Vĩnh Thạnh: Để cây mía "ngọt" hơn
9:47', 10/9/ 2004 (GMT+7)

Nhằm tăng năng suất cây mía, tăng thu nhập cho nông dân, UBND huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với Công ty cổ phần đường Bình Định (BISUCO) đã quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh, diện tích 778 ha, tập trung ở 4 xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo.

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh thu hoạch mía

Năm 1999-2000, diện tích mía của huyện Vĩnh Thạnh có trên 1.000 ha. Nhưng, những năm sau đó, vì nhiều lý do, trồng mía không có lãi, nhiều nông dân đã nói lời chia tay với cây mía. Diện tích mía của huyện giảm mạnh. Ông Bùi Liên, một nông dân ở thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang cho biết: "Trước đây gia đình tôi trồng gần 1 ha mía nhưng thu thấp nên tôi đã chuyển sang trồng bắp và xen canh với bông vải hoặc đậu phộng. Bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 15 triệu đồng từ tiền bán bắp và bông vải, cao gần gấp 2 lần so với trồng mía". Hiệu quả của cây mía không tương xứng với tiền của và công sức của nông dân bỏ ra, nên nhiều nông dân đã phá bỏ cây mía chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn. Năm 2004, diện tích mía của huyện giảm xuống chỉ còn 421ha.

Tuy nhiên, mía là một trong những loại cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Vì vậy, việc nâng cao năng suất mía, tăng thu nhập cho nông dân là việc làm cần thiết, nhất là trong tình hình diện tích mía của huyện giảm mạnh như hiện nay. Ông Đinh Y Nam, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: "UBND huyện đã thống nhất với BISUCO xây dựng vùng nguyên liệu mía thâm canh giai đoạn 2003-2010, diện tích 778 ha, tập trung ở 4 xã: Vĩnh Quang (556 ha), Vĩnh Thịnh (149 ha), Vĩnh Hiệp (44 ha), Vĩnh Hảo (29 ha). UBND huyện đã chỉ đạo cho các địa phương  phổ biến đến người dân về việc quy hoạch vùng nguyên liệu mía và phương thức hợp đồng đầu tư cũng như tiêu thụ mía; vận động nông dân thực hiện đúng yêu cầu về kỹ thuật thâm canh, thời vụ trồng và thu hoạch, sử dụng giống mía mới để trồng và thực hiện nghiêm túc hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với BISUCO theo đúng tinh thần Nghị định 80 của Thủ tướng Chính phủ".

Đến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã gia cố 3 km kênh mương nội đồng tại thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang để chủ động tưới cho diện tích mía ở đây. Vụ trồng mía năm 2003-2004, Phòng kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện cùng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất mía thâm canh các loại giống mía mới: K84, Roc59, Roc79, diện tích 3 ha tại xã Vĩnh Quang, để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Hiện nay, nông dân xã Vĩnh Quang đã trồng được 150 ha mía thâm canh; và huyện đã tiến hành giao đất cho nông dân trong vùng quy hoạch để trồng mía. BISUCO cũng đã phối hợp với UBND huyện tiến hành xây dựng các tuyến đường giao thông, gia cố các trạm bơm, hồ chứa nước trên địa bàn huyện, để lấy nước phục vụ cho cây mía; hỗ trợ vốn sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ mía cho nông dân.

Ông Phan Lâm Tường, Phó Tổng giám đốc BISUCO, cho biết: "Công ty cung ứng giống mía mới, vật tư, vốn kịp thời, tăng mức đầu tư trồng mía mới lên 8 triệu đồng/ha (cao hơn 3 triệu đồng so với trước đây) đối với vùng thâm canh, đồng thời ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho nông dân, với giá 230.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng vùng nguyên liệu mía thâm canh tại Vĩnh Thạnh".

Xây dựng vùng nguyên liệu mía thâm canh nhằm tăng năng suất cho cây mía, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần đảm bảo nguyên liệu phục vụ cho nhà máy hoạt động là việc làm cần thiết. Với những động thái tích cực như hiện nay, hy vọng cây mía ở Vĩnh Thạnh sẽ "ngọt" hơn.

. Phạm Tiến Sỹ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
WEBCAM: Cầu nối hội ngộ từ vạn dặm   (09/09/2004)
Hiệu quả ban đầu và những cảnh báo   (09/09/2004)
Sự cố 225 ha dứa Queen không ra quả: Dứa "nữ hoàng" làm khổ nông dân   (08/09/2004)
Vi phạm về đo lường, chất lượng đối với các mặt hàng đóng gói sẵn: Người tiêu dùng thiệt thòi   (08/09/2004)
Con đường di sản miền Trung: Di sản rất tốt nhưng…  (07/09/2004)
HTX Gạch ngói Phú Phong: Đi lên nhờ đa dạng hóa sản phẩm   (07/09/2004)
Nhiều nông dân đã tự sản xuất được giống lúa   (06/09/2004)
Do sửa đập dâng Lại Giang: Hàng trăm ha lúa vụ mùa phải ngừng canh tác   (06/09/2004)
Xuất khẩu - bao giờ mới phát triển bền vững?   (05/09/2004)
Thị trường bảo hiểm học sinh: Sôi động trước năm học mới   (03/09/2004)
An Lão: Để người dân lạc nghiệp   (03/09/2004)
Trên đất khu Đông   (02/09/2004)
Nhịp sống mới ở Hoài Nhơn   (02/09/2004)
Cơ sở chế biến hạt điều Xuân Phong: Góp phần phát triển tiểu thủ công nghiệp An Lão   (01/09/2004)
Những nhịp cầu nối bờ vui  (31/08/2004)