Đê khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn còn nhiều nỗi lo
11:30', 8/8/ 2004 (GMT+7)

Đê khu Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của hàng ngàn người dân sống ở vùng phía đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát và TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, do được xây dựng trong điều kiện kỹ thuật còn hạn chế, qua thời gian dài đưa vào sử dụng, đến nay nhiều đoạn đê đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

* Thực trạng đê Đông

Nhà xây trái phép trên đê

Đê khu Đông có tổng chiều dài 46,5km, kéo dài từ phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) đi qua các xã phía đông huyện Tuy Phước và Phù Cát, kết thúc tại xã đảo Nhơn Hội (TP Quy Nhơn); có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, tháo lũ bảo vệ 5.400 ha đất canh tác, 150.000 dân cùng nhiều kho tàng, tài sản của nhân dân trong vùng.

Ông Phan Thanh Tuấn, Chi cục phó Chi cục Phòng chống lụt bão - Quản lý đê điều (PCLB&QLĐĐ) cho biết: "Trên toàn hệ thống đê hiện mới chỉ có 20 km trong tổng số 46,5 km chiều dài toàn tuyến đê là có thể yên tâm vượt lũ, còn lại gần 30 km đê trong mùa mưa bão sắp tới vẫn đang đặt trong tình trạng báo động. Nhiều đoạn đê do nhân dân và các HTX NN tự làm trước đây để chống úng cục bộ trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở địa phương, nên chỉ được xây dựng bằng đất cát pha, trụ gỗ… tạm thời; qua thời gian sử dụng đến nay đã xuống cấp và bộc lộ nhiều điều đáng ngại."

Theo tuyến đê từ cầu Đôi (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) đến thôn Quảng Vân (Phước Thuận, Tuy Phước), chúng tôi chứng kiến nhiều đoạn đê đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có đoạn trong mùa lũ năm ngoái bị sạt lở thành vách lấn vào mặt đê từ 0,5 -1m. Có đoạn bị xói rỗng nền thân tràn, hai bên chân và mái đê sạt lở nham nhở, có nguy cơ sụp vỡ khi có lũ lớn. Đó là chưa kể các công trình cống tiêu qua đê. Ông Phan Thanh Tuấn, cho biết thêm: "Toàn bộ hệ thống cống tiêu bằng bê tông cốt thép trên đê Đông được xây dựng từ năm 1975, đến nay, nhiều cống đã bị xuống cấp: sụp khan cống, nứt tường, phần bê tông cốt thép nhiều chỗ bị bong, dộp do ôxy hóa, nhưng vẫn chưa có kinh phí để tu sửa". Mặt khác, một số cống bán kiên cố do nhân dân tự làm theo yêu cầu sản xuất nên thiếu vững chắc. Đối với tràn xả lũ, do được xây dựng từ những năm 1980 nên hầu hết các tràn này đã bộc lộ nhiều nhược điểm". Theo quan sát của chúng tôi, nhiều đoạn đá xây dựng bị thoái hóa làm nước thấm vào bên trong thân đập, gây bào mòn, sạt lở, dẫn đến thân tràn bị rỗng, rất nguy hiểm mỗi khi lũ đến.

* 1.181 ngôi nhà đang "gặm nhấm" thân đê

Do tồn tại mang tính lịch sử, đến nay trên vùng hành lang an toàn đê khu Đông có đến hàng ngàn ngôi nhà dân xây dựng trái phép ngay trên mặt đê. Nhiều nơi con đê đã bị mất hút trong xóm nhà dân. Điển hình như tại km 27 đến km 29 thuộc khu dân cư các thôn Kim Đông, Kim Tây (xã Phước Hòa, Tuy Phước); km 15+903 thôn Quảng Vân (Phước Thuận, Tuy Phước)... không còn nhận ra hình dáng của con đê vì bị lấn chiếm trái phép để xây cất nhà. Những người dân ở đây cho biết rằng, họ đã sống ở trên những đoạn đê này từ trước đến nay nên chuyện mưa lũ hàng năm không có gì đáng sợ.

Theo điều tra của Chi cục PCLB-QLĐĐ, đến thời điểm này toàn tuyến đê khu Đông hiện có 1.181 căn nhà xây dựng trái phép, vi phạm hành lang an toàn đê. Ông Hoàng Việt Nam, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận (Tuy Phước) cho biết: "Hiện nay trên địa bàn xã có 3,5 km đê Đông đi qua, nhưng có tới 300 ngôi nhà đang xây cất trái phép ngay trên mặt đê. Nhiều năm qua, UBND xã cũng đã nhiều lần tiến hành cưỡng chế các hộ gia đình xây cất trái phép, nhưng không thể thực hiện rốt ráo được, vì hầu hết những nhà này đều là hộ nghèo; cưỡng chế họ rồi không biết di dời đi đâu nên cuối cùng vẫn chấp nhận cho họ ở vậy!".

Ngoài ra, việc xây dựng nhà trái phép đã dẫn đến nhiều hệ lụy đáng ngại. Đó là việc các hộ dân sống trên thân đê chăn nuôi bò, trâu thả rông trên đê làm sạt lở mái đê, gây nguy cơ vỡ đê. Phong trào chăn nuôi vịt phát triển mạnh ở khu vực đê Đông cũng là nguyên nhân gây ra sạt lở đê hàng năm.

* Cần phải có giải pháp kịp thời

Để đảm bảo vượt lũ an toàn cho tuyến đê khu Đông trong mùa mưa bão năm nay, vừa qua, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh đã chi 4 tỉ đồng cho công tác tu sửa, gia cố đê. Mới đây, tổ chức Phát triển Liên Hiệp quốc và Chính phủ các nước Hà Lan, Luxembourg, đã hỗ trợ kinh phí 1,7 triệu USD để kiên cố một số đoạn trên tuyến đê. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Chi, Chi cục trưởng Chi cục PCLB-QLĐĐ Bình Định thì số tiền này cũng chưa thấm vào đo so với nhu cầu thực tế. Do đó, Chi cục đã dùng số tiền này vào việc tu sửa những đoạn xung yếu và những công trình trọng điểm. Theo ước tính, để tu sửa tuyến đê Đông thật sự vững chắc, đảm bảo vượt lũ an toàn, phải cần đến số tiền trên 100 tỉ đồng - một số tiền quá lớn đối với tỉnh nên đành phải chấp nhận phương án tu sửa chắp vá tạm thời để đối phó với mưa lũ.

. Nguyễn Hân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngói mới Bình Nghi  (06/08/2004)
Đi lên từ kinh tế trang trại   (06/08/2004)
Xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng: Đầu ra nông sản còn khó   (05/08/2004)
Người chọn hướng đi đúng   (05/08/2004)
Quy Nhơn lên cơn sốt giá mũ bảo hiểm  (04/08/2004)
Cơ hội đổi đời cho vùng đất khó  (04/08/2004)
Hoạt động xuất khẩu: Ổn định và tăng trưởng khá   (03/08/2004)
Cho thuê nhà trọ: Nghề kinh doanh mới ở Quy Nhơn   (03/08/2004)
Chọn màn hình cho máy vi tính: CRT hay LCD?  (02/08/2004)
Phước An hôm nay  (01/08/2004)
Xuất khẩu thủy sản: Bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn?   (30/07/2004)
Kinh tế trang trại chuyển động tích cực   (29/07/2004)
Những ngày hội của người tiêu dùng  (28/07/2004)
An Lão: Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa  (27/07/2004)
Người cải tạo đồi hoang   (27/07/2004)