Hệ thống đê khu Đông: Những công trình vượt lũ
10:11', 20/9/ 2004 (GMT+7)

Đê Khu Đông là tuyến đê xung yếu của tỉnh, chạy dài trên 50km từ thành phố Quy Nhơn qua Tuy Phước, đến Phù Cát. Năm nào cũng vậy, công tác bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão cho tuyến đê này luôn được quan tâm. Hiện nay, các công trình tu bổ, sửa chữa đê Đông đang được đẩy mạnh nhằm kịp thời hoàn thành trước mùa mưa bão.

* Chạy đua với thời gian

      Thi công tràn Bạn Dừa

Ông Nguyễn Đình Chi - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều (PCLB-QLĐĐ) - cho biết: "Những năm qua, tỉnh và Trung ương đầu tư vào đê Đông tương đối lớn. Trong tổng chiều dài trên 50km của hệ thống đê này, có khoảng 30km tuy chưa có thể nói là hoàn chỉnh, song cũng tạm yên tâm. 20km còn lại có nhiều đoạn hư hỏng, sạt lở, nằm rải rác trên toàn tuyến, đang được tu bổ, nâng cấp để có thể vượt lũ chính vụ". Trong những ngày này, trên suốt chiều dài của hệ thống đê, ở nhiều công trình trọng điểm trên đê, nơi nào cũng đang tấp nập không khí lao động khẩn trương. Các B thi công đều phấn đấu đẩy mạnh tiến độ, chạy đua với thời gian để đảm bảo hoàn thành công trình trước 15-10.

Chương trình khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2003 có kinh phí 1,2 tỉ đồng, tập trung cho 2 công trình lớn là sửa chữa tràn Lộc Thượng (Phước Sơn) và nâng cấp đê nam Bảo An (Phước Hòa - Phước Sơn). Các công trình tu bổ đê điều năm 2004 có kinh phí dự toán 4,2 tỉ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 2 tỉ đồng, để tu bổ các đoạn đê Tân Giản - Gò Bồi; Cái Sơn - Lộc Thượng; đê Công Xi và đê Vinh Quang… hầu hết đều nằm trên địa bàn huyện Tuy Phước; và sửa chữa nhỏ toàn tuyến. Tất cả các công trình nói trên đều được khởi công từ đầu tháng 7-2004.

Ở công trình tu bổ đê Tân Giản - Gò Bồi (dài 424 mét, kinh phí 410 triệu đồng), mặc dù mặt bằng thi công ở ngay bến sông, một bên là chợ, hàng ngày số lượng ghe thuyền, người và xe qua lại rất lớn, gây khó khăn, nhưng 4 đội thi công với trên 60 công nhân của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tuấn Đạt (Quy Nhơn) đã tập trung hoàn thành gần 90% khối lượng công việc. Các hạng mục dưới sâu như xếp đá chân kè, xây chân khay… đều đã xong, hiện đang lát mái ta-luy. Theo ông Nguyễn Thành Phụng - phụ trách kỹ thuật của công ty, nếu như mấy ngày qua không mưa to thì tiến độ còn nhanh hơn nữa. Dự kiến đến 30-9, công trình sẽ cơ bản hoàn thành. Công trình nâng cấp đê nam Bảo An; gia cố hố móng, xây mái hạ lưu tràn Bạn Dừa có kinh phí 1 tỉ đồng, khối lượng đất đào đắp 6.574m3, do Công ty TNHH xây dựng Đinh Phát (An Nhơn) thi công, cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Ông Võ Văn Lợi - phụ trách kỹ thuật công trình - cho biết: Tuy có thuận lợi là công trình ở xa khu dân cư, nhưng trong quá trình thi công phải đảm bảo phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nên trên 50 công nhân cùng lực lượng cơ giới của đơn vị phải làm 3 ca liên tục. Điều chúng tôi yên tâm là các hạng mục dưới sâu đã hoàn tất, khối lượng công việc đạt khoảng 85%. Công trình sẽ hoàn thành trước ngày 15-10-2004. Ngoài ra, công trình sửa chữa tràn Lộc Thượng cùng một số công trình nhỏ khác cũng đang đi vào giai đoạn cuối.

