Tiêu điều rừng dương Cát Chánh
10:15', 16/9/ 2004 (GMT+7)

Thời gian gần đây, rừng dương xã Cát Chánh (Phù Cát) đang ngày đêm bị bọn lâm tặc tàn phá. Những cánh rừng dương có chức năng phòng hộ, chắn cát bay cho hàng trăm ha đất canh tác của địa phương này đang đứng trước nguy cơ bị biến mất...

* Rừng dương kêu cứu

Những gốc dương tại rừng phòng hộ Cát Chánh bị lâm tặc cưa trụi

Xã Cát Chánh hiện có 350 ha rừng dương nằm dọc theo khu vực ven biển, phần lớn thuộc địa bàn thôn Phú Hậu. Diện tích rừng này được trồng từ trước năm 1975 cho đến sau này, có vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng hộ, chắn cát bay, ngăn chặn sự xâm thực của biển, bảo vệ hàng trăm ha đất canh tác của địa phương.

Do các rừng dương nằm tiếp giáp gần với các khu vực dân cư, có "đường thông ngõ tắt" với nhiều địa phương khác, nên tình trạng lén lút chặt phá rừng dương trái phép thường xuyên xảy ra, mức độ tàn phá rừng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Ông Võ Thành Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, cho biết: "Lâm tặc không chỉ đơn thuần đi đơn lẻ để chặt phá rừng dương, mà tổ chức thành từng nhóm ngang nhiên vào rừng chặt phá, sẵn sàng hăm dọa hoặc chống lại lực lượng bảo vệ. Chúng tôi giữ rừng 24 giờ một ngày, nhưng chỉ cần một giờ chúng tôi sơ hở là đủ thời gian để chúng ra tay!".

Được biết, rừng dương xã Cát Chánh đã được Ban Quản lý rừng phòng hộ Phù Cát giao cho 7 hộ quản lý, bảo vệ, bình quân mỗi hộ được giao từ 30 - 50 ha. Theo chân ông Huỳnh Trung Nghĩa - chủ rừng, quản lý hơn 30 ha rừng dương của xã Cát Chánh, chúng tôi đến tiểu khu 281. Chỉ trong khoảng diện tích rộng chưa đầy vài chục m2 đã có đến hơn 10 cây dương bị đốn hạ, chỉ còn trơ lại gốc. Nhiều chỗ trong khu vực này hầu như chỉ còn lại bãi cát trắng. Ông Nghĩa cho biết: "Mỗi ngày trung bình khu rừng này có khoảng vài chục cây dương bị đốn hạ để làm củi và đốt than. Có ngày có tới hàng trăm cây dương bị đốn hạ!". Theo thống kê của UBND xã Cát Chánh, hiện nay tỉ lệ diện tích rừng dương bị chặt phá chiếm khoảng 4%. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, số diện tích rừng dương bị chặt phá cao hơn rất nhiều.

Vụ phá rừng mới đây nhất được phát hiện vào lúc 2 giờ sáng ngày 6-9-2004 tại khu vực rừng thuộc tiểu khu 281 b, lô G, địa bàn thôn Phú Hậu. Sau nhiều đêm mật phục, đoàn công tác quản lý, bảo vệ rừng của xã Cát Chánh đã bắt quả tang hai lâm tặc là Võ Đại Long và Hàn Văn Lân cùng trú tại thôn Phú Hậu đang khai thác gỗ dương trái phép. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 12 cây dương bị triệt hạ, đường kính 10 cm, dài 6 m. Cũng buổi trưa cùng ngày, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện tại nhà hai đối tượng này đang chứa 220 kg than hầm từ cây dương và hơn 1,5 ster gỗ dương đang cất giấu chưa kịp tiêu thụ.

* Ai phá rừng?

Gỗ và than được thu giữ tại UBND xã Cát Chánh (Phù Cát)

