Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Bình Định: Cần được giúp đỡ để vươn xa
10:33', 13/9/ 2004 (GMT+7)

Những năm gần đây, một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Bình Định đã tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước nhờ vào những đặc trưng riêng biệt, độc đáo. Tuy nhiên, để phát triển và vươn xa hơn các sản phẩm TCMN đang cần được đầu tư và quan tâm nhiều hơn nữa.

* Phát huy tiềm lực

Sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ xuất khẩu ở cơ sở  anh Phạm Văn Điều

Năm 2003 Ngân hàng Phát triển châu Á đã hỗ trợ cho cơ sở Ngọc Chung ở Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) 80 triệu đồng đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất thảm xơ dừa thay cho sản xuất thủ công trước đây. Sự hỗ trợ này lập tức đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ông Huỳnh Minh Ngọc, chủ cơ sở cho biết: "Nhờ sự hỗ trợ này, cơ sở tôi đã có điều kiện để phát triển sản xuất lớn hơn trước. Mẫu mã và chất lượng sản phẩm được cải tiến, sản phẩm làm ra đã được các công ty xuất khẩu ở thành phố Hồ Chí Minh để mắt tới và đặt hàng mua với số lượng lớn để xuất khẩu". Để đáp ứng nhu cầu này, ngoài năng lực sản xuất của mình, cơ sở còn liên kết sản xuất với 300 hộ dân ở địa phương, thu gom để giao cho khách hàng. Nhờ đó, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy dệt cải tiến như cơ sở Ngọc Chung, nên sản lượng làm ra tăng cao hơn. 

Sản phẩm thảm xơ dừa xuất khẩu của cơ sở Ngọc Chung ở Tam Quan (Hoài Nhơn)

Các mặt hàng gỗ mỹ nghệ gần đây cũng phát triển khá mạnh, đặc biệt là làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (An Nhơn). Hiện nay làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu có 77 cơ sở, thu hút 500 lao động có tay nghề tinh xảo. Số lượng sản xuất lên đến hàng triệu sản phẩm mỗi năm, và đã xuất khẩu được sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Ông Phạm Văn Điều, chủ cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ ở đây, cho biết: "Hiện nay sản phẩm cơ sở tôi làm ra đều được tiêu thụ hết. Khách hàng đánh giá rất cao về chất lượng và yếu tố mỹ thuật của sản phẩm nhờ vào việc sản xuất thủ công truyền thống". Mặt hàng khảm xà cừ Cẩm Văn (Nhơn Hưng - An Nhơn) cũng đang từng bước khẳng định uy tín, sản phẩm rất được khách hàng trong và ngoài tỉnh tín nhiệm.

* Ai sẽ giúp hàng TCMN đi xa?

Bình Định là địa phương tập trung khá nhiều làng nghề TCMN truyền thống, tay nghề của nghệ nhân khá cao, nhiều sản phẩm độc đáo như đá mỹ nghệ, song mây. Nhưng trừ một vài cơ sở "ăn nên làm ra", phần còn lại hoạt động rất chật vật. Tay nghề tốt, sản phẩm có chất lượng cao nhưng do thiếu đầu tư về xúc tiến thương mại, cải tiến công nghệ nên những ví dụ như trường hợp cơ sở Ngọc Chung rất hiếm hoi.

Hiện Bình Định có 34 làng nghề và gần 50 cơ sở chuyên sản xuất các mặt hàng TCMN. Trong đó, có 3 nhóm hàng TCMN có tốc độ phát triển mạnh và có chỗ đứng trên thị trường là mặt hàng gỗ mỹ nghệ, thảm xơ dừa và cẩn xà cừ.

Hàng TCMN có thị trường tiêu thụ quốc tế khá ổn định và trong mấy năm qua có đà tăng trưởng rất khả quan. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành hàng này ở Hà Tây, Bến Tre, Cần Thơ đã tận dụng cơ hội này để phát triển rất tốt. Trong khi đó ở Bình Định các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN vẫn chưa thoát được những khó khăn cố hữu. Chẳng hạn, đối với mặt hàng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, nguồn nguyên liệu chính là các loại gỗ nhóm 1, đang khan hiếm trầm trọng vì bị cấm khai thác. Để có nguyên liệu sản xuất, các cơ sở phải lén lút mua gỗ trôi nổi trên thị trường, nên việc tổ chức sản xuất không được ổn định. Trong khi đó, các ngành chức năng chưa có sự hỗ trợ nào cho làng nghề trong việc nghiên cứu tìm nguyên liệu khác thay thế. Ngoài ra, tuy một số mặt hàng TCMN của Bình Định đã xuất khẩu được sang các nước nhưng phần lớn đều xuất qua ủy thác, dễ bị ép giá nên không có lãi nhiều... Một vấn đề quan trọng nữa làm kìm hãm sự phát triển của ngành TCMN Bình Định, đó là sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư cải tiến mẫu mã. Không chỉ vậy, các cơ sở sản xuất mặt hàng TCMN của Bình Định phần lớn các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, sản xuất còn manh mún, thiết bị công nghệ lạc hậu, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, tính chuyên nghiệp của người lao động chưa cao...

Trước những khó khăn như vậy, để ngành TCMN phát triển, các sản phẩm TCMN của tỉnh vươn xa hơn nữa, theo chúng tôi các ngành chức năng cần phải thật sự quan tâm đối với ngành này. Trước hết, cần tập trung quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, tăng cường cung cấp thông tin thị trường ngoài nước cho các cơ sở. Bên cạnh đó, cần khuyến khích công tác thiết kế, nâng cao chất lượng sản phẩm một cách thường xuyên. Xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm gắn với nguồn nguyên liệu và thị trường. Hỗ trợ về vốn, mặt bằng, công nghệ cho các đơn vị… Ai sẽ giúp các làng nghề, các thợ thủ công nếu UBND các huyện, các phòng kinh tế kế hoạch, phòng NN-PTNT… không quan tâm giúp họ tìm lối ra?                    

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhịp sống mới ở làng biển An Quang  (12/09/2004)
Cát Hải: Cây hành vụ hè lên ngôi   (10/09/2004)
Vĩnh Thạnh: Để cây mía "ngọt" hơn   (10/09/2004)
WEBCAM: Cầu nối hội ngộ từ vạn dặm   (09/09/2004)
Hiệu quả ban đầu và những cảnh báo   (09/09/2004)
Sự cố 225 ha dứa Queen không ra quả: Dứa "nữ hoàng" làm khổ nông dân   (08/09/2004)
Vi phạm về đo lường, chất lượng đối với các mặt hàng đóng gói sẵn: Người tiêu dùng thiệt thòi   (08/09/2004)
Con đường di sản miền Trung: Di sản rất tốt nhưng…  (07/09/2004)
HTX Gạch ngói Phú Phong: Đi lên nhờ đa dạng hóa sản phẩm   (07/09/2004)
Nhiều nông dân đã tự sản xuất được giống lúa   (06/09/2004)
Do sửa đập dâng Lại Giang: Hàng trăm ha lúa vụ mùa phải ngừng canh tác   (06/09/2004)
Xuất khẩu - bao giờ mới phát triển bền vững?   (05/09/2004)
Thị trường bảo hiểm học sinh: Sôi động trước năm học mới   (03/09/2004)
An Lão: Để người dân lạc nghiệp   (03/09/2004)
Trên đất khu Đông   (02/09/2004)