Những năm gần đây, kinh tế trang trại ở huyện Vân Canh ngày càng phát triển mạnh. Nhiều hộ gia đình từ việc phát triển kinh tế trang trại đã thoát được đói nghèo, vươn lên khá giả. Điển hình trong số họ là anh Nguyễn Tấn Hiệp ở thôn Tân Thuận, xã Canh Thuận.
|
Anh Hiệp đang chăm sóc vườn cây ăn quả |
Sinh sống ở vùng đất kinh tế mới (thôn Tân Thuận), cuộc sống của gia đình anh Hiệp đầy khó khăn; vốn liếng, tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài mảnh đất hơn 5 sào được cấp. Năm 1988, anh bắt đầu cải tạo khu vườn nhà, tiến hành trồng những loại cây ngắn ngày như: bắp, mì, đậu phộng và chăn nuôi heo, bò…
Tuy việc phát triển trồng trọt và chăn nuôi lúc đầu gặp nhiều thuận lợi, cuộc sống gia đình có phần "dễ thở" hơn nhưng thu nhập hàng năm vẫn còn ở mức thấp. Anh bàn với vợ sang nhượng đất để mở rộng thêm diện tích và quy mô sản xuất, chăn nuôi. Sau khi tham quan nhiều mô hình kinh tế trang trại, anh xác định mô hình trang trại trồng cây ăn quả là phù hợp nhất vì nơi đây đất rộng, khí hậu phù hợp. Do vốn ít, anh chọn cách "lấy ngắn, nuôi dài", để thuận lợi cho việc đầu tư. Năm 1994, anh bắt đầu trồng các loại cây như: chanh, cam, xoài, sapôchê… trong vườn nhà. Và hàng năm anh đều phát triển thêm số lượng cây ăn trái trong vườn.
Với cách làm ấy, đến nay sau gần 7 năm anh đã có một vườn cây ăn trái rộng hơn 1 ha với 600 cây chanh, 200 gốc thanh long, 50 gốc xoài và 2.000 gốc thơm. Nhờ chăm sóc tốt, áp dụng các quy trình kỹ thuật, nên vườn cây của anh lúc nào cũng xanh tốt và mang lại hiệu quả kinh tế khá. 3 năm nay, mỗi năm anh thu không dưới 50 triệu đồng từ bán trái cây. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình anh ngày càng khấm khá hơn, xây dựng được cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, có điều kiện cho con cái ăn học.
Nói về hướng phát triển sắp tới, anh Hiệp cho biết, sẽ đầu tư thâm canh thêm một số loại cây có giá trị cao và áp dụng các biện pháp cho cây ra quả trái mùa để bán sản phẩm có giá hơn.
. Nguyễn Quý |