Hệ thống đê sông Hà Thanh có chiều dài hơn 50 km, bắt nguồn từ huyện miền núi Vân Canh qua địa bàn huyện Tuy Phước, đổ ra đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn). Do có độ dốc lớn, vào mùa mưa lũ dòng chảy của con sông này rất xiết gây nên những điểm sạt lở nghiêm trọng, nếu trước mùa mưa lũ năm nay không có những biện pháp khắc phục kịp thời thì hậu quả mang lại sẽ rất khó lường.
* Báo động nạn sạt lở đê
|
Đoạn đê cừ Bộ Sáu đang bị sạt lở nghiêm trọng |
Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Phước Thành (Tuy Phước), tỏ ra bức xúc: "Nhiều năm nay, hệ thống đê sông Hà Thanh liên tục bị sạt lở nặng. Trong tổng chiều dài 6 km đê sông Hà Thanh đi qua địa bàn xã, hiện có tới 3 đoạn bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 800 mét. Hàng năm, cứ sau mỗi mùa mưa lũ, hai bờ đê sông bị xâm thực vào từ 1-2 mét. Có nhiều đoạn hiện có nguy cơ bị sụp vỡ bất cứ lúc nào!". Theo quan sát của chúng tôi, tại điểm sạt lở thuộc đoạn đê cừ Bộ Sáu, hiện có 300 mét đê đã đổ ụp xuống sông. Hàng tre bảo vệ đê (lâu nay được xem là loại cây có thể bảo vệ đê khá tốt nhưng cũng không trụ nổi) đã đổ nhào theo dòng nước lũ trong cơn bão số 2 vừa qua. Ông Đào Trung Bình, Phó Chủ tịch HĐND xã Phước Thành, cho biết thêm: "Cứ sau mỗi mùa bão lụt, nạn sạt lở đê sông đã "cướp" đi của xã hơn 5 ha đất. Trước đây, dọc theo hai bên bờ sông Hà Thanh có đến hàng chục ha đất soi, nhưng hiện nay, diện tích này đã bị cuốn theo dòng nước lũ!".
Không những đe dọa đến diện tích đất sản xuất, nạn sạt lở đê sông hiện đang bắt đầu uy hiếp đến các khu vực dân cư. Ông Nguyễn Văn Quý - người dân sống gần tuyến đê bến đò Ông Mão (thôn Cảnh An 2) - lo lắng: "Hiện nay, xóm Cảnh An 2 có 10 hộ dân sinh sống với hơn 50 nhân khẩu, nhiều năm qua nạn sạt lở đê sông đã làm nhiều người dân sống trong vùng phải thấp thỏm lo sợ. Trong cơn bão số 2 vừa qua, cả xóm phải thức trắng đêm để canh giữ".
Tại thị trấn Diêu Trì, nạn xâm thực, sạt lở đê sông cũng diễn ra khá nghiêm trọng. Trên tuyến đê dài 4 km chảy qua địa bàn thị trấn, hiện có đến 1,5 km đê bị sạt lở, đe dọa đến đời sống và sản xuất của người dân địa phương. Cơn bão số 2 vừa qua đã tàn phá 3 đoạn đê xung yếu. Hiện nay, hàng trăm diện tích lúa của thị trấn có nguy cơ bị sa bồi.
Nạn sạt lở đê sông Hà Thanh diễn ra ngày càng phức tạp. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện này hiện có hơn 15 điểm đê sông sạt lở nặng, đe dọa đến tính mạng của hàng chục hộ dân cùng hàng trăm ha đất sản xuất…
* Hãy cứu lấy đê Hà Thanh
Nạn sạt lở đê sông Hà Thanh hiện đang ngày càng diễn ra rất nghiêm trọng, tuy nhiên, việc tu sửa, gia cố đê trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: "Để gia cố, tu sửa lại toàn bộ hệ thống đê sông Hà Thanh trên ở địa bàn huyện, phải cần một khoản kinh phí hàng chục tỉ đồng, ngân sách địa phương không thể kham nổi, nên chỉ khắc phục mang tính tạm bợ để tránh vỡ đê". Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với ông Đàm Văn Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão - Quản lý đê điều và được ông cho biết: Nạn sạt lở đê sông Hà Thanh lâu nay là vấn đề bức xúc, tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này không thể tiến hành trong ngày một ngày hai. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp cũng đã tiến hành khảo sát lại thực trạng của toàn bộ hệ thống đê, lập dự án để kiến nghị lên Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí sửa chữa. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có nguồn hỗ trợ nào để tu bổ, nâng cấp hệ thống đê này!
. Nguyễn Hân |