Rừng đầu nguồn Hầm Hô không yên tĩnh
17:37', 17/8/ 2004 (GMT+7)

Gần đây, nạn khai thác gỗ trái phép ở rừng đầu nguồn Hầm Hô (thuộc xã Tây Phú - Tây Sơn) đã có dấu hiệu "nóng" dần lên.

* Máu rừng vẫn chảy

Xã Tây Phú có diện tích đất lâm nghiệp 2.851 ha, trong đó có 1.286 ha rừng phòng hộ. Trên địa bàn, hệ thống đường giao thông chằng chịt, nối liền với một số địa phương trong huyện, đồng thời có lắm "đường ngang ngõ tắt" dẫn vào rừng. Theo ông Trần Văn Lành, Trưởng Công an xã Tây Phú, trước đây ở xã có trên 220 đối tượng thường xuyên vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR). Số đối tượng này đã được UBND xã lập danh sách, tổ chức giáo dục, vận động và buộc cam kết không vi phạm pháp luật. Nhưng hiện nay vẫn còn trên 80 đối tượng thường xuyên lén lút vào rừng. Sau nhiều năm khai thác, rừng đã bị cạn kiệt, địa điểm khai thác ngày càng xa, số lượng gỗ khai thác trái phép lớn, vận chuyển khó nên các đối tượng này thường tổ chức thành nhóm đông người, chứ không "đánh lẻ" như trước.

Trên 6m3 gỗ các loại vừa bị thu giữ tại trụ sở UBND xã Tây Phú

Ông Nông Đức Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú - cho biết: "Chúng tôi nắm chắc là có trên 30 lâm tặc "thứ thiệt", chuyên làm nghề "phá sơn lâm" chứ không phải là do đói nghèo mà vi phạm. Họ là dân ở xã Tây Phú và một số địa phương khác. Ngoài ra, vào lúc nông nhàn, một số người ở địa phương cũng lén lút vào rừng khai thác trái phép để kiếm thêm. Trước đây, họ chỉ chặt gỗ quý, nay vì gỗ quý đã hiếm nên họ khai thác rất nhiều loại gỗ".

Trước tình hình trên, UBND xã Tây Phú đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc phá rừng làm nương rẫy, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ở địa phương. Chỉ trong 2 đêm 2-8 và 10-8 vừa qua, lực lượng chống phá rừng của UBND xã Tây Phú đã phát hiện, thu giữ 67 súc gỗ các loại với tổng số trên 6m3 được cất giấu trong vườn một số hộ dân trên địa bàn xã.

* Lâm tặc thời nay

Trao đổi với chúng tôi về công tác BVPTR, nhiều cán bộ chức năng của Hạt Kiểm lâm (KL) Tây Sơn và UBND xã Tây Phú đều cho rằng, hiện nay lâm tặc dùng nhiều thủ đoạn tinh vi và táo bạo để đối phó với lực lượng chức năng. Chúng thường xuyên cử "trinh sát" canh cả ngày lẫn đêm trước trụ sở UBND xã và Hạt KL, nếu có động tĩnh gì thì gọi điện thoại di động báo ngay với đồng bọn để chuẩn bị cách đối phó. Ngoài ra, lâm tặc "nghiên cứu" rất kỹ các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý - bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, để "lách" luật. Ông Nông Đức Hiệp than thở: "Lâm tặc dùng điện thoại di động, còn chúng tôi dùng điện thoại bàn nên rất khó trong công tác truy quét."

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Hạt trưởng Hạt KL Tây Sơn, cho biết: "Nếu muốn kiểm tra khu vực nào thì chúng tôi phải cho quân đi đến khu vực khác, đợi đến đêm mới quay trở lại. Thế mà chỉ cần một chút động tĩnh là bọn chúng biết ngay. Ngoài các thủ đoạn né tránh, mua chuộc, lâm tặc còn dùng cả thủ đoạn hăm dọa. Lúc 15 giờ 30 ngày 7-8 vừa qua, 4 thanh niên xã Tây Phú đã vào khu du lịch Hầm Hô, tự xưng là lâm tặc, và đánh "dằn mặt" một nhân viên bảo vệ ở đây, đồng thời "gửi lời" hăm dọa các nhân viên khác. Ngay cả Hạt trưởng KL chúng cũng không từ." Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, cách đây hơn 1 tháng, đêm khuya, khi đi công tác về đến trước trụ sở Hạt, ông đã bị một lâm tặc tông thẳng vào xe máy, suýt chút nữa thì… tiêu!

