Đã một thời, các cơ sở đóng tàu của Bình Định phát triển khá rầm rộ, ký được nhiều hợp đồng đóng mới tàu đánh cá với khách hàng trong Nam ngoài Bắc. Thế nhưng khoảng vài ba năm trở lại đây, nghề đóng tàu thuyền ở Bình Định có chiều hướng chững lại và hiện nay đang trên đà sụt giảm.
* Khó khăn
|
Đóng tàu thuyền tại Đề Gi (Phù Cát) |
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nghề biển ở Bình Định làm ăn được, nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn để ra khơi xa đánh bắt. Tiếp đó, những năm 1997-1998, khi có các dự án đánh bắt xa bờ và vốn vay khắc phục hậu quả cơn bão số 5, nghề đóng tàu lại có thêm cơ hội phát triển hơn nữa, nhiều cơ sở đóng tàu trở nên khấm khá. Từ năm 2001, nghề đóng tàu thuyền ở Bình Định sụt giảm hẳn. Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Công Bình, cán bộ theo dõi lĩnh vực đóng tàu của Sở Thủy sản, do tàu đóng mới theo các dự án nói trên không còn. Trong khi đó, vốn trong bà con ngư dân không nhiều, các ngân hàng thì ngại cho vay đóng tàu bởi dư nợ quá hạn của các dự án nói trên còn khá lớn. Ngoài ra, thời điểm này các cơ sở đóng tàu cũng bắt đầu gặp phải sự khó khăn về nguồn nguyên liệu.
Tâm sự với chúng tôi, ông Phan Thế Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh dịch vụ thủy sản (Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định) cho biết: "Ngày trước, đơn vị chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu và làm ăn được là nhờ chủ động được nguyên liệu. Thế nhưng sau này nguồn nguyên liệu ngày càng khó khăn, mua gỗ đúng quy cách rất khó, nên liên tiếp bị lỗ, đành phải "tạm biệt" nghề này".
Một số chủ cơ sở đóng tàu thuyền ở Cát Minh - Phù Cát cho biết: Gỗ để đóng tàu thuyền thường được dùng là sao, pô pô, sến… có chiều dài từ 15 mét trở lên, và các loại gỗ tạp từ nhóm 4 đến nhóm 7 để đóng thân và khung xương của tàu. Đặc biệt là các loại gỗ được chọn làm đà, giang, là các loại cây có hình dáng cong tự nhiên, rất khó khai thác. Thế nhưng hiện nay tất cả các nguồn nguyên liệu này rất hiếm, thay bằng gỗ nhập khẩu, giá cao, hao tốn nguyên liệu nhiều nhưng lại không bền so với loại gỗ cong tự nhiên. Điều này đã làm mất dần đi lợi thế về nguyên liệu lâu nay của các cơ sở đóng tàu trong tỉnh.
Theo tính toán của các chủ cơ sở đóng tàu, hiện nay giá nguyên liệu gỗ để đóng một chiếc tàu cao hơn 1/3 so với trước năm 2000, nên nhu cầu đóng tàu của ngư dân trong tỉnh giảm, các hợp đồng ở ngoài tỉnh cũng ít dần đi. Ông Nguyễn Ngọc Thành, chủ một cơ sở đóng tàu ở Quy Nhơn, cho biết: "Ngày trước, trung bình mỗi năm cơ sở chúng tôi ký được từ 3-4 hợp đồng đóng tàu cho các tỉnh Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Quảng Bình… nhưng hơn 1 năm nay chủ yếu đóng tàu trong tỉnh, nhưng cũng chỉ những tàu có công suất nhỏ".
* Phát triển theo hướng nào?
Những năm 1998-1999, trên địa bàn tỉnh có hơn 20 cơ sở đóng tàu lớn và khoảng 40-50 cơ sở đóng tàu nhỏ hoạt động, thu hút hơn 2.000 lao động; hàng năm đóng mới cho khách hàng trong và ngoài tỉnh khoảng trên 500 chiếc tàu. |
Ngành đóng tàu ở Bình Định còn có lợi thế là có khả năng đóng nhiều loại tàu khác nhau theo yêu cầu của khách hàng, và cũng được đánh giá là địa phương có nghề đóng tàu phát triển với đội ngũ thợ có tay nghề cao. Thế nhưng, ngoài việc thiếu nguyên liệu như đã nêu trên, nghề đóng tàu thuyền ở Bình Định hiện nay còn gặp trở ngại ở việc thiếu vốn, trình độ kỹ thuật đánh bắt xa bờ của ngư dân còn nhiều hạn chế; việc tiêu thụ sản phẩm do ngư dân đánh bắt được còn nhiều khó khăn… Do vậy, theo số liệu thống kê của ngành thủy sản, toàn tỉnh hiện chỉ còn 14 cơ sở đóng tàu lớn và khoảng 20 cơ sở nhỏ, giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động. Trung bình mỗi năm các cơ sở này cũng chỉ đóng được hơn 100 chiếc.
Nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ ở Bình Định xem ra đến hồi làm ăn không còn thuận lợi nữa. Trong khi đó, theo phân tích của ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở Thủy sản, hiện nay các cơ sở đóng tàu lớn ở các tỉnh đang chuyển dần nguyên liệu từ gỗ sang chất liệu composite để đóng tàu khai thác xa bờ. Qua thử nghiệm loại tàu vỏ composite cho thấy hoạt động tốt, hiệu quả cao. Ở Bình Định, Công ty Cổ phần Tàu thuyền và hải sản Cù Lao Xanh đã bắt tay vào sản xuất thử nghiệm loại tàu này từ tháng 8-2002. Hiện nay công ty đã sản xuất được một số sản phẩm bằng chất liệu composite như: Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, ca nô bảo vệ môi trường (của Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn), ca nô tìm kiếm cứu nạn (của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) và một tàu khai thác cá ngừ đại dương… Sau khi đưa vào sử dụng, tất cả các sản phẩm trên đều mang lại hiệu quả cao. Đối với tàu khai thác cá ngừ đại dương, đã đưa khai thác thử nghiệm 3 chuyến.
Ông Tăng Thạch Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Tàu thuyền và hải sản Cù Lao Xanh cho biết: "Qua 3 chuyến khai thác thử nghiệm cho thấy, hiệu quả của tàu composite so với tàu gỗ là khá cao. Do tàu composite nhẹ hơn, có độ nhẵn hơn nên có vận tốc cao hơn tàu gỗ khoảng 1 hải lý/giờ, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Composite hiện nay có giá thành vẫn còn cao hơn so với gỗ, nhưng ngược lại nó bền hơn. Giá nguyên liệu gỗ ngày càng tăng thêm, trong khi composite lại ổn định nên chênh lệch này sẽ thu hẹp lại đến mức không đáng kể. Bởi vậy, hiện nay đơn vị chúng tôi đang triển khai các kế hoạch sản xuất tàu thuyền khai thác hải sản bằng chất liệu composite". Được biết, Công ty Cổ phần thủy sản Hoài Nhơn hiện cũng đang nghiên cứu để sản xuất tàu đánh cá bằng chất liệu này.
Có thể nói, chất liệu composite đã góp phần giải quyết khó khăn về vấn đề nguyên liệu, mở ra một triển vọng mới cho nghề đóng tàu thuyền ở Bình Định. Tuy nhiên, để nghề đóng tàu phát triển tốt trong bối cảnh mới, rất cần những giải pháp đồng bộ, phối hợp của các ngành liên quan.
. Ngọc Thái |