Hiện nay, nhiều đoạn đê sông Côn thuộc địa phận xã Nhơn Lộc-An Nhơn đã bị sạt lở nghiêm trọng. Mùa mua lũ sắp đến, nhân dân sinh sống dọc theo tuyến đê này đang rất lo lắng…
Đoạn đê sông Côn thuộc địa phận xã Nhơn Lộc có chiều dài 6 km, đi qua 3 thôn Đông Lâm, An Thành, Trường Cửu, được xây dựng từ lâu, thường xuyên chịu nhiều tác động của thiên tai lũ lụt, nên nhiều đoạn đê đã rạn nứt, có đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Theo ông Trương Thế Lưu, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, năm 2002-2003, bờ sông Côn phía Nhơn Khánh được kè đá, đã làm thay đổi dòng nước, càng gây tác động xấu đến đoạn đê ở Nhơn Lộc. Mấy năm nay, tình trạng đê sông xuống cấp đã uy hiếp đời sống sản xuất của hơn 220 hộ dân đang sinh sống dọc theo tuyến đê này.
|
Một đoạn đê được kè đá cũng đã bị sạt lở |
Phần lớn chân đê đoạn từ thôn An Thành đến Trường Cửu (dài khoảng 3km) đã bị nước sông cuốn trôi, thân đê dựng thẳng đứng, nhiều đoạn đã bị rạn nứt, đất sụp đổ với khối lượng lớn, hàng trăm bụi tre do nông dân trồng để giữ chân đê cũng đã bị đổ ngã… Tại hiện trường, ông Trương Thanh Liêm, cán bộ khuyến nông xã Nhơn Lộc, cho biết: "Cơn lũ xảy ra vào tháng 11-2003 đã làm sạt lở một đoạn đê dài khoảng 10m, rộng 1m, nước sông ồ ạt tràn vào thôn Trường Cửu. Các anh em trong Ban phòng chống lụt bão của xã và nhân dân trong thôn phải thức suốt đêm để hộ đê, đóng cọc tre, chở đất đắp mới ngăn chặn được. Hiện nay đoạn đê này cũng chỉ được gia cố tạm thời". Ông Hồ Văn Tỏ, nông dân ở thôn Trường Cửu tâm sự: "Mỗi khi mùa mưa lũ đến, bà con trong thôn lại nơm nớp lo sợ đê vỡ, nhiều đêm trằn trọc không sao chợp mắt được". Hàng trăm hộ gia đình khác sinh sống dọc theo đoạn đê sông Côn ở xã Nhơn Lộc cũng có nỗi lo như người dân ở thôn Trường Cửu…
Trước mỗi mùa mưa lũ, chính quyền địa phương thường trích ngân sách trên 2 triệu đồng, và huy động nhân dân gia cố đê sông; nhiều đoạn đê đã được đóng cừ tre và đắp đất khá công phu, nhưng chỉ sau một cơn lũ, bao công sức của bà con đều bị dòng nước cuốn trôi. Theo ông Trương Thế Lưu: "Đê sông đã bị sạt lở nhiều năm nay, nhưng ngân sách địa phương có hạn nên chỉ gia cố tạm thời, còn về lâu dài thì phải xây cho được bờ kè đá mới đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc xây dựng bờ kè vượt quá khả năng tài chính của địa phương. Chính quyền và nhân dân trong xã đã kiến nghị với tỉnh, huyện về vấn đề này nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì".
Đảm bảo an toàn đời sống sản xuất cho nhân dân trong mùa mưa lũ nhất là với những hộ dân sinh sống ở những vùng ven đê sông là việc làm cần thiết. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, người dân Nhơn Lộc tha thiết mong muốn các cấp các ngành chức năng giúp xã xây dựng bờ kè sông Côn trên địa bàn xã, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân ở đây.
. Phạm Tiến Sỹ
Ông Trần Đình Tâm, Chủ tịch UBND huyện An Nhơn: UBND huyện đã có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí giúp địa phương xây dựng bờ kè sông Côn thuộc địa phận xã Nhơn Lộc, nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân sinh sống dọc theo tuyến đê này. Ngoài số tiền hỗ trợ của tỉnh, huyện sẽ trích một phần ngân sách và vận động nông dân đóng góp thêm, dự kiến khoảng 10 tỉ đồng. Vừa qua, Tổng cục Phát triển đê điều của Bộ NN-PTNT và đoàn kiểm tra của Sở NN-PTNT tỉnh cũng đã về kiểm tra tình hình sạt lở ở xã Nhơn Lộc. Dự kiến công trình sẽ được xây dựng vào năm 2005. Trước mắt, huyện chỉ đạo cho chính quyền và nhân dân địa phương triển khai gia cố những đoạn đê bị sạt lở, xây dựng phương án di dời những hộ dân sinh sống gần đê và chuẩn bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn nếu đê bị vỡ. |