Sự cố 225 ha dứa Queen không ra quả: Dứa "nữ hoàng" làm khổ nông dân
16:24', 8/9/ 2004 (GMT+7)

Cuối năm 2002, Lâm trường An Sơn đã chi 1,6 tỉ đồng để mua từ Tổng Công ty rau quả Việt Nam 10 triệu chồi giống dứa Queen về cung ứng cho nông dân của 4 huyện phía bắc tỉnh để sản xuất và cung cấp nguyên liệu cho Công ty Cổ phần dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định. Nhưng sau gần 2 năm trồng, dứa Queen vẫn chưa cho quả.

* Chờ mãi vẫn không ra quả

Hơn 1 ha dứa Queen trong vườn nhà anh Lê Văn Vụ, sau gần 2 năm trồng vẫn chưa ra quả

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Định, giống dứa Queen bắt đầu được trồng tại các huyện phía bắc tỉnh từ cuối năm 2002 với tổng diện tích 225,236 ha. Trong đó, huyện Hoài Ân: 145,166 ha; Phù Mỹ: 38,27 ha; An Lão: 29,5 ha và Hoài Nhơn: 12,3 ha. Từ khi trồng cho đến nay đã gần 2 năm nhưng giống dứa này vẫn chưa chịu ra quả, mặc dù theo Lâm trường An Sơn thì chỉ sau 18 tháng trồng, dứa sẽ cho quả. Tuy vậy người dân trồng dứa vẫn không dám phá bỏ để trồng cây khác vì trước khi trồng, giữa nông dân và Lâm trường An Sơn có giao kết với nhau: Lâm trường An Sơn cho mượn giống, sau khi thu hoạch nông dân phải trả lại giống theo thỏa thuận mượn một trả một.

Anh Lê Văn Vụ ở thôn Dương Liễu Đông, thị trấn Bình Dương (Phù Mỹ), bức xúc cho biết: "Năm 2002, Lâm trường An Sơn đưa giống dứa mới về trồng và khuyến khích bà con nông dân rằng giống dứa Queen dễ trồng, thích hợp với khô hạn và hiệu quả kinh tế cao. Tôi cũng như nhiều bà con lên UBND thị trấn đăng ký nhận trồng, nhưng đến nay đã quá thời gian 5-6 tháng mà dứa Queen vẫn không cho một quả nào. Tôi trồng hơn 1 ha dứa chứ ít đâu". Được biết, để có hơn 1 ha đất đồi trồng dứa, anh Vụ đã phải bỏ ra một khoản chi phí đầu tư ban đầu không nhỏ để thuê máy ủi san đất lại cho bằng, thuê công trồng dứa... Còn anh Lê Văn Ứng, một nông dân gần nhà anh Vụ cũng có gần 1 ha dứa Queen trồng cùng lúc với nhà anh Vụ, giờ vẫn chưa có quả. Anh Ứng cho biết: "Lúc đưa giống vào trồng tôi cũng đã thắc mắc với Lâm trường An Sơn là mùa này nắng nóng không thể trồng được. Nhưng Lâm trường bảo là giống dứa này thích hợp khí hậu nắng nóng. Giờ thì ngược lại, dứa Queen không chịu nổi nắng nóng nên chết hàng loạt hoặc không phát triển lên được thì làm sao cho quả".

Theo kỹ sư Ngô Đình Ba, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Phù Mỹ, dứa Queen trồng ở Phù Mỹ không cho quả là do bị thiếu nước tưới và do người trồng dứa vẫn chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật trồng giống dứa này.

Không riêng gì Phù Mỹ mà ở các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão, nhiều hộ trồng giống dứa Queen cũng đang "kêu trời" vì không có quả hoặc có quả thì cũng nhỏ xíu, phần lớn những quả này đã có sẵn từ khi con giống mang về. Chị Nguyễn Thị Thành ở thôn Tân Lập, xã An Tân (An Lão), trồng 1 ha dứa, tâm sự: "Dưới cái nắng như thế này, cây nào ở chỗ râm còn phát triển chút ít, cây nào đứng ở giữa trời thì chịu! Chờ mãi chẳng thấy quả đâu". May mắn hơn hàng trăm người trồng dứa Queen khác, ông Đào Xuân Hạnh ở xã Ân Đức (Hoài Ân) là một trường hợp hiếm, hơn 1 ha trồng dứa Queen của ông đã cho ra quả, nhưng tỉ lệ ra quả cũng đạt 30-40% diện tích trồng. Ông Hạnh cho biết: "Để dứa ra quả như hôm nay, tôi đã đầu tư vào đó khá lớn. Cứ 1 ha dứa Queen tôi đầu tư 1 tấn phân vi sinh, 500 kg NPK, 400 kg Urê, 1 tấn phân lân Lâm Thao... Ngoài ra, là tiền thuốc bảo vệ thực vật các loại, tiền công làm cỏ. Với tỉ lệ ra quả như thế này, coi như lỗ vốn".

* Sẽ phá bỏ để thay cây trồng khác ?

