Năm 2002, nhân một chuyến đi thăm người bà con ở đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Văn Minh ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc (An Nhơn) đã học được kỹ thuật nuôi cá ruộng lúa. Ông quyết định cải tạo 2.000 m2 ruộng sản xuất lúa 1 vụ hiệu quả kinh tế thấp, mua 4.000 cá giống rô phi, chép, trôi, mè về nuôi thử. Sau 6 tháng chăm sóc, ông đã có thu nhập trên 10 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với sản xuất lúa.
|
Mô hình nuôi cá ruộng lúa của ông Hồ Văn Tỏ ở thôn An Thành |
Phấn khởi trước hiệu quả bước đầu, năm sau, ông tiếp tục mở rộng diện tích lên 4.500 m2, thả nuôi 20.000 con cá giống các loại. Ông Minh cho biết: "Để nuôi cá ruộng lúa đạt hiệu quả hơn, tôi đã dành 500 m2 đất ở góc ruộng, cải tạo thành ao thả nuôi cá con, diện tích đất còn lại tôi đưa lúa giống cấp I vào sản xuất. Khi lúa cao cỡ chừng 20 cm mới cho cá vào ruộng. Từ ao cá đến ruộng, tôi đã đào mương để cho cá ra, vào. Xung quanh bờ và giữa ruộng lúa đào mương nước rộng chừng 2m, sâu gần 1m. Trên bờ ruộng, tôi đã trồng đu đủ để tăng thu nhập và tạo bóng mát cho cá. Năm đó, tôi đã thu hoạch được 3 tấn cá, 4 tấn lúa và 3 triệu đồng tiền bán đu đủ, tổng thu nhập trên 50 triệu đồng". Với diện tích trên, năm nay ông Minh tiếp tục đưa cá vào thả nuôi, và dự kiến thu nhập khoảng 55 triệu đồng.
Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân trong và ngoài thôn đến học tập và làm theo, trong đó có ông Lê Văn Bảy, ở cùng thôn với ông Minh. Năm 2003, ông Bảy đã cải tạo trên 500 m2 diện tích mặt nước trước đây nuôi cá và 5.000 m2 đất sản xuất lúa để kết hợp nuôi cá ruộng lúa. Tận dụng mặt nước nuôi cá, ông đã thả nuôi 100 con vịt đẻ để vừa lấy phân làm thức ăn cho cá, vừa tăng thu nhập. Với cách làm này, gia đình ông đã có thu nhập trên 56 triệu đồng. Ông Bảy cho biết: "Từ khi đưa cá vào nuôi trong ruộng lúa, đã giảm được chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa, bởi cá ăn các tạp chất trong ruộng lúa, còn lúa thì sử dụng chất thải của cá, nên cả lúa và cá đều phát triển rất tốt".
Để giúp nông dân nuôi cá ruộng lúa ở Nhơn Lộc đạt hiệu quả kinh tế hơn, cuối năm 2003 Trung tâm Khuyến ngư tỉnh và Phòng NN-PTNT huyện đã hỗ trợ cho gia đình ông Hồ Văn Tỏ ở thôn An Thành 15.000 con cá rô phi đơn tính thả nuôi trong 1ha ruộng lúa, đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn quy trình nuôi cá ruộng lúa cho nông dân trong xã. Đến nay, gia đình ông Tỏ đã thu hoạch được 2 vụ lúa, sản lượng đạt 7,8 tấn, và dự kiến thu trên 3 tấn cá, tổng thu nhập trên 60 triệu đồng.
Nói về mô hình nuôi cá ruộng lúa, ông Trương Thế Lưu, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: "Việc đưa cá vào thả nuôi trong ruộng lúa không những giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mà còn giải quyết việc làm nông nhàn cho nông dân. Hiện nay, toàn xã đã có 7 hộ đang nuôi cá ruộng lúa với diện tích 3,2 ha, bình quân mỗi ha nuôi cá ruộng lúa cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm".
Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá ruộng lúa ở Nhơn Lộc đã hấp dẫn nhiều nông dân trong xã. UBND xã Nhơn Lộc có kế hoạch quy hoạch khoảng 30 ha diện tích sản xuất lúa ở những vùng trũng tại các thôn Tân Lập, Trường Cửu, An Thành… đưa cá vào thả nuôi để mở rộng mô hình này.
. Phạm Tiến Sỹ |