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2004, hạt KL Tây Sơn đã kiểm tra bắt giữ 94 vụ vi phạm Luật QLBVR (thu trên 26m3 gỗ các loại, 1 chiếc ô tô, 19 xe máy, 26 xe đạp) thì trong đó có đến 85 vụ là… vô chủ! Cũng có nhiều ý kiến cho rằng bọn lâm tặc lộng hành như vậy là vì việc xử lý các vụ vi phạm không đến nơi đến chốn, công tác phối hợp chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết.

* Giải pháp nào?

Trước tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép đang diễn biến phức tạp, vừa qua, tại xã Tây Phú, UBND huyện Tây Sơn đã tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng để bàn biện pháp khắc phục. Ngày 27-7-2004, UBND huyện Tây Sơn đã ra Thông báo số 39/TB-UBND chỉ đạo địa phương và các ngành chức năng tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành Luật BVPTR; tăng cường thực hiện Chỉ thị 12, giao Hạt KL chủ trì, phối hợp các lực lượng từ huyện đến xã để tiến hành kiểm tra, truy quét, ngăn chặn tại rừng, tại các cơ sở chế biến và các địa điểm mua bán gỗ. UBND huyện cũng chỉ đạo UBND xã Tây Phú phối hợp với các ngành chức năng của huyện củng cố hồ sơ các đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm minh.

Theo ông Nông Đức Hiệp, phần lớn người dân đều nhận thức được tác hại của việc phá rừng, nên bà con rất bức xúc trước tình hình hiện nay. UBND xã Tây Phú đang kết hợp chặt chẽ với lực lượng KL, tiến hành nhiều biện pháp mạnh để hạn chế việc phá rừng ở địa phương. Ông Hiệp cũng cho biết thêm rằng, hiện nay Sở NN-PTNT tỉnh đang tiến hành khảo sát để thực hiện Chương trình trồng rừng Việt Đức, do Ngân hàng tái thiết Đức hỗ trợ 100% vốn đầu tư. Xã Tây Phú được phân trên 500 ha rừng trồng mới, khoanh nuôi, làm giàu rừng. Nếu chương trình này khả thi, xã sẽ cân đối giao cho từng hộ thực hiện, tạo công ăn việc làm cho nhân dân để giảm bớt nạn phá rừng.

. Bùi Lợi

 

"Lực lượng kiểm lâm Tây Sơn chưa thật sự trong sạch"

Trong khi tìm hiểu công tác QL-BVR ở huyện Tây Sơn, phóng viên Báo Bình Định đã nghe nhiều ý kiến chưa đồng tình với việc thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ, nhân viên (CBNV) thuộc HKL Tây Sơn, và đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tây Sơn - chung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng trong lực lượng KL huyện có "nội gián" tiếp tay cho lâm tặc?

+ Chúng tôi cũng mong muốn nghe được nhiều thông tin để có điều kiện so sánh, đối chiếu, chọn lọc ra những thông tin chính xác. Cũng xin nói thật là trong anh em chúng tôi, "cái đó" là có. Tôi xác nhận như vậy! Nhưng đó là trước đây, trước khi tôi về nhận nhiệm vụ (từ tháng 10-2003) và sau đó một thời gian nữa, nên lãnh đạo Chi cục KL tỉnh đã nhận định rằng: "Trong nội bộ còn để thông tin rò rỉ ra ngoài". Phải nói rằng trước khi tôi về, lực lượng của mình không "ngon lành" cho lắm. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà lãnh đạo chi cục giao cho tôi khi điều chuyển tôi về đây, là phải làm trong sạch lực lượng. Tuy không xác định cụ thể được, nhưng những người bị nghi ngờ đều được chi cục điều chuyển công tác. Trong năm 2003 có 6 cán bộ nhân viên KL Tây Sơn bị xử lý kỷ luật. Nhưng cũng không có vấn đề gì lớn, chẳng hạn như anh em mua gỗ đóng bàn ghế mà tiền nong không sòng phẳng…. Hiện nay, tình trạng này đã giảm nhiều.

