Công ty Khai thác các công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và khai thác 8 hồ chứa nước với tổng dung tích 202 triệu m3, tương đương 2/3 tổng lượng nước của các hồ chứa hiện có trong tỉnh; cùng 24 đập dâng trên sông, trên 500 km kênh mương và hàng trăm công trình trên kênh phục vụ cho 54.000 ha cây trồng, trong đó chủ yếu là cây lúa.
Do được xây dựng từ những năm 1976-1985, lúc đó điều kiện kỹ thuật và các thiết bị xây dựng thủy lợi còn thô sơ, nhiều hạng mục thi công bằng thủ công, nên đến nay nhiều công trình đã xuống cấp nặng… Những năm qua, mặc dù được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, một số công trình lớn đã được nâng cấp, sửa chữa nhưng do kinh phí còn hạn hẹp, nên việc gia cố, tu sửa chưa triệt để. Hư hỏng phổ biến hiện nay ở các hồ, đập là: nước thấm qua đập đất, thấm qua mang cống, xói lở mái hạ lưu…, khi mưa lũ lớn sẽ gây áp lực nặng nề đối với đập đất và tràn xả lũ.
|
Đập Lại Giang (Hoài Nhơn) đang được khẩn trương sửa chữa, nâng cấp |
Để bảo vệ an toàn cho các công trình trong mùa mưa lũ năm nay, ngay từ mùa hè, công ty đã tiến hành kiểm tra và xây dựng phương án phòng chống bão lụt phù hợp với tình hình thực tế cho từng công trình. Đến nay, công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương - nơi có công trình thủy lợi - thành lập Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt cho các hồ chứa nước và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban; đã chuẩn bị vật tư, phương tiện đưa về từng công trình xung yếu để khi có sự cố xảy ra sẽ xử lý kịp thời. Mỗi hồ chứa nước hiện đã chuẩn bị từ 2.000 đến 5.000 bao đựng cát; 200 rọ, đá 40 đến 60 khối cát, sạn; 60 đến 70 khối đá hộc. Công ty cũng đã liên hệ mua bạch đàn ở khu vực lân cận hồ chứa cho mỗi công trình từ 1.000 đến 2.000 cây để làm sầm, và khi nào cần sử dụng mới chặt hạ nhằm tránh tổn phí, hao hụt.
Đối với các công trình lớn như hồ Núi Một, Hội Sơn, Thuận Ninh, khi các hồ chứa đạt mực nước dâng bình thường, lực lượng phòng chống bão lụt phải có mặt tại công trình 24/24 giờ. Khi mực nước trong hồ đến mức báo động 3, lực lượng địa phương phải trực thường xuyên. Các phương án cũng đã tính toán cụ thể lưu lượng xả lũ của từng hồ. Chẳng hạn, khi nước vừa qua tràn thì bắt đầu xả lũ ở cống lấy nước; khi có dự báo mưa ở vùng đầu nguồn từ 200 đến 300 mm sẽ xả lũ ở mức tối đa…
Ông Trần Châu - Giám đốc Công ty KTCTTL - cho biết: Công ty sẽ làm hết sức mình nhằm đảm bảo các hồ chứa nước được an toàn trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, sự cố gắng đó chỉ mang tính chất đối phó. Nếu muốn chủ động ứng phó với mưa lũ một cách có hiệu quả thì cần phải có giải pháp xây dựng thêm công trình để cắt lũcũng như kiên cố hóa các hồ chứa hiện có để đủ khả năng đương đầu với mưa lũ. Chẳng hạn như hồ Núi Một, với dung tích 110 triệu m3 nhưng chỉ có một tràn xả lũ chính. Giả sử như hồ đã đầy nước, ở đầu nguồn công trình có một đợt mưa từ 500 đến 700 mm trong suốt 2 ngày đêm, thì chẳng biết việc gì sẽ xảy ra với đập đất của hồ chứa. Điều này chỉ ở tần suất 1-2% nhưng không có nghĩa là không xảy ra.
Muốn khống chế lũ bằng biện pháp công trình hoặc xây dựng thêm tràn phụ ở hồ Núi Một thì cần nguồn vốn quá lớn mà điều kiện kinh tế chúng ta chưa cho phép. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho các công trình trong hoàn cảnh còn khó khăn về nguồn vốn? Câu trả lời xin dành cho các nhà chuyên môn.
. Nguyễn Văn |