Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Những kết quả khả quan
14:31', 15/9/ 2004 (GMT+7)

Tháng 7-1996, Công ty cổ phần cơ khí tàu thuyền Quy Nhơn (CKTTQN) chính thức được thành lập. Đây là một trong 10 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu tiên của cả nước tiến hành thí điểm cổ phần hóa (CPH) và là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bình Định thực hiện CPH. Kể từ đó đến nay, Bình Định đã có 24 DNNN tiến hành CPH.

* Từ một khởi đầu khó khăn

Công nhân Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn đóng tàu cá đánh bắt xa bờ

Năm 1993, ngay sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị số 202, Bình Định đã sớm thực hiện thí điểm việc sắp xếp, CPH DNNN. Đơn vị đầu tiên được chọn thí điểm CPH là Xí nghiệp CKTTQN. Đây là đơn vị gặp nhiều khó khăn trong quản lý, kinh doanh; bế tắc về tài chính; thậm chí có nguy cơ phải giải thể. Vì vậy, việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định cho phép Xí nghiệp CKTTQN tiến hành CPH có thể coi là bước đột phá táo bạo.

Tháng 7-1996, Công ty cổ phần CKTTQN ra đời, nhưng những ràng buộc của "cơ chế cũ", con người cũ, cách làm cũ… vẫn đeo đẳng, kìm hãm sự phát triển của Công ty. Những khó khăn, vướng mắc của Công ty cổ phần CKTTQN cũng chính là những khó khăn, vướng mắc trong công tác CPH DNNN ở Bình Định. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ, quán triệt tư tưởng về vấn đề CPH DNNN. Đồng thời, thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để người lao động hiểu rõ và ủng hộ chủ trương CPH của Đảng và Nhà nước; làm cho họ thấy rõ quyền lợi thiết thực của họ khi đơn vị tiến hành CPH.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các thủ tục chuyển đổi, CPH DNNN cũng được rút ngắn, tạo nhiều thuận lợi. Nhờ đó, sau nhiều bước củng cố, Công ty cổ phần CKTTQN ngày một phát triển đi lên. Vốn điều lệ của công ty ban đầu chỉ hơn 1 tỉ đồng, đến năm 2003 tăng lên trên 6,5 tỉ đồng. Tính đến tháng 9 năm 2004, doanh thu của Công ty đã lên gần 33,6 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 330 triệu đồng.

* Đến những kết quả khả quan

Từ năm 1998 đến năm 2002 Bình Định có thêm 18 DNNN được CPH. Bước sang năm 2003, công tác CPH DNNN ở Bình Định tiếp tục phát triển, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 106 về việc "Phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các DNNN giai đoạn 2003-2005". Theo kế hoạch, năm 2003, Bình Định sẽ có 2 DN tiến hành CPH. Thế nhưng, nhờ "đi trước, đón đầu", trong năm 2003, Bình Định đã tiến hành CPH được 5 DN.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 24 DNNN tiến hành CPH và là một trong những tỉnh dẫn đầu về công tác CPH DNNN. Trong số này có 4 đơn vị thuộc ngành Thủy sản, 4 đơn vị thuộc ngành Công nghiệp, 5 đơn vị thuộc ngành Xây dựng, 4 đơn vị thuộc ngành Giao thông - Vận tải, 2 đơn vị thuộc ngành Thương mại - Du lịch, 3 đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp… Theo kế hoạch, trong năm 2004 này, Bình Định sẽ tiếp tục CPH thêm 5 DN.

Thành công của công tác sắp xếp, CPH DNNN ở Bình Định không chỉ qua con số 24 đơn vị, mà còn thể hiện qua kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty. Nhìn chung, các DN chuyển sang CPH đã có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Phần lớn các đơn vị đã thực hiện tốt việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, phục vụ sản xuất, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện được chỉ tiêu cổ tức mà Đại hội cổ đông đã đề ra. Theo thống kê của ngành chức năng, từ sau khi CPH, hầu hết các vấn đề như: vốn, tổng doanh thu, lợi nhuận, cổ tức, thu nhập bình quân của người lao động ở nhiều công ty đều có bước tăng trưởng khả quan. Tổng doanh thu của 24 DN cổ phần hóa, trong năm 2003 ước đạt trên 1.002 tỉ đồng, tăng trên 31% so với năm 2002 và thu nhập của người lao động đạt trên 800.000 đồng/người/tháng, tăng trên 4,6% so với năm 2002. Tính đến tháng 9 năm 2004, tổng doanh thu của 24 đơn vị nói trên ước đạt trên 930 tỉ đồng, lợi nhuận ước đạt trên 38,3 tỉ đồng.

Ông Lê Trung Hậu, Trưởng phòng Tài chính Doanh nghiệp - Sở Tài chính, nhận xét: Thành công của công tác CPH các DNNN ở Bình Định không chỉ là vấn đề thay đổi phương thức quản lý sản xuất kinh doanh; nâng cao cung cách quản lý; tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh có hiệu quả, cổ tức ngày càng cao; mà quan trọng hơn, quyền làm chủ của người lao động thực sự được coi trọng. Qua đó, công sức, tiếng nói của người lao động và tinh thần công khai, dân chủ cũng được phát huy.

Theo tổng hợp của ngành chức năng, ngoài 5 đơn vị đang tiến hành CPH trong năm 2004, toàn tỉnh hiện chỉ còn lại 26 DNNN (không tính 3 DN thuộc khối Đảng). Với những thành công khả quan nói trên, chắc chắn rằng công tác CPH các DNNN ở Bình Định sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả mỹ mãn hơn.

. Viết Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khi nhà máy ở gần nông dân   (15/09/2004)
Từ tay trắng trở thành tỉ phú  (14/09/2004)
Dự án cầu Diêu Trì: Vì sao lỗi hẹn?  (14/09/2004)
Nuôi dê, cừu cho thu nhập cao  (13/09/2004)
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Bình Định: Cần được giúp đỡ để vươn xa  (13/09/2004)
Nhịp sống mới ở làng biển An Quang  (12/09/2004)
Cát Hải: Cây hành vụ hè lên ngôi   (10/09/2004)
Vĩnh Thạnh: Để cây mía "ngọt" hơn   (10/09/2004)
WEBCAM: Cầu nối hội ngộ từ vạn dặm   (09/09/2004)
Hiệu quả ban đầu và những cảnh báo   (09/09/2004)
Sự cố 225 ha dứa Queen không ra quả: Dứa "nữ hoàng" làm khổ nông dân   (08/09/2004)
Vi phạm về đo lường, chất lượng đối với các mặt hàng đóng gói sẵn: Người tiêu dùng thiệt thòi   (08/09/2004)
Con đường di sản miền Trung: Di sản rất tốt nhưng…  (07/09/2004)
HTX Gạch ngói Phú Phong: Đi lên nhờ đa dạng hóa sản phẩm   (07/09/2004)
Nhiều nông dân đã tự sản xuất được giống lúa   (06/09/2004)