Vi phạm về đo lường, chất lượng đối với các mặt hàng đóng gói sẵn: Người tiêu dùng thiệt thòi
10:32', 8/9/ 2004 (GMT+7)

Theo kết quả thanh tra chuyên đề "Đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ" đối với hàng hóa đóng gói sẵn định lượng theo khối lượng hoặc thể tích đang lưu thông trên địa bàn tỉnh (từ ngày 16-8 đến ngày 1-9), Đội Kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ và các ngành liên quan trong tỉnh đã phát hiện 19/31 đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tỉnh vi phạm. Trong đó, chủ yếu là sai phạm về đo lường gồm định lượng thể tích và trọng lượng...

* Sai phạm nhan nhản

Kiểm tra định lượng mặt hàng cháo gà đóng gói

Giai đoạn 1 vừa qua, Đội Kiểm tra liên ngành đã tổ chức thanh - kiểm tra về đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ trên hai lĩnh vực vật tư nông nghiệp và hàng tiêu dùng đối với những mặt hàng đóng gói sẵn. Tuy nhiên, nhìn chung chỉ có sai phạm về đo lường xảy ra trên nhiều mặt hàng. Nước mắm là mặt hàng đang lưu thông trên thị trường có phạm vi sai phạm rộng nhất, 9/19 cơ sở kinh doanh, sản xuất nước mắm trong tỉnh có sai phạm về đo lường, cụ thể là thiếu định lượng thể tích. Điển hình như các cơ sở sản xuất nước mắm Nguyên My (Quy Nhơn), Bốn Phương, Hoàng Ý (An Nhơn)… Hầu hết lượng nước mắm chứa trong các chai xuất xưởng của các cơ sở này bán ra trên thị trường đều thiếu từ 4-9% so với thể tích in trên nhãn mác các loại chai có thể tích 500ml và 1.000ml. Điều đáng nói là thể tích của các chai nước mắm trên nếu như đong đầy cũng vẫn không đủ theo thể tích in trên chai.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu và đang được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phân phối, kinh doanh cũng đã xảy ra tình trạng thiếu khối lượng so với nhãn mác đã ghi. Điển hình như lô hàng bột giặt OMO sản xuất tháng 7-2004 có định lượng 3.000g được DNTN thương mại Hoàng Bình (Tuy Phước) nhập về để kinh doanh; lô hàng bánh trứng cuộn kem đậu xanh Naboco được cơ sở kinh doanh bánh A&B (Quy Nhơn) nhập về kinh doanh; lô hàng mì tôm và gà Hòa Hợp (loại 70g) được DNTN Hoài Thu (Quy Nhơn) nhập về kinh doanh. Ngoài ra, việc thiếu định lượng còn xảy ra ở những cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh tự sản xuất và đóng gói bán ra thị trường. Chẳng hạn, sau khi kiểm tra lô hàng lạp xưởng loại đặc biệt 500g của cơ sở sản xuất kinh doanh lạp xưởng Bà Chị (Quy Nhơn), đoàn kiểm tra đã phát hiện thiếu định lượng về trọng lượng.

Tình hình vi phạm về định lượng không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh, mà còn có ở các doanh nghiệp của Nhà nước kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp. Sau khi kiểm tra, đoàn thanh tra đã phát hiện các loại mặt hàng bị thiếu định lượng như: thuốc trừ sâu COBITOX- 5G (loại 1.000g), thuốc trừ cỏ BRAVO-480SL (loại 1.000ml) do Công ty Vật tư bảo vệ thực vật I Bình Định kinh doanh; thuốc trừ sâu BASUDIN - 10H (loại 1.000g) do chi nhánh Công ty Dịch vụ bảo vệ thực vật An Giang tại Bình Định kinh doanh…

Không chỉ vi phạm về đo lường, chất lượng, Đoàn Kiểm tra liên ngành còn phát hiện doanh nghiệp kinh doanh hàng hết "đát" như loại mặt hàng HI 7010 - PH 10,01 do Chi nhánh hóa chất, vật liệu điện và vật tư khoa học kỹ thuật Bình Định kinh doanh.

* Những lời giải thích chưa đủ sức thuyết phục

Hàng đóng gói sẵn xuất ra thị trường

Theo nhiều chủ của các cơ sở nước mắm, việc thiếu định lượng thể tích chai nước mắm không phải do chủ ý của cơ sở sản xuất. Nguyên nhân là do sơ suất trong khâu đặt hàng và kiểm định thể tích khi nhập chai về nên đã để xảy ra tình trạng chai bị thiếu định lượng thể tích. Còn chủ cơ sở lạp xưởng Bà Chị thì cho rằng, do thời tiết nắng nóng trong nhiều ngày qua khiến cho hàng lạp xưởng bị khô và giảm trọng lượng. Đối với các cơ sở kinh doanh hàng đóng gói sẵn vi phạm về định lượng đều có chung lời giải thích là mua sao, bán vậy chứ không hề kiểm tra định lượng hàng hóa…(?). Đó là những lý do của những cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm về đo lường, chất lượng đối với hàng đóng gói sẵn. Tuy nhiên, ai biết được trong số lý do trên có bao nhiêu là thật và bao nhiêu là ngụy biện? Vấn đề chính là người tiêu dùng từ nhiều năm qua đã bị các cơ sở này móc túi.

Với những sai phạm trên, căn cứ vào luật định, vừa qua, Thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 18 cơ sở vi phạm về đo lường và chất lượng. Riêng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với cơ sở kinh doanh hàng quá thời hạn sử dụng với mức từ 400.000 đồng đến 5.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm.

Việc xử lý những vi phạm của các cơ sở kinh doanh sai phạm nói trên là lời cảnh báo cho những cơ sở kinh doanh muốn "móc túi" người tiêu dùng. Qua đây, hy vọng rằng người tiêu dùng cần thận trọng hơn nữa khi chọn mua mặt hàng đóng gói sẵn.

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Con đường di sản miền Trung: Di sản rất tốt nhưng…  (07/09/2004)
HTX Gạch ngói Phú Phong: Đi lên nhờ đa dạng hóa sản phẩm   (07/09/2004)
Nhiều nông dân đã tự sản xuất được giống lúa   (06/09/2004)
Do sửa đập dâng Lại Giang: Hàng trăm ha lúa vụ mùa phải ngừng canh tác   (06/09/2004)
Xuất khẩu - bao giờ mới phát triển bền vững?   (05/09/2004)
Thị trường bảo hiểm học sinh: Sôi động trước năm học mới   (03/09/2004)
An Lão: Để người dân lạc nghiệp   (03/09/2004)
Trên đất khu Đông   (02/09/2004)
Nhịp sống mới ở Hoài Nhơn   (02/09/2004)
Cơ sở chế biến hạt điều Xuân Phong: Góp phần phát triển tiểu thủ công nghiệp An Lão   (01/09/2004)
Những nhịp cầu nối bờ vui  (31/08/2004)
Vĩnh Thạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn rừng  (31/08/2004)
Gian nan chống hàng nhập lậu  (30/08/2004)
Hội thi kiến thức sản xuất nông nghiệp giỏi huyện Phù Mỹ: Một sân chơi bổ ích   (30/08/2004)
Công trình cầu vượt đầm Thị Nại: Cuộc chạy đua tiến độ  (29/08/2004)