Cầu vượt đầm Thị Nại: Ước mơ và hiện thực
16:11', 23/8/ 2004 (GMT+7)

Như tin đã đưa, ngày 22-8, phiến dầm đầu tiên của công trình cầu vượt đầm Thị Nại đã được lắp, mở đầu cho việc hình thành một trong những cây cầu dài nhất Việt Nam, nối Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai - một vùng đất đầy tiềm năng và triển vọng. Như vậy, ước mơ bao đời nay của người dân Bình Định về việc bắc một cây cầu qua đầm Thị Nại sắp trở thành hiện thực.

Phiến dầm đầu tiên của cầu vượt đầm Thị Nại đang được lắp đặt (ảnh: Văn Lưu)

Thị Nại là một trong 3 đầm lớn ở Bình Định, chia cắt TP. Quy Nhơn và bán đảo Phương Mai. Do cách trở nên bán đảo Phương Mai, một vùng đất có diện tích trên 10 ngàn ha với nhiều tiềm năng và lợi thế, đã bị lãng quên suốt hàng trăm năm. Mãi đến những năm cuối cùng của thế kỷ 20, sau rất nhiều trăn trở và thai nghén, tỉnh Bình Định đã quyết tâm xây dựng một tuyến cầu đường vượt qua đầm Thị Nại. Chỉ có như thế mới có thể đánh thức được bán đảo Phương Mai, một vùng bạt ngàn cát trắng với biết bao tiềm năng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng nếu nó không được đánh thức và bán đảo Phương Mai sẽ không thể phát triển nếu nó không giải quyết được sự cách trở của tự nhiên để kéo Phương Mai về gần với nội thành Quy Nhơn hơn.

Sau nhiều năm chuẩn bị, vào cuối năm 2002, tỉnh Bình Định mới có điều kiện hiện thực hóa quyết tâm của mình. Bán đảo Phương Mai đã được đánh thức. Và ngày khởi công xây dựng tuyến cầu đường vượt đầm Thị Nại sẽ mãi là một dấu ấn đẹp trong lòng mỗi người dân Bình Định, bởi đó chính là sự khẳng định quyết tâm to lớn của Đảng bộ và nhân dân Bình Định trong hành trình chinh phục thiên nhiên, hướng tới tương lai.

Việc xây dựng tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội còn là "phát súng lệnh" mở đường cho việc xây dựng khu đô thị mới Nhơn Hội, một khu đô thị hiện đại bao gồm: cảng nước sâu, khu công nghiệp công nghệ cao không gây ô nhiễm, khu du lịch sinh thái, khu dân cư, nhà máy điện…; đồng thời góp phần đẩy nhanh tốc độ giao lưu thương mại trong vùng với các vùng khác trên thế giới, biến TP. Quy Nhơn và khu đô thị mới Nhơn Hội trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà, sự hình thành khu vực này sẽ là điểm nhấn quan trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của Bình Định và là bước đột phá đưa Bình Định trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực trong thế kỷ 21.

Đầu tháng 4-2004, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã chính thức thông báo cho UBND tỉnh Bình Định về việc đồng ý đề nghị của tỉnh xin Chính phủ cho phép xây dựng Đề án Khu kinh tế Nhơn Hội thành khu kinh tế mở vì khu kinh tế trong tương lai gần này hội đủ các thế mạnh về điều kiện tự nhiên: 3 phía được biển bao bọc; phía đông và nam giáp biển Đông; nằm cạnh tuyến đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A, quốc lộ 19; gắn liền với Tây Nguyên và 2 nước bạn Lào, Campuchia; có sân bay Phù Cát, cảng biển, đầm Thị Nại… Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý cho phép tỉnh Bình Định được xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Bình Định khóa X đã nhất trí thông qua Đề án Quy hoạch tổng thể, đầu tư và cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2020. Theo đó, Khu kinh tế Nhơn Hội được hình thành trên diện tích khoảng 12.000 ha, bao gồm các xã Nhơn Hội, Nhơn Hải, Nhơn Lý và khu vực 9 phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn); thôn Huỳnh Giảng (xã Phước Hòa) và thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn) thuộc huyện Tuy Phước; xã Cát Tiến và các thôn Phú Hậu, Chánh Hữu - xã Cát Chánh, Vĩnh Hội, Tân Thanh - xã Cát Hải thuộc huyện Phù Cát. Đây là khu kinh tế tổng hợp, có nội dung hoạt động rộng, đa chức năng, đan xen các yếu tố kinh tế với xã hội, bao gồm: công nghiệp, cảng, du lịch, thương mại - dịch vụ và các khu đô thị mới. Về cơ chế chính sách phát triển, Khu kinh tế Nhơn Hội sẽ vận dụng các cơ chế chính sách ưu đãi cao nhất đang được áp dụng tại Việt Nam mà chủ yếu là các chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện tại các khu kinh tế như: Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu Chân Mây và Khu kinh tế Dung Quất.

