Khoảng 4 năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa đã đem lại nhiều thay đổi tích cực cho bộ mặt và cả nền kinh tế của xã Nhơn Hòa - An Nhơn. Theo thống kê của xã, hiện tại các hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại chiếm tỉ trọng 17,3%; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm tỉ trọng 41% trong cơ cấu kinh tế của xã, bình quân mỗi năm tăng 14%.
|
Phân xưởng đúc kim loại của chi nhánh Công ty TNHH Hải Yến (Nhơn Hòa - An Nhơn) |
Ông Lê Quang Thinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa cho biết: "Nhờ kinh tế phát triển, nên những năm gần đây đời sống người dân Nhơn Hòa đã có sự thay đổi rõ rệt. Toàn xã hiện có hơn 50% hộ có thu nhập từ phi nông nghiệp. Mức thu nhập bình quân đạt gần 4,8 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2000, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,4%".
Chị Mai Thị Hoa - chủ cơ sở kinh doanh ăn uống ở Nhơn Hòa cho biết: "Mấy năm trước, quán của tôi thưa thớt khách, nhưng nay nhờ có lực lượng công nhân ở khu công nghiệp đông nên việc buôn bán của gia đình cũng thuận lợi hơn trước nhiều". Ông Hồ Thanh - một nông dân Nhơn Hòa, có con đang làm ở một doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn nhận xét: "Nói thật, bây giờ ở địa phương nhà nào cũng có vài đứa con làm ở các nhà máy, xí nghiệp thì coi như khỏe, chẳng sợ túng thiếu gì nữa….". Cũng theo ông Thanh, một hộ có 1 người làm công nhân với mức thu nhập bình quân 500.000 đ/tháng tính ra cao hơn mức thu nhập nếu làm nông nghiệp. Cũng chính vì lẽ đó mà hầu hết thanh niên ở 9 thôn của Nhơn Hòa đều đi vào các nhà máy, xí nghiệp. Đặc biệt là ở 3 thôn An Lộc, Nghiễm Hòa và Tân Hòa, do ở gần khu công nghiệp nên lực lượng thanh niên vào nhà máy rất nhiều, nông nghiệp ở các thôn này gần như là nghề phụ.
Điều đáng nói là phần lớn những công nhân này khi bước vào nhà máy đều chưa qua lớp đào tạo nghề nào cả. Để được tuyển dụng vào nhà máy, họ học nghề từ những người đi trước, có người thì vừa học vừa làm, rồi tay nghề cũng dần được nâng cao. Cũng có nhiều người có tay nghề khá, được làm quản lý kỹ thuật với mức lương không dưới 2 triệu đồng/tháng. Chẳng hạn như anh Lê Văn Mười ở thôn Tân Hòa, trước đây anh vốn dĩ là một thợ mộc, rồi khi khu công nghiệp hình thành, anh vào làm cho Xí nghiệp lâm nghiệp chế biến xuất khẩu Nhơn Hòa. Nhờ có năng khiếu nên một thời gian sau anh trở thành người chuyên thiết kế mẫu với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Khó khăn trong việc chuyển từ nghề nông sang làm công nghiệp không phải là ít, nhưng cũng được khắc phục dần. Tuy nhiên do công việc mang tính thời vụ, tùy theo kế hoạch sản xuất của cơ sở, nên có thời điểm phải làm cả 3 ca, làm "đầu tắt mặt tối", nhưng cũng có lúc phải nghỉ một thời gian ở nhà cùng vợ làm nông là chuyện thường. Bên cạnh đó, chuyện giờ giấc công nghiệp cũng còn khá xa lạ với những nông dân còn "chân lấm tay bùn" này. Chính vì thế nên có một số doanh nghiệp đã tuyển công nhân vào những việc lao động phổ thông, khoán theo sản phẩm, không yêu cầu kỹ thuật công nghiệp cao. Ở Nhơn Hòa, thu hút đông đảo công nhân nhất là các cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu. Số lượng công nhân nữ làm gỗ rất đông, chủ yếu tập trung vào khâu đánh bóng, sấy gỗ, làm nguội và trang trí… thu nhập bình quân 600.000-700.000 đồng/người/tháng.
Trong tương lai ở Nhơn Hòa sẽ hình thành cụm công nghiệp hành lang đường 19 nên sẽ còn có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp được hình thành hơn nữa. Đây cũng là cơ hội tốt để nông dân địa phương, nhất là thanh niên nông dân, trở thành công nhân của các nhà máy, xí nghiệp này. Tuy nhiên, điều nông dân Nhơn Hòa mong nhất là được đào tạo nghề ngay từ đầu, để có thể tự tin hơn trong công việc, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, công việc ổn định hơn.
. Thu Hiền |