"Sự cố" tại khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại:
Bắt tôm cá, phá rừng trồng - cần xử nghiêm
10:30', 13/8/ 2004 (GMT+7)

Đề tài nghiên cứu "Điều tra khảo sát và nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái sử dụng hợp lý và bảo tồn nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại" đang được Sở Thủy sản tiến hành tại khu vực Cồn Chim thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (Tuy Phước) nhằm giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế-xã hội, cải thiện cuộc sống cho cư dân ven đầm. Thế nhưng, việc triển khai đề tài (bước khảo nghiệm) đang gặp sự cản trở của một số người dân trong vùng hưởng lợi.

* Những sự cố đáng tiếc

Hàng trăm người mò bắt tôm cá trong ao nuôi khảo nghiệm

Như tin đã đưa, liên tục trong 3 ngày liền, từ ngày 9 đến 11-8, nhiều người dân thuộc xóm Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2) đã kéo đến khu vực các ao nuôi khảo nghiệm và trồng rừng ngập mặn thuộc đề tài nói trên, tự do bắt tôm cá đang nuôi ở đây, làm hư hại diện tích cây đước mới trồng được một năm tuổi, gây thiệt hại và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bước tiến hành đề tài.

Trước đó, ngày 28-7-2003, cũng tại khu vực này, một số người dân địa phương đã có những hành động quá khích, cản trở việc trồng rừng, làm thiệt hại nhiều tài sản của Ban Quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại (KST CC-ĐTN), làm hư hại hoàn toàn 2 ha đước mới trồng. Vụ việc đã được dàn xếp ổn thỏa, các bước tiến hành đề tài được thực hiện khá suôn sẻ trong một năm qua, diện tích rừng ngập mặn mới trồng đã bắt đầu lên xanh. Nhưng rồi sự việc đáng tiếc như đã nói ở trên lại tiếp tục xảy ra.

* Vì lợi ích lâu dài

Đầm Thị Nại là lá phổi xanh của một vùng rộng lớn, nằm ở phía đông Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, mang tính đặc thù về đa dạng sinh học. Bên cạnh là vườn ươm các giống loài thủy sản quý, đầm Thị Nại còn có tác dụng rất lớn về môi trường, đồng thời cũng là nơi bảo đảm cuộc sống cho hàng nghìn cư dân ven đầm. Trong suốt một thời gian dài, hệ sinh thái đầm Thị Nại đã bị hủy hoại nghiêm trọng bởi bàn tay của con người, với sự tính toán thiếu hợp lý, chỉ thấy cái lợi trước mắt. Việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm không theo một quy hoạch nào; việc khai thác thủy sản bằng những phương pháp tận diệt; quá trình phát triển các khu dân cư và phát triển công nghiệp thiếu bền vững… là những nguyên nhân trực tiếp gây tổn hại đến đa dạng sinh học của vùng đầm. Chính vì vậy, đề tài nghiên cứu khoa học nói trên có mục đích rất quan trọng là phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, làm cho tài nguyên vùng đầm trở lại "giàu có" như xưa và phát triển hơn nữa. Thành công của đề tài sẽ giúp ổn định môi trường sinh thái, tạo điều kiện cho cư dân ven đầm đánh bắt và nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

Người dân Cồn Chim lũ lượt kéo đến bắt tôm cá tại KST Cồn Chim - đầm Thị Nại

Khi xảy ra vụ việc ngày 28-7-2003, có nhiều ý kiến cho rằng vì ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động, giải thích cho người dân địa phương thấy rõ mục đích tốt đẹp của đề tài, về cái lợi lớn lao và lâu dài của cộng đồng, chứ không phải là cái lợi nhỏ trước mắt cho một đơn vị, cá nhân nào. Rút kinh nghiệm, trong một năm qua, ngành Thủy sản đã tăng cường công tác vận động quần chúng, nhất là ở vùng dự án, nên tình hình mới yên ắng được.

Với vụ việc vừa mới xảy ra, ông Ngô Thanh Hoàng Song, Giám đốc Ban Quản lý KST CC-ĐTN, cho biết: Việc người dân xóm Cồn Chim ngang nhiên đến khai thác tôm cá đang được nuôi khảo nghiệm tại KST CC-ĐTN như vừa qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện của đề tài. Đề tài này đã được triển khai từ năm 2003, các loại vật nuôi và cây trồng đang trong quá trình theo dõi, dự kiến sẽ nghiệm thu vào cuối năm 2004. Thế nhưng, vì sự phá hại như vậy nên đã không còn cơ sở để nghiệm thu và đánh giá đề tài. Theo ông Trần Đức An, Thôn trưởng thôn Vinh Quang 2: "Do một số phần tử xấu kích động nên nhiều bà con nhẹ dạ đã làm việc sai trái. Tôi đề nghị các ngành chức năng nên điều tra làm rõ và xử lý kiên quyết để làm gương cho những đối tượng khác". Ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở Thủy sản - cơ quan chủ trì đề tài - rất bức xúc: "Đây là một việc làm coi thường pháp luật. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần phải sớm điều tra làm rõ và có biện pháp xử lý thích đáng. Nếu không giải quyết rốt ráo, đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện tại đây sẽ không thành công và tài nguyên ở đầm Thị Nại chẳng những không được phục hồi mà sẽ ngày càng cạn kiệt".

* Cần xử nghiêm

Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng Công an xã Phước Sơn, cho biết: "Vụ việc này đang được điều tra, bước đầu đã chốt được danh sách một số đối tượng xấu kích động người dân". Còn ông Nguyễn Đức Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, khẳng định: "UBND huyện Tuy Phước đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân và các đối tượng liên quan. Những người vi phạm pháp luật trong vụ việc này sẽ bị xử lý nghiêm".

Đề tài nghiên cứu khoa học khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại mang lại lợi ích kinh tế- xã hội lâu dài. Do vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh một số phần tử xấu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng, trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân thông suốt và đồng tình ủng hộ.

. Bùi Lợi - Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
An Nhơn trên đường công nghiệp hóa  (12/08/2004)
Thành công nhìn từ góc độ quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp  (12/08/2004)
Phố hàng nội thất Diêu Trì   (11/08/2004)
Người tiêu dùng Bình Định đã tin dùng hàng Việt Nam chất lượng cao   (11/08/2004)
Chợ đường - chợ phố  (10/08/2004)
Quy Nhơn - Tuy Phước: Rừng được bảo vệ tốt hơn   (09/08/2004)
Tưng bừng Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2004  (09/08/2004)
Đê khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn còn nhiều nỗi lo  (08/08/2004)
Ngói mới Bình Nghi  (06/08/2004)
Đi lên từ kinh tế trang trại   (06/08/2004)
Xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng: Đầu ra nông sản còn khó   (05/08/2004)
Người chọn hướng đi đúng   (05/08/2004)
Quy Nhơn lên cơn sốt giá mũ bảo hiểm  (04/08/2004)
Cơ hội đổi đời cho vùng đất khó  (04/08/2004)
Hoạt động xuất khẩu: Ổn định và tăng trưởng khá   (03/08/2004)