Trên đất khu Đông
10:18', 2/9/ 2004 (GMT+7)

. Phóng sự của Tiến Sỹ

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, khu Đông Phù Cát là căn cứ địa cách mạng của tỉnh, bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt. Dẫu vậy, bà con nơi đây vẫn bám đất bám làng, một lòng đi theo cách mạng, lập nhiều chiến công anh dũng. Trong thời bình, những con người ấy lại tiếp tục góp công, góp sức để xây dựng quê hương giàu đẹp.

* Một thời hào hùng

Khu Đông Phù Cát là một vùng đất trải dài qua các xã Cát Khánh, Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Hải, Cát Minh… Trong những năm chiến tranh ác liệt, khu Đông là căn cứ địa cách mạng của tỉnh, với chiến khu Núi Bà đã đi vào lịch sử. Nhân dân khu Đông một lòng một dạ theo cách mạng, đánh đuổi ngoại xâm. Nhiều tên đất, tên người nơi đây đã gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân khu Đông. Bên cạnh việc tham gia đánh giặc, nhân dân các xã khu Đông Phù Cát còn đóng góp nhiều của cải, vật chất cho cách mạng, góp phần đưa các cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi hoàn toàn.

HTXNN Cát Tiến xây dựng kênh mương nội đồng phục vụ nước tưới cho nông dân

Đến bây giờ, trong lòng người dân khu Đông vẫn còn in đậm những câu ca dao khẳng định ý chí kiên cường bất khuất, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ để giành lại độc lập tự do: "Con sông chảy một dòng xuôi, lòng dân chảy cả về nơi Cụ Hồ. Dẫu giặc hiếu chiến mưu mô, ta theo Bác Hồ thắng lợi về ta".

* Nỗ lực vượt nghèo

Chiến tranh đi qua, các xã nằm ở khu Đông Phù Cát đã bị tàn phá nặng nề. Người dân khu Đông tiếp tục chiến đấu chống cái đói, cái nghèo, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt… để xây dựng quê hương. Trong số các xã khu Đông Phù Cát, Cát Tiến và Cát Chánh là 2 xã tương đối khó khăn, nhưng hiện nay cũng đã có những nỗ lực vươn lên đáng kể. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến chỉ tay về phía trước mặt trụ sở UBND xã - nơi có những cánh đồng lúa đang thời con gái xanh ngát và cho biết: "Trước đây vùng đất này bị nhiễm phèn, chỉ có cây lác và cỏ dại mới sống được, sau đó nông dân đã tiến hành đắp bờ ngăn mặn, tạo bờ vùng bờ thửa, cải tạo đất để sản xuất lúa. Hiện nay, toàn xã có 510 ha đất sản xuất 2 vụ lúa/năm, năng suất bình quân đạt từ 65-70 tạ/ha, và 30 ha đất sản xuất rau màu, đảm bảo được lương thực tại chỗ".

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân ở xã Cát Tiến còn phát triển chăn nuôi, khôi phục các ngành nghề truyền thống, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm, nhiều hộ dân đã vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả. Một trong số đó có ông Trần Văn Mười ở thôn Phú Hậu, có thu nhập 30 triệu đồng/năm từ trang trại chăn nuôi; ông Nguyễn Xuân Hồng ở thôn Phương Thái đã biết kết hợp sản xuất lúa và chăn nuôi dê, thu nhập từ 15-20 triệu đồng/năm… Về ngư nghiệp, toàn xã hiện có 210 chiếc tàu thuyền, trong đó có 164 chiếc có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 2.000 tấn thủy hải sản các loại... Nhờ sự phát triển các ngành nghề, tạo công ăn việc làm, nên tỷ lệ hộ nghèo ở xã Cát Tiến đã giảm xuống còn 5,3% (theo tiêu chí mới).

