An Lão: Để người dân lạc nghiệp
11:34', 3/9/ 2004 (GMT+7)

Một mái nhà kiên cố, luôn là mơ ước của mỗi một con người. Nhưng đâu phải ai cũng dễ dàng thực hiện ước mơ ấy, nhất là với người nghèo. Nhưng ở An Lão, hàng trăm ước mơ như vậy đang thành hiện thực...

* "Mình đã có nhà mới!"

Đã hơn nửa năm kể từ khi chị Đinh Thị Hương, người H’rê ở xã An Hưng xây được căn nhà mới. Vậy mà khi được chúng tôi hỏi, chị không khỏi xúc động: "Mình đã có cái chỗ đàng hoàng để ở rồi. Nhờ Nhà nước cả đấy". Chị Hương đã lập gia đình và ra ở riêng hơn một năm nay. Cha mẹ chia cho hai sào ruộng cùng với cái rẫy để trồng bắp, và dựng tạm cho đôi vợ chồng trẻ căn nhà bằng tranh tre. Hai vợ chồng trẻ, thiếu kinh nghiệm làm ăn, vốn liếng sản xuất chưa nhiều nên chạy cái ăn đã mệt lắm rồi. Cất được căn nhà đàng hoàng là mơ ước ngoài tầm tay của cả hai người... Vậy mà trước Tết Nguyên đán, ước mơ đó đã nằm trong tầm tay của họ khi được tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng để xây căn nhà mới. Ngoài tiền hỗ trợ, chính quyền địa phương còn huy động bà con hàng xóm, người giúp công, kẻ giúp cây gỗ, bữa ăn phụ cho hai vợ chồng cất được căn nhà này. Không có điều kiện để cất nhà rộng rãi, hai người quyết định chỉ xây một phòng khách, một buồng ngủ và nhà bếp, tuy đơn sơ nhưng đã giải quyết cho đôi vợ chồng trẻ có chỗ trú mưa, tránh nắng. Hiện giờ, ngôi nhà này là tài sản quý nhất của hai vợ chồng.

Tuyến đường An Trung - An Dũng (An Lão) được bê tông hóa tạo thuận lợi cho giao thông các xã vùng cao trong huyện

Gia đình chị Đinh Thị Thành, cùng xã với gia đình chị Hương, cũng đang trong niềm hân hoan vui sướng khi có nhà mới. "Đâu chỉ có mình nhà mình, còn ba nhà nữa trong tổ 1 cũng có nhà mới như của mình" - chị Thành khoe. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong số ba hộ này, có một hộ cũng vừa ra riêng, hai hộ còn lại là người già cả neo đơn.

* Sẽ cơ bản hoàn thành hỗ trợ trong năm 2004

Thống kê năm 2002, An Lão có 647 hộ nghèo ở nhà đơn sơ. Năm 2003, theo số liệu điều tra mới toàn huyện có thêm 48 hộ nghèo có nhà đơn sơ. Là một huyện vùng cao, những đối tượng cần được hỗ trợ thường sống ở các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, gặp nhiều cách trở về giao thông, khó khăn trong vận chuyển vật liệu xây dựng. Do vậy, bên cạnh sự huy động các nguồn lực của địa phương, An Lão còn có cách làm của mình. Ngoài số tiền hỗ trợ từ 3 đến 5 triệu đồng/hộ, huyện còn hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển tùy theo điều kiện từng địa bàn. "Với các xã vùng cao: An nghĩa, An Toàn, An Dũng, An Vinh, thôn 5 và 6 xã An Quang, được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/hộ tiền vận chuyển, với các xã An Trung, An Hưng, thôn Gò Đồn - xã An Tân, các thôn 2, 3, 4 xã An Quang con số này là 500.000 đồng/hộ" - ông Châu Ngọc Dũng, cán bộ phụ trách lao động - xã hội (Phòng Tổ chức - Lao động - Xã hội huyện An Lão) cho biết. Ngoài ra, với các hộ có nhiều khó khăn hơn, huyện chủ động điều tiết mức hỗ trợ trên cơ sở sự đồng thuận của các hộ dân khác. Nhờ cách làm này, trong hai năm 2002 và 2003, huyện An Lão đã hỗ trợ cho 675 hộ nghèo cải thiện nhà ở với tổng kinh phí là 2,26 tỉ đồng, tính bình quân khoảng 3,35 triệu đồng/hộ. Trong đó, ngân sách tỉnh khoảng 1,8 tỉ đồng, còn lại là ngân sách huyện và các nguồn huy động khác. Những con số này trong điều kiện một huyện miền núi, còn gặp nhiều khó khăn như An Lão là một sự cố gắng lớn. Nhưng để xây dựng được một mái nhà mới cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, còn phải kể đến những đóng góp tích cực của bà con xóm giềng với tinh thần "lá lành đùm lá rách". Người góp của, người góp công, tình làng nghĩa xóm do đó càng thêm gắn bó.

Hiện nay, An Lão đang chuẩn bị hỗ trợ thêm một đợt nữa vào quý III năm nay để đến cuối năm 2004 này, An Lão sẽ cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cải thiện nhà ở đơn sơ cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.                    

. Khải Nhân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trên đất khu Đông   (02/09/2004)
Nhịp sống mới ở Hoài Nhơn   (02/09/2004)
Cơ sở chế biến hạt điều Xuân Phong: Góp phần phát triển tiểu thủ công nghiệp An Lão   (01/09/2004)
Những nhịp cầu nối bờ vui  (31/08/2004)
Vĩnh Thạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn rừng  (31/08/2004)
Gian nan chống hàng nhập lậu  (30/08/2004)
Hội thi kiến thức sản xuất nông nghiệp giỏi huyện Phù Mỹ: Một sân chơi bổ ích   (30/08/2004)
Công trình cầu vượt đầm Thị Nại: Cuộc chạy đua tiến độ  (29/08/2004)
Giải quyết ô nhiễm môi trường do sản xuất kinh doanh: Thiếu giải pháp hữu hiệu  (27/08/2004)
Cây xăng vừa hoàn thành đã "trùm mền"  (27/08/2004)
Nuôi cá trong ruộng lúa ở Nhơn Lộc: Hiệu quả đã được khẳng định  (26/08/2004)
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát: Thắt chặt công tác phòng chống dịch  (26/08/2004)
Nhơn Lộc và nỗi lo đê vỡ   (25/08/2004)
Sử dụng nguồn nước ngầm không đúng cách: Lợi bất cập hại   (24/08/2004)
Cầu vượt đầm Thị Nại: Ước mơ và hiện thực   (23/08/2004)