- Đã giảm, có nghĩa là vẫn còn có cán bộ nhân viên KL Tây Sơn "dính" đến tiêu cực?

- Lãnh đạo chi cục cũng đã nói với tôi rằng: "Chưa trong sạch hết đâu, phải làm cho trong sạch nữa!". Nếu phát hiện, dù rằng chưa thể kỷ luật thì tôi cũng đề nghị thuyên chuyển đi nơi khác để anh em mình tiến bộ. Chi bộ cơ quan và lãnh đạo Hạt thường xuyên quán triệt tư tưởng trong anh em rằng, tuy công việc còn vất vả, lương bổng thấp, nhưng không thể vì lợi ích riêng tư mà làm việc sai trái. Chúng tôi cũng đã ký quy chế phối hợp với Công an huyện, trong đó có việc nếu phát hiện những vấn đề tiêu cực trong công tác thì thông báo cho nhau để kịp thời có biện pháp xử lý; đồng thời thường xuyên nghe ngóng, ghi nhận dư luận của địa phương, để nắm được tình hình công tác, hoạt động của cán bộ nhân viên KL trong Hạt. Bằng nhiều biện pháp, trong năm 2004 này, chúng tôi kiên quyết làm trong sạch nội bộ, để lực lượng mạnh hơn, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao!

- Có người cho rằng: khi thấy lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép trên đường, gọi điện báo cho Hạt KL huyện thì được trả lời là Hạt không đủ lực lượng để truy bắt?

- Người ta nói như vậy cũng đúng. Hiện nay, quân số của Hạt KL Tây Sơn gần 20 người, ngoài số KL địa bàn, còn phân bố ở 4 trạm KL: Tây Thuận, Tây Phú, Đồng Tre (Tây Giang), Đồng Le (Vĩnh An). Lực lượng hàng ngày ở Hạt rất ít, đa số anh em đều đi làm nhiệm vụ, lại không có điện thoại di động… Ngoài ra, cũng có nhiều lần bọn lâm tặc gọi đến Hạt để đánh lạc hướng lực lượng KL. Có đêm, chúng gọi liên tục, cứ nhấc máy lên là bên kia dập máy... Chúng tôi cũng rất buồn, thực tế là anh em làm hết trách nhiệm, mà nhiều khi họp hội đồng, một số "ông xã" cứ cho rằng KL không làm. Nếu không làm thì làm sao trong 6 tháng đầu năm 2004 này, chúng tôi phát hiện bắt và xử lý đến 94 vụ phá rừng làm nương rẫy, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, và phối hợp với các xã bắt nhiều vụ vi phạm Luật BVPTR. Chúng tôi rất mong muốn bà con nhân dân ý thức hơn nữa giá trị lớn lao của rừng, ý nghĩa quan trọng của công tác BVPTR, để kết hợp chặt chẽ với lực lượng KL làm tốt hơn công tác BVPTR.

- Xin cảm ơn ông!

. B.L (thực hiện)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đê sông Hà Thanh kêu cứu   (16/08/2004)
Kiệu giống vào mùa  (16/08/2004)
Ai về Nhơn Lộc xem… bò   (15/08/2004)
Khu kinh tế Nhơn Hội - động lực phát triển mới của Bình Định   (13/08/2004)
Bắt tôm cá, phá rừng trồng - cần xử nghiêm  (13/08/2004)
An Nhơn trên đường công nghiệp hóa  (12/08/2004)
Thành công nhìn từ góc độ quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp  (12/08/2004)
Phố hàng nội thất Diêu Trì   (11/08/2004)
Người tiêu dùng Bình Định đã tin dùng hàng Việt Nam chất lượng cao   (11/08/2004)
Chợ đường - chợ phố  (10/08/2004)
Quy Nhơn - Tuy Phước: Rừng được bảo vệ tốt hơn   (09/08/2004)
Tưng bừng Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2004  (09/08/2004)
Đê khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn còn nhiều nỗi lo  (08/08/2004)
Ngói mới Bình Nghi  (06/08/2004)
Đi lên từ kinh tế trang trại   (06/08/2004)