Nhịp sống mới ở làng biển An Quang
16:16', 12/9/ 2004 (GMT+7)

Theo tỉnh lộ 633 đã được trải bê tông nhựa phẳng phiu, về lại thôn An Quang, xã Cát Khánh - Phù Cát vào một ngày đầu tháng 9, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự thay da đổi thịt của làng biển này. Từ một vùng quê biển trầm lặng năm nào, nay đã nhộn nhịp và sầm uất với nhiều dịch vụ phục vụ cho cuộc sống và sản xuất.

Một góc Đề Gi

Sự đi lên của An Quang bắt đầu từ khi cây cầu Ngòi được Nhà nước đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1987, nối tỉnh lộ 633 đến cửa biển Đề Gi, xóa đi tình trạng cách trở đò giang. Rồi năm 2003, con đường này đã được trải nhựa, tạo thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế và sự đi lại của nhân dân. Năm 1997, điện lưới quốc gia được đưa về góp phần đưa làng biển An Quang đi lên. Điện không chỉ phục vụ cho sinh hoạt thắp sáng của 100% hộ dân ở đây, mà đã tạo điều kiện mở ra các ngành nghề TTCN, các dịch vụ phục vụ cuộc sống và nghề khai thác - chế biến thủy hải sản như: đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; mua bán xăng dầu; sản xuất nước đá; chế biến nước mắm... tạo ra nhiều việc làm cho người dân.

Ông Lê Văn Thanh, Trưởng thôn An Quang, cho biết: Toàn thôn có gần 800 hộ, hơn 4.600 nhân khẩu, chủ yếu sống dựa vào biển, với 350 tàu thuyền, trong đó có 143 chiếc có công suất từ 45CV trở lên, chuyên khai thác đánh bắt xa bờ. Hầu hết các tàu thuyền quanh năm phải di chuyển ngư trường, nên lao động chính thường xuyên xa nhà, bám biển khai thác đánh bắt. Ngoài ra, thôn còn có những tàu thuyền nhỏ làm các nghề đánh bắt ven bờ như khai thác tôm hùm giống, cá chua bột, sò huyết, cá mú giống... Ngoài lao động nghề biển, số lao động còn lại làm các dịch vụ phục vụ sản xuất, chế biến thủy hải sản. Nhờ đó, bình quân thu nhập đầu người ở đây đã đạt 3,5 triệu đồng/năm, cuộc sống của người dân An Quang từng bước được cải thiện. Toàn thôn đã có một nửa số hộ đạt mức khá trở lên, trong đó có 2/3 số hộ thu nhập mỗi năm từ 45 triệu đến vài trăm triệu đồng. Tiêu biểu như các hộ: La Bài, Lê Văn Đô, Tạ Ngọc Xuân, Ngô Hồng Thịnh... mỗi hộ có đến vài ba chiếc tàu đánh bắt xa bờ.

Ngành nghề phát triển cuộc sống đi lên, người dân rất phấn khởi. Và càng phấn khởi hơn khi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng bến cá Đề Gi, với tổng nguồn kinh phí đầu tư trên 52 tỉ đồng, nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển nghề biển. Những cơ sở đóng mới tàu thuyền, cùng với những ngôi nhà mới khang trang lần lượt mọc lên, những con đường bê tông nối liền các thôn xóm... đã tạo nên một diện mạo mới cho An Quang.

Từ trong nghèo khó, An Quang đã vươn lên mạnh mẽ. Cuộc sống người dân làng biển được cải thiện, đã có tích lũy và đầu tư cho sản xuất, góp phần xây dựng quê hương. Hầu hết các tàu thuyền đánh bắt xa bờ được trang bị những phương tiện hiện đại, phục vụ cho việc khai thác đánh bắt, với sản lượng hàng năm đạt gần 4.000 tấn. Trên 90% hộ gia đình có phương tiện đi lại và nghe nhìn. Trường học được xây dựng kiên cố, bảo đảm cho gần 1.000 cháu từ mẫu giáo đến tiểu học cắp sách đến trường, không có tình trạng trẻ lang thang, thất học. Đây là cố gắng lớn của một thôn miền biển đối với thế hệ tương lai. Sức khỏe của người dân đã được quan tâm chăm sóc tốt hơn. Đặc biệt, các chính sách xã hội đã được chăm lo chu đáo. An Quang hiện có 2 Anh hùng liệt sĩ, 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 90 liệt sĩ và nhiều đối tượng chính sách khác đã được tạo điều kiện giúp đỡ trong lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Tháng 4-2004, Công ty Bimal đã hỗ trợ hơn 40 triệu đồng xây dựng lại ngôi nhà khang trang cho mẹ Anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo. Bên cạnh đó, thôn còn có 43 hộ nghèo, chiếm 5,1% số hộ, cũng đã được tạo điều kiện giúp đỡ về vốn và kinh nghiệm làm ăn, để từng bước vươn lên.

Tạm biệt An Quang, đứng trên cửa Đề Gi lộng gió nhìn đoàn tàu đánh cá lần lượt ra khơi, để bình minh lên lại mang về đầy ắp cá tôm, tôi thầm nghĩ, trong tương lai không xa, nơi đây sẽ là một thị trấn miền biển đầy sức sống.

. Hoài Trung

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cát Hải: Cây hành vụ hè lên ngôi   (10/09/2004)
Vĩnh Thạnh: Để cây mía "ngọt" hơn   (10/09/2004)
WEBCAM: Cầu nối hội ngộ từ vạn dặm   (09/09/2004)
Hiệu quả ban đầu và những cảnh báo   (09/09/2004)
Sự cố 225 ha dứa Queen không ra quả: Dứa "nữ hoàng" làm khổ nông dân   (08/09/2004)
Vi phạm về đo lường, chất lượng đối với các mặt hàng đóng gói sẵn: Người tiêu dùng thiệt thòi   (08/09/2004)
Con đường di sản miền Trung: Di sản rất tốt nhưng…  (07/09/2004)
HTX Gạch ngói Phú Phong: Đi lên nhờ đa dạng hóa sản phẩm   (07/09/2004)
Nhiều nông dân đã tự sản xuất được giống lúa   (06/09/2004)
Do sửa đập dâng Lại Giang: Hàng trăm ha lúa vụ mùa phải ngừng canh tác   (06/09/2004)
Xuất khẩu - bao giờ mới phát triển bền vững?   (05/09/2004)
Thị trường bảo hiểm học sinh: Sôi động trước năm học mới   (03/09/2004)
An Lão: Để người dân lạc nghiệp   (03/09/2004)
Trên đất khu Đông   (02/09/2004)
Nhịp sống mới ở Hoài Nhơn   (02/09/2004)