Ở Cát Chánh - quê hương của người anh hùng Ngô Mây, toàn xã hiện có 1.389 hộ dân, trong đó có trên 90% số hộ làm nông nghiệp. Người dân xã Cát Chánh đã đẩy mạnh phong trào cấp I hóa giống lúa, để tăng năng suất và chất lượng lúa, đồng thời phát triển chăn nuôi. Các xã Cát Khánh, Cát Minh phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, đóng mới tàu thuyền. Cát Hải - mảnh đất nghèo nhất khu Đông nay cũng đã trở mình đi lên...

* Triển vọng tương lai

Những năm gần đây, được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhiều tuyến tỉnh lộ, đường liên huyện; nhân dân trong xã cũng đã đóng góp công sức, tiền của để bê tông hóa giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại, trao đổi hàng hóa; các ngành nghề được mở rộng, tăng thêm hiệu quả, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Ông Phan Sĩ Hùng, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, cho biết: "Các xã khu Đông có diện tích đất nhiễm mặn khá lớn, phù hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Khi các tuyến đường giao thông được xây dựng, việc trao đổi hàng hóa thuận lợi hơn, nhân dân các xã khu Đông sẽ có điều kiện khai thác các vùng đất nhiễm mặn ven biển để nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống".

Tuyến đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan đi qua một số xã khu Đông Phù Cát đã được tỉnh đầu tư xây dựng, mở ra hướng phát triển mới cho khu vực nông thôn, miền biển Bình Định, trong đó có các xã khu Đông Phù Cát. Ngày mai, nơi đây sẽ có những điểm du lịch lý tưởng, nhiều nhà máy sẽ được xây dựng, cuộc sống của người dân sẽ được nâng lên một bước, các xã Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Hải… có điều kiện phát triển du lịch, dịch vụ…, đời sống của người dân rồi đây sẽ được nâng lên.

Ông Nguyễn Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: "Khu Đông huyện có bãi biển khá đẹp, có di tích, thắng cảnh hấp dẫn khách du lịch. Khi tuyến đường Nhơn Hội - Tam Quan được xây dựng, khu vực này sẽ hấp dẫn các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, xây dựng nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí…, tạo điều kiện thuận lợi cho các xã khu Đông phát triển dịch vụ và các ngành nghề khác, giải quyết công ăn việc làm cho người dân".

Đi trên con đường nhựa phẳng phiu mà nay mai sẽ nối liền Nhơn Hội - Tam Quan, qua các xã khu Đông Phù Cát, tôi liên tưởng đến Nhà máy Phong điện Phương Mai, cảng nước sâu, khu công nghiệp gắn liền với cảng… sẽ hình thành trong một tương lai gần, tạo điều kiện cho cả khu vực phía đông Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát phát triển, và thấy lòng dâng trào niềm vui.

. T.S

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhịp sống mới ở Hoài Nhơn   (02/09/2004)
Nhịp sống mới ở Hoài Nhơn   (02/09/2004)
Cơ sở chế biến hạt điều Xuân Phong: Góp phần phát triển tiểu thủ công nghiệp An Lão   (01/09/2004)
Những nhịp cầu nối bờ vui  (31/08/2004)
Vĩnh Thạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn rừng  (31/08/2004)
Gian nan chống hàng nhập lậu  (30/08/2004)
Hội thi kiến thức sản xuất nông nghiệp giỏi huyện Phù Mỹ: Một sân chơi bổ ích   (30/08/2004)
Công trình cầu vượt đầm Thị Nại: Cuộc chạy đua tiến độ  (29/08/2004)
Giải quyết ô nhiễm môi trường do sản xuất kinh doanh: Thiếu giải pháp hữu hiệu  (27/08/2004)
Cây xăng vừa hoàn thành đã "trùm mền"  (27/08/2004)
Nuôi cá trong ruộng lúa ở Nhơn Lộc: Hiệu quả đã được khẳng định  (26/08/2004)
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát: Thắt chặt công tác phòng chống dịch  (26/08/2004)
Nhơn Lộc và nỗi lo đê vỡ   (25/08/2004)
Sử dụng nguồn nước ngầm không đúng cách: Lợi bất cập hại   (24/08/2004)
Cầu vượt đầm Thị Nại: Ước mơ và hiện thực   (23/08/2004)