Trong sản xuất vụ mùa năm nay, công trình đập dâng Lại Giang (Hoài Nhơn) phải tạm ngừng việc cung cấp nước tưới để tu sửa, nâng cấp phần chân đập. Khả năng hàng trăm ha lúa vụ mùa của huyện Hoài Nhơn phải ngừng canh tác đã được báo trước nhưng do sự ứng phó kém của huyện, xã, nhiều nông hộ đã lâm vào tình thế khó khăn.
* Thiếu nước tưới - dân khó khăn
|
Đập Lại Giang đang được tu sửa, nâng cấp |
Công trình đập dâng nước Lại Giang được Bộ NN-PTNT hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 25 tỉ đồng để tu sửa, nâng cấp, triển khai thi công từ tháng 3-2003, đến nay đã cơ bản hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm nay. Trong khi thi công các hạng mục, đập Lại Giang vẫn hoạt động cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bình thường. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7-2004 đến nay, do yêu cầu tu sửa phần chân đập nên công trình đã tạm ngừng việc cung cấp nước, làm ảnh hưởng đến 1.120 ha đất sản xuất lúa vụ mùa của huyện Hoài Nhơn. Số diện tích "khát nước" này tập trung chủ yếu tại các xã: Hoài Tân: 239,6 ha, Hoài Xuân: 194,9 ha, Hoài Thanh: 139 ha, Hoài Thanh Tây: 110 ha, Hoài Hương: 103,8 ha… Để khắc phục, ổn định sản xuất, thời gian qua, huyện Hoài Nhơn đã vận động người dân đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đào giếng tìm nguồn nước tại chỗ, xây dựng các trạm bơm điện lấy nước trực tiếp từ sông Lại Giang để tưới cục bộ cho từng khu vực, nhưng cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho 700 ha, còn lại hơn 400 ha phải bỏ hoang. Trong đó, 2 xã Hoài Tân và Hoài Thanh có diện tích ruộng phải bỏ hoang nhiều nhất với 306 ha.
Ông Nguyễn Văn Ư, người dân ở xóm 2, thôn Đệ Đức 2 (Hoài Tân) cho biết: "Gia đình tôi hiện có 6 nhân khẩu, được xã giao 3 sào ruộng, thế nhưng vụ mùa này không có nước sản xuất đành phải bỏ cho cỏ mọc. Còn ông Hồ Văn Dư, ở xóm 8, thôn Đệ Đức 3 cho biết thêm: "Việc cắt nguồn nước sản xuất đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình chúng tôi. Với 1.000 m2 đất sản xuất lúa 3 vụ được giao quyền sử dụng, mỗi vụ tôi thu được 500 kg lúa, đây là nguồn sống của gia đình".
Ông Võ Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Tân, cho biết: "Xã Hoài Tân là xã thuần nông, có 300 ha đất sản xuất lúa với khoảng 2.000 hộ dân chuyên sống bằng nghề nông. Việc đập Lại Giang ngừng cung cấp nước đã làm cho nhiều hộ dân trong xã phải lâm vào cảnh khó khăn. Trong vụ mùa năm nay, do không có nước tưới nên toàn xã chỉ thực hiện được 50 ha, chủ yếu là trồng bắp lai, dưa hấu và lúa gieo khô. Xã đang kiến nghị cấp trên có biện pháp hỗ trợ lương thực cho người dân".
* Việc khắc phục chưa tốt
|
Ông Nguyễn Văn Ư, ở xóm 8, thôn Đệ Đức 2 (Hoài Tân) đứng trước cánh đồng bị bỏ hoang |
Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác thủy lợi 1 (Hoài Nhơn) - đơn vị quản lý đập dâng nước Lại Giang, được ông cho biết: Việc tạm ngừng cung cấp nước tưới là do công trình đang thi công đến hạng mục quan trọng ở phần chân đập và hệ thống cống lấy nước. Do vậy, không thể nào đảm bảo việc cung cấp nước tưới cho sản xuất được. Trước khi ngừng cấp nước, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức họp với chính quyền địa phương và người dân để có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Bên cạnh đó, về phía xí nghiệp, thời gian qua, chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp giúp đỡ địa phương tìm nguồn nước tưới thay thế như: xây dựng hơn 10 trạm bơm nước dọc theo sông Lại Giang, hỗ trợ nguồn kinh phí để các HTX trong huyện có điều kiện vận hành các trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu…
Cũng theo ông Phú, dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn còn diện tích phải bỏ hoang là do nằm quá xa nguồn nước. Trong khi đó, việc tìm nguồn nước ngầm lại rất khó khăn, vì những vùng này có tầng đá ngầm không thể nào đào giếng được.
Theo chúng tôi được biết, trước khi triển khai việc sửa chữa đập dâng Lại Giang, UBND tỉnh và ngành chức năng cũng đã quán triệt công tác này với UBND huyện Hoài Nhơn. Tuy nhiên, điều khó hiểu là vì sao khi đã biết trước chuyện thiếu nước mà các cấp chính quyền địa phương vẫn không tích cực tìm cách tháo gỡ, để đời sống, sản xuất của hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến vậy? UBND huyện Hoài Nhơn sẽ hỗ trợ, giúp đỡ như thế nào trước tình hình sẽ có nhiều hộ bị thiếu ăn trong mùa giáp hạt?
. Nguyễn Hân
* Ông Nguyễn Chí Công, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Nhơn: Vừa qua, UBND huyện Hoài Nhơn đã có tờ trình gởi UBND tỉnh xin hỗ trợ 630 triệu đồng để khắc phục tình trạng thiếu nước tưới. Đến nay, nông dân trong huyện đã đào đóng được 430 cái giếng tưới cho hàng trăm ha lúa, hoa màu bị thiếu nước. Huyện đang tiếp tục vận động nông dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng cạn và phát triển chăn nuôi để có nguồn thu nhập.
* Ông Nguyễn Hữu Vui, Trưởng Phòng Thủy lợi (Sở NN-PTNT): Việc cắt nước tưới của đập dâng nước Lại Giang là việc bất khả kháng vì công trình thi công đến hạng mục phần chân khay thân đập. Để thi công hạng mục này, không có cách nào khác đòi hỏi đơn vị thi công phải ngăn dòng để xử lý phần chân đập.
* Ông Trần Châu, Giám đốc Công ty Khai thác các công trình thủy lợi Bình Định: Việc cắt nước tưới được bố trí vào thời điểm vụ mùa là hợp lý vì đây là vụ sản xuất phụ trong năm. Trước khi cắt nguồn nước, chúng tôi đã triển khai tình hình đến UBND huyện Hoài Nhơn và người dân trong vùng để có biện pháp chuyển đổi cây trồng. Chúng tôi biết rằng, không có nước sản xuất sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nhưng không còn cách nào khả thi hơn.
|