Trong khi những vùng nuôi tôm sú đang khó khăn vì thường xuyên bị dịch bệnh, thì ở các xã ven biển của huyện Phù Mỹ, người nuôi tôm đã có một vụ nuôi bội thu. Con tôm he chân trắng được đưa vào nuôi tại các hồ tôm trên cát đã mang lại hiệu quả cao và cả những điều cần cảnh báo!
* Được mùa tôm
|
Một góc khu nuôi tôm trên cát ở xã Mỹ Thắng |
Chúng tôi về những vùng nuôi tôm trên cát của xã Mỹ An, Mỹ Thắng đúng vào dịp người dân nơi đây vừa thu hoạch vụ tôm thứ nhất trong năm, và đang chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Ông Lâm Văn Thiết, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ An, phấn khởi cho biết: "Hai năm trở lại đây, con tôm he chân trắng liên tục được mùa, người nuôi tôm ở địa phương rất phấn khởi. Bây giờ, hầu như người nuôi tôm trong xã đều chọn con tôm he chân trắng để nuôi thay cho con tôm sú".
Trong vụ nuôi vừa qua, xã Mỹ An có 10 hộ nuôi tôm he chân trắng với tổng diện tích 6 ha. Ông Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng thôn Xuân Bình - xã Mỹ An cho biết: Mấy năm trước, người dân ở đây nuôi tôm sú, nhưng liên tục bị dịch bệnh, làm cho người nuôi tôm nản lòng. Bắt đầu từ năm 2003, con tôm he chân trắng được một số hộ dân đưa vào nuôi thử nghiệm trên những hồ tôm trên cát, kết quả mang lại thật bất ngờ. Sau thời gian 3 tháng thả nuôi (từ tháng 5 đến tháng 8-2004), hầu hết các hộ nuôi đều được mùa với năng suất đạt khá cao, từ 4-5 tấn/ha. Với giá tôm ổn định ở mức 55.000 đồng/kg, mỗi ha nuôi tôm he chân trắng có thu nhập không dưới 200 triệu đồng.
Chúng tôi gặp ông Phan Văn Trình - một hộ nuôi tôm ở thôn 8 - xã Mỹ Thắng vừa "trúng mùa" trong vụ vừa qua. Ông Trình phấn khởi cho biết: "Hồ tôm của gia đình tôi rộng 1 ha, toàn bộ tôm thả nuôi là tôm he chân trắng. Tôi mới thu hoạch xong, đạt 6 tấn, sau khi trừ mọi chi phí còn thực lãi hơn 150 triệu đồng. So với nuôi tôm sú, nuôi tôm he chân trắng thuận lợi hơn rất nhiều. Suất đầu tư cho com tôm he thấp hơn tôm sú, bên cạnh đó, con tôm he ít bị dịch bệnh tấn công hơn…".
Theo ông Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng: Do hiệu quả từ con tôm he chân trắng đạt cao nên rất nhiều hộ dân trong xã xin được cấp đất để nuôi tôm. Trong năm 2003, toàn xã mới có 7 hộ nuôi với diện tích 4 ha, đến vụ nuôi tôm này đã tăng lên 12 hộ nuôi với 7,6 ha. Sắp tới xã sẽ quy hoạch thêm 7 ha nữa để cấp cho 14 hộ nuôi tôm he chân trắng.
* Những cảnh báo...
Con tôm he chân trắng đang mở ra triển vọng lớn trong việc khai thác tiềm năng từ những bãi cát trắng ven biển Phù Mỹ. Tuy nhiên, việc người dân ở đây ồ ạt mở rộng diện tích nuôi tôm sẽ mang lại nhiều điều bất ổn. Theo khuyến cáo của ngành Thủy sản, nếu đẩy mạnh phát triển nuôi tôm he chân trắng mà không kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm dễ lây truyền sang con tôm sú. Bên cạnh đó, phát triển nuôi tôm trên cát không gắn với quy hoạch sẽ dẫn tới việc gây ô nhiễm môi trường biển và nguồn nước ngầm tại chỗ. Chính vì vậy, tuy đang thử nghiệm việc nuôi tôm trên cát nhưng ngành Thủy sản tỉnh cũng rất thận trọng. Thế nhưng, theo khảo sát của chúng tôi, hầu như việc xử lý nước thải ở toàn bộ diện tích nuôi tôm trên cát tại 2 xã Mỹ An và Mỹ Thắng chưa được các hộ nuôi tôm chú trọng. Hầu hết các hộ nuôi tôm trên cát đều xả trực tiếp nguồn nước thải từ hồ nuôi tôm ra các khu vực xung quanh…
Để con tôm he chân trắng phát triển bền vững tại vùng cát ven biển Phù Mỹ, cần có quy hoạch và định hướng phát triển bền vững ngay từ bây giờ trước khi quá muộn.
. Nguyễn Hân |