An Nhơn trên đường công nghiệp hóa
17:28', 12/8/ 2004 (GMT+7)

Những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của huyện An Nhơn liên tục tăng trưởng: năm 2001 đạt 85 tỉ đồng, năm 2002 đạt 99 tỉ đồng, năm 2003 hơn 117 tỉ đồng và 7 tháng đầu năm 2004 hơn 70 tỉ đồng. Công nghiệp An Nhơn đang có những chuyển biến tích cực cả về lượng và chất.

* Tạo tiền đề phát triển

Công nhân cơ sở đúc kim loại Tấn Minh (CCN Gò Đá Trắng) đang hoàn thiện sản phẩm trước khi xuất xưởng

Để phát triển CN-TTCN, từ năm 2000 đến nay huyện An Nhơn đã đầu tư hơn 71 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất CN-TTCN. Điển hình nhất là việc xây dựng cụm công nghiệp (CCN) Gò Đá Trắng (thị trấn Đập Đá), thu hút 49 DN vào đầu tư, trong đó 30 DN đã đi vào sản xuất ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động. Ngoài ra, dọc theo Quốc lộ 19 thuộc xã Nhơn Hòa cũng có đến 22 nhà máy, xí nghiệp được xây dựng mới với đủ các ngành nghề: chế biến lâm sản, nông sản, khai thác đá… thu hút hơn 2.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Các địa phương khác trong huyện cũng đang có những động thái tích cực nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất CN-TTCN.

Sự quan tâm này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện An Nhơn ra đời. Đến nay, toàn huyện có 3.870 cơ sở sản xuất CN-TTCN, tăng 1.200 cơ sở so với năm 2000. Cơ cấu ngành nghề khá đa dạng như: chế biến bột nhang, chế biến thức ăn gia súc, đúc kim loại, chế biến nhựa, sản xuất bao bì, vật liệu xây dựng… Trong đó, có nhiều dự án có vốn đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Hiện nay, trên địa bàn huyện An Nhơn đã có đến gần 11.000 lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất CN-TTCN, tăng 41% so với năm 2000.

Để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, từ năm 2000 đến nay huyện An Nhơn cũng đã triển khai nhiều đề án phục hồi và phát triển làng nghề, đem lại hiệu quả khả quan như: sản xuất bánh tráng xuất khẩu, đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, rượu Bầu Đá đóng chai… Nhờ vậy, hiện có đến 20 làng nghề được duy trì và phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động. Chẳng hạn, làng tiện Nhạn Tháp (Nhơn Hậu) thu hút gần 400 lao động, với mức thu nhập tương đối cao. Các sản phẩm của làng nghề không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản.

* Tăng tốc phát triển

An Nhơn đã và đang hội tụ các điều kiện để trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh trong tương lai không xa, nhờ các lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có: nằm liền kề với trung tâm tỉnh; cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật ban đầu khá thuận lợi; là đầu mối giao thông quan trọng thông qua Quốc lộ 1A và Quốc lộ 19, thuận lợi cho việc giao thương kinh tế…. Bởi vậy, trong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của huyện An Nhơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 đã chú trọng nhiều đến sự phát triển của ngành kinh tế này. Để thực hiện được định hướng này, huyện An Nhơn đã đề ra các giải pháp như: tiếp tục kêu gọi và thu hút đầu tư; tăng cường đầu tư chiều sâu, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao được thị trường chấp nhận.

Đặc biệt, hiện nay An Nhơn đang đẩy mạnh việc cải cách hành chính theo hướng "một cửa", đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân muốn đầu tư vào huyện. Đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực - nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề - để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các DN. Huyện cũng đang tiến hành quy hoạch thêm nhiều CCN như: CCN chế biến nước mắm ở Bằng Châu (Đập Đá), CCN Thanh Liêm (Nhơn An), CCN thị trấn Bình Định, CCN Nhơn Phong… Dự kiến đến năm 2010 trên địa bàn huyện sẽ có 9 CCN, với diện tích khoảng 140 ha, thu hút hơn 8.000 lao động. Theo ông Trần Đình Tâm, Chủ tịch UBND huyện An Nhơn, việc quy hoạch các CCN này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư, mà còn để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư và tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển sản xuất …

Với sự nỗ lực về nhiều mặt, hy vọng trong thời gian tới sản xuất CN-TTCN của An Nhơn sẽ có nhiều khởi sắc mạnh mẽ hơn.

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thành công nhìn từ góc độ quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp  (12/08/2004)
Phố hàng nội thất Diêu Trì   (11/08/2004)
Người tiêu dùng Bình Định đã tin dùng hàng Việt Nam chất lượng cao   (11/08/2004)
Chợ đường - chợ phố  (10/08/2004)
Quy Nhơn - Tuy Phước: Rừng được bảo vệ tốt hơn   (09/08/2004)
Tưng bừng Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2004  (09/08/2004)
Đê khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn còn nhiều nỗi lo  (08/08/2004)
Ngói mới Bình Nghi  (06/08/2004)
Đi lên từ kinh tế trang trại   (06/08/2004)
Xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng: Đầu ra nông sản còn khó   (05/08/2004)
Người chọn hướng đi đúng   (05/08/2004)
Quy Nhơn lên cơn sốt giá mũ bảo hiểm  (04/08/2004)
Cơ hội đổi đời cho vùng đất khó  (04/08/2004)
Hoạt động xuất khẩu: Ổn định và tăng trưởng khá   (03/08/2004)
Cho thuê nhà trọ: Nghề kinh doanh mới ở Quy Nhơn   (03/08/2004)