Xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng: Đầu ra nông sản còn khó
15:15', 5/8/ 2004 (GMT+7)

Nhờ làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình đạt thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm. Nhiều phương pháp luân canh, xen canh cây trồng và các tiến bộ kỹ thuật đã được nông dân áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Song hiện nay, đầu ra nông sản vẫn còn nhiều hạn chế.

Trồng măng điền trúc ở HTXNN Nhơn Hậu, An Nhơn

Thực hiện chủ trương xây dựng xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, đến nay nhiều địa phương trong tỉnh đã dựa vào điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, tiến hành dồn điền đổi thửa, xây dựng nhiều mô hình trình diễn các loại cây trồng mới để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, bước đầu xây dựng được những cánh đồng cho thu nhập cao.

Ở 180 ha đất bồi ven sông Côn thuộc các xã Bình Thành, Bình Hòa, Tây Giang, Bình Nghi… của huyện Tây Sơn, bà con nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp luân canh, xen canh cây trồng cạn cho thu nhập từ 50 triệu/ha/năm/trở lên. Đồng thời, nhiều mô hình đã được nông dân áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trình diễn: vụ dưa leo vụ đông xuân, vụ hè trồng 2 vụ hành, vụ thu trồng dưa leo (ở xã Bình Thành) cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng/ha/ năm. Mô hình sản xuất hành đông xuân, vụ hè trồng đậu phộng và khổ qua, vụ đông trồng hành (ở xã Bình Hòa, thị trấn Phú Phong) đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm…

Các huyện Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn… cũng đã hình thành các cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha. Trên chân đất phù sa ven sông ở các xã Cát Minh, Cát Tài, Cát Khánh, bà con nông dân đã áp dụng phương pháp canh tác luân canh: vụ đông xuân trồng bông vải xen đậu phộng, vụ hè trồng hành và vụ thu đông trồng bắp lai, cho thu nhập trên 62 triệu đồng/ha. Nông dân ở thôn Lục Lễ, Giang Bắc xã Phước Hiệp sản xuất lúa vụ đông xuân, vụ hè và vụ thu trồng hoa huệ, cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm…

Nhìn chung, việc xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm ở Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã quan tâm đến công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất, hình thành được nhiều cánh đồng cho thu nhập cao. Thế nhưng, đầu ra của nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đã gây ảnh hưởng không nhỏ, nông dân chưa yên tâm đầu tư sản xuất. Ngoài một số sản phẩm như bông vải, mè, giống lúa cấp I… ở một vài địa phương được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu theo tinh thần Nghị định 80, vẫn còn nhiều sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hoặc phải bán giá rẻ, thu không đủ chi… Với một số sản phẩm, khi mở rộng sản xuất thì lại bị khủng khoảng thừa. Ông Nguyễn Phố, một nông ở Thuận Nghĩa xã Bình Thành (Tây Sơn), cho biết: "Trước đây toàn thôn chỉ có vài trăm hộ trồng rau nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Còn nay, số hộ trồng rau đã tăng lên gần gấp đôi, số lượng rau cũng tăng theo, nên việc tiêu thụ gặp khó khăn, thường bị thương ép giá. Dù bán với giá rẻ cũng phải bán vì rau là mặt hàng tươi sống không thể để được lâu".

Không riêng gì nông dân ở làng rau Thuận Nghĩa, mà những người trồng hoa huệ ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước) cũng đang gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Ông Nguyễn Tư, nông dân ở thôn Giang Bắc, cho biết: "Năm trước tôi bán bông huệ với giá trên 1.000 đồng/cành nhưng năm nay giá bông giảm mạnh mà cũng không bán hết". Còn ông Huỳnh Văn Bảy, nông dân trực tiếp tham gia mô hình đạt 50 triệu đồng/ha/năm cho biết: "Tôi đã sử dụng nhiều loại giống cho bông to và đẹp, tăng mức đầu tư và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, nhưng giá bán cũng bằng giá của các loại hoa huệ bình thường khác"…

Để xây dựng thành công những cánh đồng cho thu nhập cao, bên cạnh việc quy hoạch cụ thể diện tích đất sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, chính quyền địa phương cũng cần tính đến việc hỗ trợ cho nông dân trong việc giải quyết đầu ra nông sản, thì chương trình này mới có ý nghĩa trọn vẹn.

. Phạm Tiến Sỹ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người chọn hướng đi đúng   (05/08/2004)
Quy Nhơn lên cơn sốt giá mũ bảo hiểm  (04/08/2004)
Cơ hội đổi đời cho vùng đất khó  (04/08/2004)
Hoạt động xuất khẩu: Ổn định và tăng trưởng khá   (03/08/2004)
Cho thuê nhà trọ: Nghề kinh doanh mới ở Quy Nhơn   (03/08/2004)
Chọn màn hình cho máy vi tính: CRT hay LCD?  (02/08/2004)
Phước An hôm nay  (01/08/2004)
Xuất khẩu thủy sản: Bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn?   (30/07/2004)
Kinh tế trang trại chuyển động tích cực   (29/07/2004)
Những ngày hội của người tiêu dùng  (28/07/2004)
An Lão: Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa  (27/07/2004)
Người cải tạo đồi hoang   (27/07/2004)
Thị trường điện thoại di động: Hàng lậu nhan nhản  (26/07/2004)
Trăn trở từ các làng nghề truyền thống ở Hoài Nhơn   (26/07/2004)
Toàn tỉnh có 960 trang trại với số vốn đầu tư 72 tỉ đồng  (25/07/2004)