Nông dân Bình Định xuất ngoại : Đi một ngày đàng...
11:44', 18/8/ 2004 (GMT+7)

Sau 1 tuần tham quan một số HTX trang trại, trang trại chăn nuôi bò sữa tại các tỉnh: Nàkhòn Pathủm, Saraburri và Chon-buri của Thái Lan, ngày 2-8, đoàn tham quan đã trở về nước. Chuyến đi lần này đã tạo điều kiện cho nông dân được trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc thiết kế, xây dựng trang trại, chăm sóc bò thịt, bò sữa tại Thái Lan. PV Báo Bình Định đã gặp gỡ, trao đổi với một số thành viên tham gia chuyến đi nói trên.

Nông dân Bình Định tham quan một HTX chăn nuôi bò sữa ở Thái Lan

* Bà Trịnh Thị Miều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh- Trưởng đoàn tham quan: Đây là lần đầu tiên, Bình Định tổ chức đưa nông dân đi Thái Lan tham quan, học tập kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm nuôi bò sữa ở nước bạn. Ở những nơi đoàn đến, chính quyền địa phương của bạn đều đón tiếp nồng hậu, tạo mọi điều kiện cho đoàn gặp gỡ với các HTX, các trang trại chăn nuôi bò sữa. Mặc dù công việc luôn bận rộn, nhưng các chủ trang trại đã dành nhiều thời gian trao đổi những kinh nghiệm chăn nuôi với đoàn. Những vấn đề như: thiết kế xây dựng chuồng trại, chăm sóc và bảo vệ đàn bò sữa… đã được bàn luận khá sôi nổi ngay tại trang trại của họ. Phần lớn các thành viên đều đã ghi chép đầy đủ và rất phấn khởi vì đã học tập được nhiều kinh nghiệm quý qua chuyến đi này.

Hiện nay, đoàn nông dân Bình Định tham quan Thái Lan cũng đã đề nghị với Sở NN-PTNT tổ chức hội thảo bàn về các biện pháp phát triển đàn bò sữa ở Bình Định. Tại hội thảo này, bên cạnh việc thông báo kết quả của chuyến tham quan, các thành viên trong đoàn sẽ chia sẻ những thông tin đã thu hoạch được cho các hộ gia đình chăn nuôi bò sữa trong tỉnh.

* Ông Cao Văn Nghĩa, ở thôn Tân Lập, xã Nhơn Lộc - An Nhơn: Các chủ trang trại ở Thái Lan chăn nuôi bò sữa với số lượng lớn. Họ đã liên kết với nhau để thành lập HTX bò sữa, hoạt động giống như các HTX NN của ta; có ban quản trị, ban kiểm soát, xã viên là nông dân nuôi bò sữa tự nguyện tham gia. HTX làm dịch vụ đầu mối cung ứng thức ăn, tín dụng; có cán bộ kỹ thuật tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc bò sữa. HTX tổ chức thu mua toàn bộ sữa bò của nông dân với giá ngang bằng giá thị trường. Bình quân mỗi ngày một HTX có thể thu mua khoảng trên 1.500 kg sữa, cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, các HTX bò sữa của Thái Lan đã thực hiện chương trình "Sữa học đường" rất có hiệu quả. Ngoài ra, HTX còn giúp nông dân tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư phát triển đàn bò sữa. Chúng tôi nhận thấy, cách phát triển đàn bò sữa của nông dân Thái Lan cũng khác mình; ban đầu họ chỉ nuôi 3-4 con bò sữa, vừa nuôi vừa tích lũy vốn, kinh nghiệm, sau đó mới tăng đàn. Chính vì vậy mà hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi đều nắm vững các quy trình chăm sóc và bảo vệ đàn bò sữa. Giá thức ăn cho bò sữa thấp hơn so với giá thức ăn ở thị trường Bình Định, trong khi đó giá sữa lại cao hơn. Bình quân 1 lít sữa tại Thái Lan bán được 5.000 đồng, mua được trên 2kg thức ăn tinh. Còn ở Bình Định thì bán 1 lít sữa chỉ mua được khoảng 1,1kg thức ăn tinh. Nông dân nuôi bò sữa ở Thái Lan được vay vốn ưu đãi trong thời gian dài, khoảng từ 10-15 năm, được hỗ trợ kỹ thuật; chi phí đầu vào thấp, đầu ra sản phẩm thuận lợi, nên việc chăn nuôi bò sữa của họ rất có hiệu quả.

