Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn:
Những người tâm huyết với con đường
11:32', 19/8/ 2004 (GMT+7)

Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn (GTNT) đã biến những con đường đất nắng bụi, mưa bùn thành những con đường bê tông khang trang, phẳng phiu, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn. Để có được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực của cả cộng đồng còn có những người tâm huyết với công việc chung này.

* Ý chí của một cựu chiến binh

Con đường bê tông ở thôn An Trinh dài 1.014m hoàn thành trong 22 ngày đêm

Sau khi xuất ngũ, ông Nguyễn Đức Thạnh về sinh sống ở huyện An Lão và được bầu làm Bí thư chi bộ thôn Hưng Nhơn, xã An Tân. Năm 2001, thôn Hưng Nhơn được hỗ trợ làm 2km đường bê tông, trong đó người dân phải đóng góp kinh phí 80 triệu đồng. Dân mình còn nghèo, số tiền ấy là quá lớn. Nhiều đêm suy nghĩ, ông nhận ra rằng phải phát huy nội lực và có sự đồng tình cao của bà con thì mới có thể làm được. Thôn Hưng Nhơn có 1.700 nhân khẩu, 349 hộ. Ông kêu gọi mỗi hộ đóng góp từ 2 đến 3 xe cát, sạn tùy theo nhân khẩu và đóng góp công lao động làm đường. Ý kiến của ông được bà con đồng tình ủng hộ. Cả thôn được chia thành 21 tổ tự quản (từ 10 đến 15 hộ/tổ) và thành lập Ban giám sát chịu trách nhiệm về kỹ thuật. Sau gần một tháng, 2km đường bê tông đã hoàn thành do chính sức lực của người dân địa phương với chi phí chỉ 24,8 triệu đồng (chưa kể xi măng do tỉnh hỗ trợ). Phần lớn số tiền này ông chi cho việc bồi dưỡng, khen thưởng cho cá nhân và các tổ tự quản xuất sắc.

Sau công trình làm đường, ông Thạnh tiếp tục vận động nhân dân tham gia làm 700 m kênh mương bê tông, 3km đường giao thông nội đồng… làm lợi cho Nhà nước hơn 200 triệu đồng. Từ thành công này, các thôn, xã trong huyện An Lão và huyện Hoài Ân mời ông Thạnh về báo cáo để học tập kinh nghiệm. Hiện nay, phong trào bê tông hóa GTNT ở An Lão phát triển mạnh, toàn huyện đã bê tông hóa được 92,2km đường GTNT.

* Quyết tâm của một thương binh

Ông Nguyễn Quang Minh, thương binh loại một, nguyên là Bí thư chi bộ thôn An Trinh, xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ). Xã Mỹ Hiệp đã triển khai chủ trương của tỉnh về việc bê tông hóa GTNT từ năm 1999. Con đường giao thông quan trọng mà xã quan tâm là con đường ở thôn An Trinh, lẽ ra được khởi công từ quý II năm 2002, nhưng chưa thi công được vì lý do tài chính. Không thể để dân thất vọng, ông và cán bộ, nhân dân thôn An Trinh quyết định bằng mọi giá phải làm được con đường này với phương châm: làm nhanh, đẹp, tiết kiệm và chất lượng. Ông huy động thợ hồ trong thôn và toàn dân theo từng đội, cùng góp công góp của để thực hiện. Người dân chưa đóng góp đủ tiền thì đóng góp công lao động nhiều hơn. Đồng thời, khoán thẳng cho dân làm từng đoạn theo giám sát của Ban kỹ thuật. Bên cạnh nguồn hỗ trợ kinh phí, vật tư của huyện, xã, đóng góp của dân, ông còn viết thư vận động sự đóng góp của những người con của thôn An Trinh xa quê. Sau 22 ngày tổng huy động toàn dân cùng làm, đúng vào ngày 2-9-2002 con đường bê tông xi măng dài 1.014m vừa kịp hoàn thành, lập thành tích chào mừng ngày Quốc khánh và 57 năm Cách mạng Tháng Tám trong niềm phấn khởi của nhân dân địa phương. Tổng chi phí cho con đường gần 165,3 triệu đồng, nếu so với giá của nhà thầu thì con đường này làm lợi cho dân trên 73 triệu đồng.

Không chỉ làm con đường giao thông quan trọng này, ông còn vận động dân đóng góp làm tường rào, trang trí trụ sở thôn khang trang và xây dựng cổng làng bằng bê tông kiên cố. Nhờ có đường bê tông, gánh lúa không còn đè nặng trên vai người nông dân, mùa mưa không còn lầy lội, những người con ở xa về cũng tự hào về sự đổi thay của quê mình.

Còn nhiều, rất nhiều những gương điển hình trong phong trào bê tông hóa GTNT, họ thầm lặng đóng góp công sức của mình cho quê hương. Chỉ có tình yêu quê hương mới tạo cho họ một sức mạnh, một lòng quyết tâm giúp những ước mơ nhỏ bé của bà con mình thành hiện thực.

. Ngọc Oanh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công ty Xây dựng 47: Góp phần phát triển du lịch   (18/08/2004)
Nông dân Bình Định xuất ngoại : Đi một ngày đàng...   (18/08/2004)
Bê tông hóa giao thông nông thôn ở Tuy Phước: Về đích trước thời gian  (17/08/2004)
Rừng đầu nguồn Hầm Hô không yên tĩnh   (17/08/2004)
Đê sông Hà Thanh kêu cứu   (16/08/2004)
Kiệu giống vào mùa  (16/08/2004)
Ai về Nhơn Lộc xem… bò   (15/08/2004)
Khu kinh tế Nhơn Hội - động lực phát triển mới của Bình Định   (13/08/2004)
Bắt tôm cá, phá rừng trồng - cần xử nghiêm  (13/08/2004)
An Nhơn trên đường công nghiệp hóa  (12/08/2004)
Thành công nhìn từ góc độ quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp  (12/08/2004)
Phố hàng nội thất Diêu Trì   (11/08/2004)
Người tiêu dùng Bình Định đã tin dùng hàng Việt Nam chất lượng cao   (11/08/2004)
Chợ đường - chợ phố  (10/08/2004)
Quy Nhơn - Tuy Phước: Rừng được bảo vệ tốt hơn   (09/08/2004)