Sử dụng nguồn nước ngầm không đúng cách: Lợi bất cập hại
11:28', 24/8/ 2004 (GMT+7)

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Bình Định đã quy hoạch khoảng 6.000 ha đất chuyển sang sản xuất các loại cây trồng cạn. Để có nước tưới, nông dân đã phải đóng hàng ngàn giếng tại ruộng đế lấy nước ngầm sản xuất. Thế nhưng, do xử lý số giếng này không đúng cách nên đã làm cho nguồn nước ngầm nhiều nơi bị ô nhiễm nặng, không còn dùng để uống được. Vấn đề nước sinh hoạt ở các vùng nông thôn bỗng trở nên khó khăn!

Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Cảnh An, xã Cát Tài (Phù Cát) vừa chuyển vai đặt đôi thùng nước uống xuống đất, vừa nói: "Hơn một năm nay, hàng ngày tôi phải đi gánh nước về uống. Ngày xưa, giếng nước nhà tôi rất ngọt và trong mát nhưng không hiểu vì sao gần đây nước giếng lại ngày càng ngả màu vàng và hôi mùi khó chịu, không thể dùng để uống và nấu ăn được… Các giếng gần khu vực nhà tôi cũng lâm vào cảnh như vậy".

Nông dân thôn Cảnh An đóng giếng bơm nước ngầm tưới cho cây trồng

Xã Cát Tài có gần 300 ha đất màu nhưng hầu hết không chủ động được nước tưới. Trừ 4 tháng mùa mưa, các tháng còn lại trong năm nông dân phải đóng giếng lấy nước ngầm để tưới cho cây trồng. Riêng vùng Cảnh An, nơi 18 hộ nông dân tham gia mô hình khuyến nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm đều sử dụng giếng đóng để tưới. Theo Trạm khuyến nông huyện Phù Cát, toàn xã Cát Tài có hơn 220 giếng đóng. Điều "lợi bất cập hại" là nhiều nông dân lúc nào cần nước thì đem bơm tra vào miệng giếng lấy nước và sau đó tháo bơm lại để trống miệng giếng. Mặt khác, có một số giếng không còn sử dụng nữa nhưng nông dân bỏ mặc không lấp kín miệng nên gặp cơn mưa lũ hoặc vào mùa mưa, thay vì ngấm qua các tầng đất, nước trên mặt đất lại chảy trực tiếp theo giếng vào túi nước ngầm. Trên đồng ruộng hiện nay tồn tại biết bao hóa chất độc hại như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu bệnh, các chất thải…, thậm chí còn có cả những chất cực độc như si-a-nuya, thạch tín…, chúng sẽ hòa tan vào lớp nước mặt đất.

Không riêng gì ở Cát Tài mà nhiều vùng nông thôn ở nhiều huyện, do việc sử dụng và xử lý số giếng đóng không đúng cách, cũng đã có hiện tượng làm cho túi nước ngầm bị ô nhiễm hoặc khô cạn. Gần đây, một số nông dân ở Cát Thắng (Phù Cát), Nhơn Hưng (An Nhơn), Thuận Nghĩa (Tây Sơn), Mỹ Châu, Mỹ Lợi (Phù Mỹ)… cũng đã phản ảnh về hiện tượng nước giếng bị khô cạn hoặc đổi màu, có nguy cơ không uống được. Qua tìm hiểu thì nguyên nhân vẫn là hậu quả của việc đóng giếng sử dụng nguồn nước ngầm nhưng chưa có ý thức bảo vệ đúng mức.

Trên địa bàn tỉnh có gần 6.000 ha đất không chủ động được nước tưới, tại nhiều nơi, nông dân phải dùng nguồn nước ngầm để sản xuất như vùng tây bắc Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn… Nông dân tích cực sản xuất luân canh, xen canh, gối vụ… theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích. Do vậy, lượng giếng đóng để bơm lấy nước ngầm ngày càng nhiều. Thế nên, nông dân cần có ý thức sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngầm, nếu không sẽ là thảm họa có tác động xấu đến đời sống nông thôn Bình Định.

. Nguyễn Đình Thụy

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cầu vượt đầm Thị Nại: Ước mơ và hiện thực   (23/08/2004)
Hướng đi nào cho nghề đóng tàu thuyền?  (22/08/2004)
Quy hoạch đô thị Quy Nhơn sẽ có những thay đổi cơ bản  (20/08/2004)
Gian nan chống hạn cho cây dứa  (20/08/2004)
Đánh thức tiềm năng một vùng biển   (19/08/2004)
Những người tâm huyết với con đường  (19/08/2004)
Công ty Xây dựng 47: Góp phần phát triển du lịch   (18/08/2004)
Nông dân Bình Định xuất ngoại : Đi một ngày đàng...   (18/08/2004)
Bê tông hóa giao thông nông thôn ở Tuy Phước: Về đích trước thời gian  (17/08/2004)
Rừng đầu nguồn Hầm Hô không yên tĩnh   (17/08/2004)
Đê sông Hà Thanh kêu cứu   (16/08/2004)
Kiệu giống vào mùa  (16/08/2004)
Ai về Nhơn Lộc xem… bò   (15/08/2004)
Khu kinh tế Nhơn Hội - động lực phát triển mới của Bình Định   (13/08/2004)
Bắt tôm cá, phá rừng trồng - cần xử nghiêm  (13/08/2004)