Quả dứa Queen hiếm hoi trong vườn nhà ông Đào Xuân Hạnh

Trước tình hình đó, cuối tháng 8-2004, Sở NN-PTNN cùng với Lâm trường An Sơn đã đi kiểm tra thực tế giống dứa Queen được trồng tại 4 huyện. Sau khi kiểm tra, ông Bùi Tiến Thịnh, cán bộ Phòng nguyên liệu (Lâm trường An Sơn) cho biết: "Hơn 225 ha giống dứa Queen được trồng từ năm 2002 ở 4 huyện phía bắc thì chỉ có từ 3-4% diện tích cho ra quả."

Về nguyên nhân của việc giống dứa Queen không cho quả, ông Nguyễn Xuân Thưởng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, giải thích: "Sau khi đi kiểm tra thực tế thì tôi có đánh giá chủ quan như sau: khi đưa vào trồng không đúng thời vụ (đưa vào trồng quá muộn), chọn đất trồng chưa phù hợp, dứa Queen không thích hợp điều kiện sinh thái ở Bình Định do nắng nóng kéo dài, quy trình đầu tư thâm canh chưa đảm bảo nên hiệu quả giống dứa Queen mang lại không cao. Còn để kết luận cụ thể thì phải có nhiều ban ngành cùng ngồi lại với nhau". Một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân cho biết thêm: "Cây dứa là một loại cây trồng có tỉ suất đầu tư khá cao so với khả năng của người nông dân, do đó trước khi trồng đại trà, cần tập trung vận động các trang trại, các hộ có khả năng nắm bắt nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trước, sau khi trồng có hiệu quả rồi mới nhân rộng ra. Đằng này, ngay lần đầu mà đã đưa vào trồng một cách ồ ạt nên hậu quả mang lại như vậy là tất yếu". 

Việc dứa Queen không ra quả đã làm thất thoát một khoản kinh phí lớn của Nhà nước trong việc mua giống và khiến hàng trăm hộ dân điêu đứng vì công sức đầu tư, chăm sóc cho cây dứa này trong suốt 2 năm qua đã đổ sông, đổ biển; bên cạnh đó, còn làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu dứa của tỉnh và gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho Công ty cổ phần dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định, một khi nhà máy đi vào hoạt động. Ông Phạm Trương, Giám đốc Công ty Cổ phần dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định, cho hay: "Sau khi biết dứa Queen không cho quả, tư tưởng của người trồng dứa rất hoang mang. Hiện nay, Công ty đang triển khai đến từng hộ dân trồng giống dứa Cayen để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy vì quả dứa Queen không đạt nên rất khó cho việc ép nước trái cây xuất khẩu".

Điều trái khoáy là, dù hơn 225 ha dứa Queen không ra quả nhưng hiện nay, người dân trồng dứa vẫn không dám phá bỏ vì vẫn chưa có ý kiến chính thức từ Lâm trường An Sơn, đơn vị trực tiếp cho vay giống. Ông Bùi Tiến Thịnh cho biết: "Trước thực tế đó, chúng tôi sẽ kiến nghị lên Sở NN-PTNT cho phá bỏ diện tích trồng dứa Queen để bà con chuyển sang trồng cây trồng khác". Có lẽ, theo chúng tôi, đó là giải pháp cần thực hiện ngay trong lúc này, không nên "nhì nhằng" mãi với loại cây không có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, cũng xin nhắc lại rằng, dứa Queen không phải là cây trồng đầu tiên không cho ra quả mà trước đó, 130 ha xoài ghép ở huyện An Lão cũng không cho quả, một số ít ra quả thì quả không tốt.

Sau cây xoài, cây dứa Queen, tiếp theo đến cây gì sẽ không cho quả? Và những lãng phí tiền tỉ này, cộng với bao công sức mồ hôi của người nông dân đổ ra đầu tư cho cây trồng nhưng không có kết quả, ai chịu trách nhiệm?

. Nguyễn Phúc - Lưu Nguyễn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vi phạm về đo lường, chất lượng đối với các mặt hàng đóng gói sẵn: Người tiêu dùng thiệt thòi   (08/09/2004)
Con đường di sản miền Trung: Di sản rất tốt nhưng…  (07/09/2004)
HTX Gạch ngói Phú Phong: Đi lên nhờ đa dạng hóa sản phẩm   (07/09/2004)
Nhiều nông dân đã tự sản xuất được giống lúa   (06/09/2004)
Do sửa đập dâng Lại Giang: Hàng trăm ha lúa vụ mùa phải ngừng canh tác   (06/09/2004)
Xuất khẩu - bao giờ mới phát triển bền vững?   (05/09/2004)
Thị trường bảo hiểm học sinh: Sôi động trước năm học mới   (03/09/2004)
An Lão: Để người dân lạc nghiệp   (03/09/2004)
Trên đất khu Đông   (02/09/2004)
Nhịp sống mới ở Hoài Nhơn   (02/09/2004)
Cơ sở chế biến hạt điều Xuân Phong: Góp phần phát triển tiểu thủ công nghiệp An Lão   (01/09/2004)
Những nhịp cầu nối bờ vui  (31/08/2004)
Vĩnh Thạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn rừng  (31/08/2004)
Gian nan chống hàng nhập lậu  (30/08/2004)
Hội thi kiến thức sản xuất nông nghiệp giỏi huyện Phù Mỹ: Một sân chơi bổ ích   (30/08/2004)