Thi công đê Tân Giản - Gò Bồi

Ngày 15-9 vừa qua, Chi cục PCLB-QLĐĐ đã tổ chức cuộc họp bàn về công tác quản lý, bảo vệ đê trong mùa mưa bão năm 2004 với chính quyền các xã, phường có tuyến đê Đông đi qua. Theo đó, các xã, phường đều thành lập các đội PCLB và các đội xung kích, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để bảo vệ đê khi có sự cố. Ông Nguyễn Đình Chi khẳng định: "Các công trình trên đê Đông đều đảm bảo vượt lũ chính vụ. Việc vỡ đê là rất khó xảy ra. Nếu có sạt lở, hư hỏng thì đều có thể nhanh chóng khắc phục".

* Từng bước kiên cố hóa đê Đông

Cũng theo ông Nguyễn Đình Chi, dự án nâng cấp 6km đê Đông do UNDP (Tổ chức Phát triển Liên Hiệp quốc) và chính phủ các nước Hà Lan, Luxembourg tài trợ, với tổng kinh phí trên 1,7 triệu USD, trong đó kinh phí xây dựng trên 1,2 triệu USD, đã được Cục QLĐĐ (Bộ NN-PTNT) thẩm định thiết kế. Theo dự án, 3 tuyến đê: Nhơn Phú - trên 1,2 km, Nhơn Bình - 1km; Phước Thắng - Cát Chánh - 3,8km sẽ được nâng cấp, lát bê tông dày 20cm cả 3 mặt, chiều rộng mặt đê là 5m để kết hợp giao thông nông thôn. Hiện nay, các đơn vị tư vấn đang sửa chữa thiết kế để trong tháng 10-2004 trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau đó sẽ tổ chức đấu thầu và khởi công sau mùa lũ năm nay.

Vấn đề đặt ra đối với các công trình thủy lợi, năm nào việc tu bổ, khắc phục hậu quả lũ lụt của năm trước đều khởi công khá chậm, nên cứ phải chạy đua với thời gian để có thể hoàn thành công trình trước mùa mưa bão. Nếu có lũ sớm, lũ bất thường thì phải gánh chịu nhiều thiệt hại, tốn kém. Theo ông Nguyễn Đình Chi: "Lý do là việc khảo sát, thiết kế thường kéo dài, qua phê duyệt, đấu thầu mất thêm một thời gian nữa. Đồng thời, do nguồn vốn còn hạn chế, việc thông báo vốn chậm… nên năm nào cũng đến đầu tháng 7 mới khởi công được". Vì vậy, bao giờ rút ngắn được thời gian cho các công đoạn nói trên thì mới thoát khỏi cảnh luôn phải chạy đua trong công tác thi công, để đảm bảo chất lượng công trình.

. Bùi Lợi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngô lai đang "hút" nông dân  (19/09/2004)
Công ty KTCTTL Bình Định: Tích cực chuẩn bị phòng chống bão lụt   (17/09/2004)
Phước Sơn: Khơi sức dân làm đường bê tông giao thông nông thôn  (17/09/2004)
Cát Tài: Nhiều hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm   (16/09/2004)
Tiêu điều rừng dương Cát Chánh   (16/09/2004)
Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Những kết quả khả quan  (15/09/2004)
Khi nhà máy ở gần nông dân   (15/09/2004)
Từ tay trắng trở thành tỉ phú  (14/09/2004)
Dự án cầu Diêu Trì: Vì sao lỗi hẹn?  (14/09/2004)
Nuôi dê, cừu cho thu nhập cao  (13/09/2004)
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Bình Định: Cần được giúp đỡ để vươn xa  (13/09/2004)
Nhịp sống mới ở làng biển An Quang  (12/09/2004)
Cát Hải: Cây hành vụ hè lên ngôi   (10/09/2004)
Vĩnh Thạnh: Để cây mía "ngọt" hơn   (10/09/2004)
WEBCAM: Cầu nối hội ngộ từ vạn dặm   (09/09/2004)