* Ông Nguyễn Ngọc Xương, ở khu vực II, phường Ghềnh Ráng - TP Quy Nhơn:  Quỹ đất của các trang trại nuôi bò sữa ở Thái Lan rất lớn, có trang trại thả nuôi hàng trăm con bò sữa mà vẫn không bị thiếu đất để trồng cỏ hoặc thiếu cỏ. Trang trại chăn nuôi bò sữa của họ được xây dựng khá hiện đại, thoáng mát và rất thuận tiện cho việc chăm sóc. Có nhiều trang trại rất rộng, nhưng họ chỉ dành khoảng trên 1 ha đất xây dựng chuồng (dành cho bò ăn uống, nghỉ ngơi), phần lớn diện tích đất còn lại được đầu tư trồng cỏ, và có cả sân chơi cho bò, chứ không nhốt bò một chỗ như ở mình. Các quy trình chăm sóc, phòng trị bệnh, thời gian cho bò nghỉ ngơi, ăn uống… đều được cán bộ thú y trực tiếp hướng dẫn và người chăn nuôi thực hiện rất nghiêm túc. Theo kinh nghiệm của các chủ trang trại ở đây, cần phải cho bò ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, không nên nhốt bò một chỗ để bò được thoải mái, không bị tê chân, tăng sức đề kháng và kích thích các tuyến sữa hoạt động… Hầu hết các chủ trang trại đều sử dụng máy vắt sữa, các trang thiết bị dùng cho việc bảo quản sữa cũng rất đầy đủ và hiện đại, không vắt sữa thủ công như ở mình. Cách làm này đã giúp họ giảm được công lao động (1 lao động có thể nuôi được trên 30 con bò sữa), đảm bảo được chất lượng sữa…

* Bà Bùi Thị Minh Vân, ở KV8, phường Trần Quang Diệu - Quy Nhơn: Mặc dù nuôi với số lượng lớn nhưng đàn bò ở các trang trại Thái Lan không húc nhau, không tranh giành thức ăn, nước uống của nhau, vì sau khi bê con mới sinh ra được 3-4 ngày, người ta sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu ức chế không cho sừng bò phát triển. Việc chuẩn bị thức ăn cho bò sữa cũng khác như ở mình, ngoài thức ăn tinh và cỏ họ còn có thể tự chế biến thức ăn hỗn hợp, xây dựng kho để dự trữ, đảm bảo thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng trong một thời gian dài. Chính vì vậy mà đàn bò rất khỏe mạnh, sản lượng sữa đạt cao, bình quân một con cho từ 25-30 lít sữa/ngày.

. Phạm Tiến Sỹ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bê tông hóa giao thông nông thôn ở Tuy Phước: Về đích trước thời gian  (17/08/2004)
Rừng đầu nguồn Hầm Hô không yên tĩnh   (17/08/2004)
Đê sông Hà Thanh kêu cứu   (16/08/2004)
Kiệu giống vào mùa  (16/08/2004)
Ai về Nhơn Lộc xem… bò   (15/08/2004)
Khu kinh tế Nhơn Hội - động lực phát triển mới của Bình Định   (13/08/2004)
Bắt tôm cá, phá rừng trồng - cần xử nghiêm  (13/08/2004)
An Nhơn trên đường công nghiệp hóa  (12/08/2004)
Thành công nhìn từ góc độ quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp  (12/08/2004)
Phố hàng nội thất Diêu Trì   (11/08/2004)
Người tiêu dùng Bình Định đã tin dùng hàng Việt Nam chất lượng cao   (11/08/2004)
Chợ đường - chợ phố  (10/08/2004)
Quy Nhơn - Tuy Phước: Rừng được bảo vệ tốt hơn   (09/08/2004)
Tưng bừng Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2004  (09/08/2004)
Đê khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn còn nhiều nỗi lo  (08/08/2004)