Những nhịp cầu nối bờ vui
16:46', 31/8/ 2004 (GMT+7)

Từ trung tâm huyện An Lão, chúng tôi theo chân anh Bùi Tiến Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án của huyện, đến các xã vùng cao: An Hưng, An Dũng, An Vinh, An Quang… Nhìn những cây cầu kiên cố, những chiếc cầu bảng, cầu tràn liên hợp vừa được xây dựng, chúng tôi biết An Lão đã có một bước tiến dài trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống giao thông.

* Từ những nhịp cầu nối bờ vui...

Cầu Sông Đinh bắc qua sông Đinh nối giữa trung tâm huyện với xã An Hưng

Là một huyện vùng cao, có nhiều sông suối, đồi núi, nên mạng lưới giao thông ở An Lão rất trắc trở. Cách đây chỉ chừng 3 năm, những ai lên đây đều ngán ngẩm khi phải đi bộ trên những con đường liên xã gồ ghề, phải xắn quần lội qua sông, suối; nếu vào mùa mưa thì lại canh cánh nỗi lo tắc đường. Giao thông cách trở, nên đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn; lại càng khó cho công cuộc phát triển kinh tế. Điều này đã khiến cho chính quyền và nhân dân địa phương rất bức xúc.

Xác định giao thông là "mạch máu" của nền kinh tế, từ năm 2000 đến nay, huyện An Lão đã huy động nhiều nguồn vốn, đầu tư hơn 80 tỉ đồng nhằm phát triển hệ thống giao thông, trong đó chú trọng đến việc xây dựng hệ thống cầu cống mà từ lâu nay chưa làm được. Điển hình như cầu sông Đinh, bắc qua sông Đinh, nối giữa trung tâm huyện với xã An Hưng, được hoàn thành năm 2003, đã góp phần rất lớn trong việc tạo điều kiện cho An Hưng phát triển. Dù chỉ cách trung tâm huyện khoảng 5 km, nhưng cái thế 3 mặt là suối, mặt còn lại là núi rừng làm cho địa phương này hầu như tách biệt với bên ngoài. Do vậy, khi chưa có cây cầu việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa địa phương với bên ngoài rất khó khăn, nên dân trí ở đây rất thấp, phong tục tập quán và phương thức canh tác còn lạc hậu, quanh năm phải lo cái ăn vào mỗi độ giáp hạt. Ông Đinh Văn Đài, Chủ tịch UBND xã An Hưng, cho biết: "Cầu sông Đinh đã làm thỏa lòng mong đợi lâu nay của người dân địa phương. Bây giờ, người dân chúng tôi đã không còn vất vả lội sông. Việc vận chuyển nông sản, trẻ em đi học ở huyện, bà con đi chữa bệnh… đã thuận lợi nhiều lắm".

Ở xã An Dũng, con sông An Liên (đầu nguồn sông An Lão) đã làm cho hàng trăm hộ dân ở đây lâu nay phải gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Khi nghe tin Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu bắc qua con sông này, người dân không giấu được sự vui mừng. Ngày cây cầu đưa vào sử dụng, bà con An Dũng mừng vui như ngày hội. Anh Bùi Tiến Dũng cho biết: "Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng 5 chiếc cầu kiên cố, hơn 50 chiếc cầu bảng, cầu tràn liên hợp và các hệ thống cống thoát nước ở những con đường liên xã, liên thôn. Nhờ đó, hiện nay từ trung tâm huyện lỵ đến các xã ô tô có thể đi lại được, kể cả mùa mưa".