Theo báo cáo của UBND xã Cát Chánh, qua hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, các lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện 17 trường hợp vi phạm Luật quản lý, bảo vệ rừng, thu 9,7 ster củi dương, 180 kg than hầm, xử phạt hành chính 7 trường hợp… Tuy nhiên, qua tìm hiểu ở các chủ rừng và lực lượng chức năng, chúng tôi được biết, những vụ việc mà lực lượng chức năng phát hiện được thời gian qua mới chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm của nạn chặt phá gỗ trái phép ở khu vực này. Bọn lâm tặc ở đây ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để vào rừng khai thác, chặt phá gỗ rừng trái phép. Nếu như trước đây, bọn chúng thường tổ chức chặt gỗ và đốt than ngay tại rừng, thì bây giờ chúng tiến hành chặt gỗ vào khoảng nửa đêm đến sáng. Gỗ sau khi đốn hạ được chặt thành từng đoạn ngắn đưa về nhà cất giấu. Việc đốt than cũng được tính toán kỹ để qua mắt lực lượng chức năng, thời gian để đốt than được thực hiện vào khoảng 8-9 giờ tối đến 5-6 giờ sáng ngày hôm sau. Sau đó, than được vận chuyển đi tiêu thụ lúc tờ mờ sáng, tất cả mọi việc đều thực hiện vào lúc ban đêm.

Theo ông Võ Thành Hải, hiện nay trên địa bàn thôn Phú Hậu hiện có khoảng 20 "lâm tặc" thứ thiệt. Số đối tượng này không phải là thành phần nghèo khổ mà là những gia đình có cuộc sống tương đối khá giả. Họ chặt phá rừng không phải để kiếm gạo mà là để mua xe máy, sắm sửa tiện nghi đắt tiền. Thời gian mà rừng bị tàn phá nặng nề nhất là vào thời điểm nông nhàn. Trong khi một ngày công lao động ở địa phương chỉ khoảng trên dưới 20.000 đồng, nếu vào rừng chặt khoảng 3 cây dương thì kiếm được trên 100.000 đồng/ngày, nên họ bất chấp pháp luật. Có trường hợp, ngày hôm trước bị lực lượng chức năng bắt quả tang phá rừng, nộp phạt hành chính, ngay ngày hôm sau bọn chúng lại tăng công suất chặt phá lên gấp đôi để "gỡ" tiền nộp phạt. Ông Nguyễn Đức Thính, thôn trưởng thôn Phú Hậu, cho biết: "Mới đây, trong một lần đi tuần tra, tôi phát hiện một nhóm lâm tặc khoảng 10 người đang chặt phá rừng dương. Nhưng phát hiện cũng không làm gì được vì bọn chúng quá đông còn mình chỉ có một, đành phải để chúng thoát!".

* Cần có biện pháp mạnh

Có thể nói rằng, tình trạng chặt phá rừng dương ở xã Cát Chánh đang ngày càng diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp kiên quyết để ngăn chặn thì trong tương lai không xa nữa, rừng dương ở đây có khả năng bị xóa sổ. Ông Ngô Thanh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phù Cát cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng phòng hộ ven biển Cát Chánh ngày càng bị thu hẹp là do chính quyền địa phương và các ngành chức năng chưa thật sự mạnh tay trong việc xử lý. Nhiều lần truy bắt được các đối tượng phá rừng nhưng chỉ xử phạt hành chính rồi thả nên không có biện pháp răn đe".

Rừng phòng hộ ven biển xã Cát Chánh có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ cuộc sống của hàng ngàn người dân và hàng trăm ha đất sản xuất, nếu một ngày nào đó rừng dương ở đây không còn thì không biết cuộc sống của người dân sẽ ra sao?

. Nguyễn Hân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Những kết quả khả quan  (15/09/2004)
Khi nhà máy ở gần nông dân   (15/09/2004)
Từ tay trắng trở thành tỉ phú  (14/09/2004)
Dự án cầu Diêu Trì: Vì sao lỗi hẹn?  (14/09/2004)
Nuôi dê, cừu cho thu nhập cao  (13/09/2004)
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Bình Định: Cần được giúp đỡ để vươn xa  (13/09/2004)
Nhịp sống mới ở làng biển An Quang  (12/09/2004)
Cát Hải: Cây hành vụ hè lên ngôi   (10/09/2004)
Vĩnh Thạnh: Để cây mía "ngọt" hơn   (10/09/2004)
WEBCAM: Cầu nối hội ngộ từ vạn dặm   (09/09/2004)
Hiệu quả ban đầu và những cảnh báo   (09/09/2004)
Sự cố 225 ha dứa Queen không ra quả: Dứa "nữ hoàng" làm khổ nông dân   (08/09/2004)
Vi phạm về đo lường, chất lượng đối với các mặt hàng đóng gói sẵn: Người tiêu dùng thiệt thòi   (08/09/2004)
Con đường di sản miền Trung: Di sản rất tốt nhưng…  (07/09/2004)
HTX Gạch ngói Phú Phong: Đi lên nhờ đa dạng hóa sản phẩm   (07/09/2004)