt ra. Theo luật định, người kinh doanh MBH cũng phải niêm yết giá bán, nhưng thực chất hầu hết các cửa hàng bán MBH không riêng gì ở Quy Nhơn mà những nơi khác vẫn không niêm yết giá bán. Còn để đánh giá chất lượng thì cũng rất khó, vì hiện nay vẫn chưa có một biện pháp cụ thể để đánh giá MBH nào có chất lượng và MBH nào không có chất lượng. Do chưa có sự chỉ đạo của các cấp, Chi cục Quản lý thị trường Bình Đình chưa thể đi sâu vào kiểm tra và xử lý mặt hàng này. Hiện nay chúng tôi cũng có kiểm tra nhưng kết hợp với kiểm tra các mặt hàng khác, chủ yếu là mặt hàng thực phẩm".

Rõ ràng, việc tăng giá cũng như chất lượng MBH ở Quy Nhơn nói riêng và nhiều nơi trong tỉnh vẫn chưa được kiểm soát từ phía các cơ quan chức năng và như thế, người tiêu dùng phải chấp nhận chịu thiệt. Và đó cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người dân khi thị trường không có sự điều tiết từ phía Nhà nước mỗi khi có một chủ trương mới ra đời.

. Nguyễn Phúc

 

Giá một số loại MBH tăng: CROMO (nữ:) 120 ngàn đồng tăng lên 145 ngàn đồng, CROMO (nam) 130 ngàn đồng - 155 ngàn đồng, ASIA có quai: 160 ngàn đồng - 220 ngàn đồng, ASIA không quai: 150 ngàn đồng - 200 ngàn đồng, U-AN: 130 ngàn đồng - 160 ngàn đồng, FLYING HORSE: 170 ngàn đồng - 200 ngàn đồng, AMORO (nữ): 80 ngàn đồng - 110 ngàn đồng, AMORO (nam): 90 ngàn đồng - 130 ngàn đồng. (Theo Chi Cục quản lý thị trường Bình Định ngày 3-8-2004)

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cơ hội đổi đời cho vùng đất khó  (04/08/2004)
Hoạt động xuất khẩu: Ổn định và tăng trưởng khá   (03/08/2004)
Cho thuê nhà trọ: Nghề kinh doanh mới ở Quy Nhơn   (03/08/2004)
Chọn màn hình cho máy vi tính: CRT hay LCD?  (02/08/2004)
Phước An hôm nay  (01/08/2004)
Xuất khẩu thủy sản: Bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn?   (30/07/2004)
Kinh tế trang trại chuyển động tích cực   (29/07/2004)
Những ngày hội của người tiêu dùng  (28/07/2004)
An Lão: Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa  (27/07/2004)
Người cải tạo đồi hoang   (27/07/2004)
Thị trường điện thoại di động: Hàng lậu nhan nhản  (26/07/2004)
Trăn trở từ các làng nghề truyền thống ở Hoài Nhơn   (26/07/2004)
Toàn tỉnh có 960 trang trại với số vốn đầu tư 72 tỉ đồng  (25/07/2004)
Chuyện điện ở Phước Mỹ  (26/07/2004)
Trồng 2 ha chanh, thu 100 triệu đồng/năm   (26/07/2004)