Huyện Vĩnh Thạnh có diện tích tự nhiên 70.079 ha, trong đó có 5.800 ha đất sản xuất nông nghiệp, diện tích còn lại là đất đồi rừng. Bên cạnh việc phát triển sản xuất lúa nước để đảm bảo lương thực tại chỗ, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn rừng.
|
Ông Võ Thành Ngọc ở thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh thu nhập trên 50 triệu đồng/năm từ kinh tế trang trại |
Để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế vườn rừng, huyện Vĩnh Thạnh đã quy hoạch những diện tích đất đồi, đất rừng, giao quyền sử dụng đất lâu dài cho dân, vận động nông dân xây dựng các trang trại; xây dựng nhiều mô hình trình diễn các loại cây trồng, vật nuôi mới để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; các hội, đoàn thể đã tạo điều kiện để nông dân được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế...
Đến nay, toàn huyện hiện có 34 hộ gia đình xây dựng được trang trại, với diện tích trên 151 ha, giải quyết 143 lao động, bình quân mỗi trang trại cho thu nhập trên 17 triệu đồng/năm. Một trong những điển hình là trang trại của ông Bùi Liên, ở thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang. Năm 2000, ông Liên đã đầu tư 20 triệu đồng xây dựng trang trại và mua 15 dê giống về nuôi. Đến nay, đàn dê đã phát triển được 60 con, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập 30 triệu đồng từ chăn nuôi dê. Ngoài ông Liên, ở xã Vĩnh Quang còn nhiều hộ gia đình khác cũng đã xây dựng được trang trại, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Văn Trát, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, cho biết: "Hiện nay, toàn xã có 14 trang trại trồng các loại cây lâu năm và chăn nuôi. Đời sống các hộ gia đình làm kinh tế trang trại đã được cải thiện đáng kể".
Ở các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Sơn…, từ việc khai thác đồi rừng để phát triển kinh tế theo mô hình VAC, nhiều hộ gia đình đã đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện như các ông Lê Kim Quang, Võ Thành Ngọc ở thôn An Nội (Vĩnh Thịnh). Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã được cán bộ kỹ thuật của huyện hướng dẫn lựa chọn các loại cây trồng mới đưa vào sản xuất, được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ các chương trình dự án để khai thác tiềm năng đất đai phát triển kinh tế.
Ông Lưu Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: "Với một huyện miền núi như ở Vĩnh Thạnh thì việc phát triển kinh tế vườn rừng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân là việc làm cần thiết. Huyện đã và đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế trang trại".
. Phạm Tiến Sỹ
Ông Đinh Y Nam, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh:
Huyện Vĩnh Thạnh có diện tích đất đồi rừng khá lớn, tài nguyên rừng rất phong phú, có nhiều động vật, gỗ quý. Từ năm 1999 đến nay, huyện đã triển khai giao đất rừng cho trên 700 hộ dân ở các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa, quản lý bảo vệ khoảng 20.017 ha rừng và giao cho nông dân ở 2 thôn: Định Quang, Định Xuân, xã Vĩnh Quang khoanh nuôi, tái sinh 1.390 ha rừng. Bình quân mỗi hộ được giao quản lý bảo vệ 5 ha rừng, mỗi ha nông dân được Lâm trường sông Kôn chi trả 50.000 đồng. Ngoài ra, nông dân còn có thể thu hoạch nhiều sản phẩm phụ sẵn có trong rừng, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nông dân sống gần rừng. |
|