Hiện nay, nông dân Bình Định đang tìm đến cây ngô lai như tìm một khả năng làm giàu. Nhiều người đã không ngại tốn kém để thuê đất trồng ngô. Nhiều cây trồng được coi là có hiệu quả kinh tế cao nhất đã bắt đầu thấy "sợ" cây ngô - một đối thủ cạnh tranh đầy tiềm năng.
Trong khi nhiều loại cây trồng khác như bông vải, dâu tằm, mía mỗi năm cứ "rơi rụng" dần diện tích thì ngược lại ở Bình Định, cây ngô lai cứ lặng lẽ tăng đến kỳ lạ. Lấy một con số để so sánh: Nếu như năm 2000 diện tích ngô toàn tỉnh chỉ 2.480 ha thì đến cuối năm 2003 diện tích ngô của tỉnh đã "leo" tới 5.878 ha, tăng gấp 2 lần (trong khi kế hoạch đến 2005 của tỉnh xây dựng chỉ 6.000 ha). Không những tăng về diện tích mà cả về năng suất nhờ có tới 93% các giống ngô lai cao sản: DK, Pacipic, BioSeed, LVN 10… đang chiếm lĩnh. Theo đó, sản lượng ngô từ 9.485 tấn (2000) tăng lên 20.926 tấn, tức 2,2 lần.
Ưu thế khiến cho cây ngô lai tăng vọt, theo sự phân tích của ông Nguyễn Văn Thưởng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, là ngô lai không kén đất như các loại cây trồng khác. Thực tế cho thấy ở Bình Định, thời gian qua nông dân đã trồng ngô lai được trên đất 1 vụ, 2 vụ, thậm chí trên chân 3 vụ lúa/năm; trên đất cát pha, đất thịt nhẹ, thịt trung bình, sét nhẹ... Đặc biệt, ngô lai có thể bố trí trồng nhiều vụ trong năm theo các phương thức trồng thuần, xen canh, luân canh ở nhiều địa hình khác nhau. Và sự có mặt của ngô lai bao giờ cũng chứng tỏ được ưu thế về hiệu quả kinh tế so với các loại cây màu khác.
Cùng với ưu thế "dễ tính", sự thành công của chương trình ngô lai còn thể nhìn thấy từ sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp, thông qua chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Ông Thưởng nhớ lại: Năm 2002, Bình Định nắng hạn gay gắt, sự ra đời kịp thời Quyết định 16 của UBND tỉnh (khuyến khích chuyển mạnh diện tích trồng lúa sang trồng cây trồng cạn, trong đó có cây ngô, đi kèm là chính sách ưu đãi về giống, thuế, thủy lợi phí…) ngay trong năm đó đã khiến diện tích ngô trồng mới của toàn tỉnh đã tăng lên xấp xỉ 3.000 ha. Đến nay nông dân trong tỉnh đều đã nằm lòng phép tính: Trồng 1 sào ngô lai thuần đạt tối thiểu 300 kg (nhân với giá hiện nay 2.300 đồng/kg) tương đương với 690.000 đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 470.000 đồng/vụ. Trong khi đó cũng trên chân đất này làm lúa tốt nhất cũng chỉ đạt 200 kg/sào (nhân với giá 2.100 đồng/kg) tương đương 420.000 đồng, trừ chi phí chỉ còn 235.000 đồng/sào/vụ. Ấy là giá lúa đang lên, những năm giá lúa xuống thấp thì người trồng lúa chỉ có lấy công làm lời. Từ sự so sánh này, không cần phải ai khuyến cáo, không cần phải hỗ trợ, nông dân đã nới lúa và níu dần cây ngô như một chỗ dựa tin cậy hơn trên bước đường lấy đồng ruộng xóa đói giảm nghèo. Còn nếu trồng xen với bông vải, đậu, ớt v.v.. giá trị thu nhập sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần/năm…
Hiện tại cây ngô lai đã lên "ngôi", còn trong vài năm tới, theo quan sát của chúng tôi, ngô lai có nhiều tiềm năng để khẳng định vị trí của mình. Bình Định đã chính thức tuyên bố "loại trừ" cây bông vải ra khỏi cơ cấu cây trồng chủ lực được hưởng chính sách ưu đãi của địa phương - một cây trồng xen đáng gờm của cây ngô trước đây, kể từ vụ đông xuân tới. Ngoài những ưu thế kể trên, đối thủ "ít tiếng" này còn có những lợi thế so với cây bông: Thời gian sinh trưởng tối đa 110 ngày, trong khi bông vải cần 150 ngày; chiếm thời gian ít nên khả năng tăng vụ sản xuất trong 1 năm của ngô cao hơn; dễ xen canh gối vụ hơn bông. Đặc biệt, ngô ít cần thâm canh, kỹ thuật canh tác đơn giản nên chi phí sản xuất không lớn, phù hợp với điều kiện của đa số nông dân. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là đầu ra: Mặc dù không có ai bảo đảm đầu ra nhưng thị trường tiêu thụ của ngô lai vô cùng ổn định, giá ngô thương phẩm ít bấp bênh, biến động tăng là chủ yếu.
. Minh Trung |