* Đến sự đổi thay của cuộc sống

Giao thông trắc trở, hàng hóa nông sản ở các xã vùng cao An Lão rất khó tiêu thụ; nếu bán được thì giá cũng rất thấp. Do vậy, người dân ở đây rất ít ai đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, cuộc sống chủ yếu là tự cấp tự túc với bao thiếu thốn. Khi những cây cầu bắc qua sông, qua suối đã được xây dựng, đường sá đã thông thương, bà con các dân tộc ở An Lão mừng lắm, không còn nỗi lo tắc đường vào mùa mưa bão. Trong việc giao lưu buôn bán, không còn cảnh con heo, con gà bị tư thương ép giá; nải chuối, buồng cau không còn để rũ trên cành vì cái đường đến chợ quá khó khăn. Hiện các bản làng của các xã vùng cao trong huyện hàng ngày đều có người dưới xuôi chở hàng hóa lên bán và thu mua nông sản của bà con.

Trong nụ cười tràn đầy ước mơ và hy vọng, khi cuộc sống đã có những thay đổi đáng kể, chị Đinh Thị Chép, một người dân ở tổ 2 xã An Hưng, thổ lộ: "Ngày trước, khi giao thông còn trắc trở chúng tôi muốn mua hay bán cái gì cũng rất khó khăn. Nhưng bây giờ thì đỡ rồi, chúng tôi làm ra sản phẩm đã có người mua". Trên khu vườn của mình, anh Đinh Văn Thành, một người dân ở xã An Dũng tươi cười khoe với chúng tôi: "Tôi mới bán 5 buồng chuối, được 30.000 đồng. Ngày trước chuối chín rũ trên cây không ai đến hỏi mua nên tôi không trồng nhiều. Tôi đang trồng thêm chuối, thơm, đu đủ… để bán lấy tiền mua chiếc tivi về xem".

Khi người dân vùng cao đã chú tâm đầu vào việc đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, những tiềm năng của huyện đang dần dần được đánh thức. Đi khắp các thôn làng ở đây, chúng tôi đã không còn bắt gặp những khu vườn bỏ hoang hóa, để mặc cỏ cây mọc um tùm, mà thay vào đó là những vườn cây trái xanh tươi, trĩu quả, được chăm chút từng ngày. Ông Phạm Minh Dựng, Chủ tịch UBND huyện An Lão, khẳng định: "Người dân vùng cao An Lão bây giờ không chỉ còn chăm chăm vào gieo lúa, trồng mì mà đã biết đầu tư nuôi con heo, con gà, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình".

Vâng, người dân An Lão bây giờ đã bớt đi nỗi lo về giao thông, mà thay vào đó là sự tính toán đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì nhằm khai thác cho có hiệu quả tiềm năng kinh tế của một huyện vùng cao, để từng bước xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vĩnh Thạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn rừng  (31/08/2004)
Gian nan chống hàng nhập lậu  (30/08/2004)
Hội thi kiến thức sản xuất nông nghiệp giỏi huyện Phù Mỹ: Một sân chơi bổ ích   (30/08/2004)
Công trình cầu vượt đầm Thị Nại: Cuộc chạy đua tiến độ  (29/08/2004)
Giải quyết ô nhiễm môi trường do sản xuất kinh doanh: Thiếu giải pháp hữu hiệu  (27/08/2004)
Cây xăng vừa hoàn thành đã "trùm mền"  (27/08/2004)
Nuôi cá trong ruộng lúa ở Nhơn Lộc: Hiệu quả đã được khẳng định  (26/08/2004)
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát: Thắt chặt công tác phòng chống dịch  (26/08/2004)
Nhơn Lộc và nỗi lo đê vỡ   (25/08/2004)
Sử dụng nguồn nước ngầm không đúng cách: Lợi bất cập hại   (24/08/2004)
Cầu vượt đầm Thị Nại: Ước mơ và hiện thực   (23/08/2004)
Hướng đi nào cho nghề đóng tàu thuyền?  (22/08/2004)
Quy hoạch đô thị Quy Nhơn sẽ có những thay đổi cơ bản  (20/08/2004)
Gian nan chống hạn cho cây dứa  (20/08/2004)
Đánh thức tiềm năng một vùng biển   (19/08/2004)