Trở lại với tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, việc xây dựng tuyến cầu đường này còn phá thế độc đạo của Quốc lộ 19; tạo điều kiện và khai thác các tiềm năng để mở rộng và phát triển cảng Quy Nhơn về phía Nhơn Hội; khai thác quĩ đất ven đầm Thị Nại và bắc sông Hà Thanh của TP. Quy Nhơn, đẩy nhanh tốc độ phát triển của TP. Quy Nhơn… Vì thế, việc xây dựng tuyến cầu đường vượt đầm Thị Nại không chỉ là niềm vui lớn mà còn thỏa mãn được những khát khao, đợi chờ bao nhiêu năm nay của người dân Bình Định. Và nay, ước mơ ấy sắp trở thành hiện thực. Theo thiết kế, tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội dài tổng cộng trên 7.000 mét, gồm 1 cầu chính (vượt qua đầm Thị Nại) dài 2.477 mét, rộng 14,5 mét (gồm 49 nhịp với 343 phiến) và 5 cầu vừa, khởi đầu từ ngã 3 Đống Đa (Quy Nhơn) và kết thúc tại bắc núi Hang (bán đảo Nhơn Hội); quy mô kỹ thuật tương đương đường cấp 2 đô thị và dự kiến hoàn thành vào ngày 28-2-2006.

Những ngày tháng Tám này, các đơn vị thi công trên công trường Quy Nhơn - Nhơn Hội đang khẩn trương thực hiện các hạng mục xây dựng theo đúng tiến độ. Như thế, chỉ trong vòng 2 năm nữa thôi, một tuyến cầu đường hoành tráng nối bán đảo Phương Mai với TP. Quy Nhơn sẽ hiện hữu. Và sự hiện hữu đó sẽ làm cho TP. Quy Nhơn có một diện mạo mới, đẹp và quyến rũ hơn; đồng thời đánh thức được bán đảo Phương Mai, một vùng mênh mông cát trắng đầy tiềm năng và triển vọng của tỉnh Bình Định.

. Bảo Huy

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hướng đi nào cho nghề đóng tàu thuyền?  (22/08/2004)
Quy hoạch đô thị Quy Nhơn sẽ có những thay đổi cơ bản  (20/08/2004)
Gian nan chống hạn cho cây dứa  (20/08/2004)
Đánh thức tiềm năng một vùng biển   (19/08/2004)
Những người tâm huyết với con đường  (19/08/2004)
Công ty Xây dựng 47: Góp phần phát triển du lịch   (18/08/2004)
Nông dân Bình Định xuất ngoại : Đi một ngày đàng...   (18/08/2004)
Bê tông hóa giao thông nông thôn ở Tuy Phước: Về đích trước thời gian  (17/08/2004)
Rừng đầu nguồn Hầm Hô không yên tĩnh   (17/08/2004)
Đê sông Hà Thanh kêu cứu   (16/08/2004)
Kiệu giống vào mùa  (16/08/2004)
Ai về Nhơn Lộc xem… bò   (15/08/2004)
Khu kinh tế Nhơn Hội - động lực phát triển mới của Bình Định   (13/08/2004)
Bắt tôm cá, phá rừng trồng - cần xử nghiêm  (13/08/2004)
An Nhơn trên đường công nghiệp hóa  (12/08/2004)