Nuôi tôm he chân trắng trên cát ở Phù Mỹ: Từ cảnh báo đến những thiệt hại
17:40', 21/9/ 2004 (GMT+7)

Ngày 20-9, chúng tôi có mặt ở hai xã Mỹ Thắng và Mỹ An - nơi có diện tích nuôi tôm he chân trắng trên cát nhiều nhất tỉnh. Khác với những tháng trước, người nuôi tôm nơi đây vui mừng vì liên tiếp được mùa, còn giờ đây họ đang méo mặt vì tôm đã bước sang 1,5-2,5 tháng tuổi nhưng bất ngờ dịch bệnh đã xảy ra và đây cũng là lần đầu tiên, dịch bệnh xảy ra đối với tôm he chân trắng nuôi trên cát.

* Từ lời cảnh báo

Cán bộ khuyến ngư đang kiểm tra hồ tôm ông Huỳnh Văn Tàu, sau khi dịch bệnh xảy ra (ảnh: Văn Lưu).

Qua hai năm triển khai các dự án nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ cho thấy, hiệu quả kinh tế từ các hồ tôm mang lại là rất lớn, đã thu hút được nhiều người dân cũng như doanh nghiệp đầu tư vào nuôi. Sau 3 vụ nuôi từ năm 2003 đến nay, người nuôi tôm đã thu lãi khá cao, nhiều hộ giàu lên nhanh chóng cũng nhờ việc nuôi tôm trên cát này.

Cũng do liên tiếp được mùa nên người nuôi tôm ở đây chủ quan, cho rằng nuôi tôm trên cát thì dịch bệnh ít có xảy ra. Và họ rất sơ sài trong việc phòng bệnh cho tôm hoặc khi chọn mua tôm giống, nhiều người mua giống vẫn chưa qua kiểm dịch. Trước tình hình phát triển nuôi tôm trên cát tại Phù Mỹ một cách ồ ạt, thiếu sự kiểm soát và quy hoạch bài bản, các ngành chức năng đã đưa ra lời cảnh báo rằng hậu quả của việc phát triển tràn lan này sẽ phải trả giá đắt.

Và rồi lời cảnh báo đó đã trở thành sự thực. Giữa tháng 9-2004, hàng chục ha tôm he chân trắng nuôi trên cát ở đây đã nhiễm bệnh và chết hàng loạt.

* Thiệt hại hàng tỉ đồng

Để có một ao nuôi tôm trên cát khoảng 3.000 m2, người nuôi tôm phải bỏ ra chi phí  ban đầu từ 150-200 triệu đồng. Cứ mỗi ao nuôi với 10 vạn con tôm giống, sau 3,5-4 tháng cho thu hoạch, trừ các khoản chi phí người nuôi tôm lãi 60-70 triệu đồng/hồ. Nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi tôm đã bị thiệt hại nặng. Ông Nguyễn Văn Sơn (ở Mỹ An) có 2 hồ tôm với 6.000 m2 sau 1,5 tháng nuôi đã bị nhiễm bệnh và tôm chết hàng loạt, khiến một khoản tiền chi phí khá lớn mà ông đầu tư cho 2 hồ tôm đã ra sông ra biển. Ông Sơn buồn bã cho biết: "Chỉ tính riêng tiền tôm giống 20 triệu, tiền thức ăn sau hơn một tháng nuôi 15 triệu, tiền mua thuốc xử lý, tiền dầu chạy máy... tính sơ sơ tôi đã đi đứt mất hơn 50 triệu đồng tiền đầu tư ban đầu. Nếu dịch bệnh không xảy ra vào tháng 11 tới, 2 hồ tôm của tôi cũng thu lãi được 120-150 triệu đồng". Không riêng gì ông Sơn mà nhiều hộ nuôi tôm khác trong vùng cũng "gặp nạn", tôm đang phát triển khá tốt thì bất ngờ dịch bệnh xảy ra. Trường hợp của ông Huỳnh Văn Tàu (Mỹ Thắng) thì còn may hơn những người khác, 2 hồ tôm của ông Tàu cũng bị nhiễm bệnh nhưng do ông phát hiện kịp thời và cho thu hoạch non nên đã "gỡ gạc" được một ít.

Tôm bị dịch chết tại hồ tôm của Chi nhánh Công ty TNHH Asia Hawaii Bình Định (ảnh: Văn Lưu).

Dịch bệnh không những xảy ra đối với những hồ tôm cá nhân mà còn xảy ra với Chi nhánh Công ty TNHH Asia Hawaii Bình Định, một Công ty nuôi tôm có 100% vốn đầu tư nước ngoài và đây cũng là Công ty cung cấp phần lớn con giống cho người nuôi tôm. Ông Lê Văn Sang, Giám đốc Chi nhánh Công ty Asia Hawaii Bình Định, cho biết: "Trong vụ 2 năm nay, Chi nhánh Công ty đang nuôi tại Mỹ Thắng 7 hồ, trong đó 3 hồ đã bị dịch vào ngày 5-9 và tôm chết sạch, còn lại 4 hồ cũng đang bị nhiễm bệnh".

Theo ông Trần Minh Tâm, cán bộ phụ trách khuyến ngư 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An, đợt dịch tôm trong tháng 9 này, mặc dù chưa thống kê đầy đủ nhưng đã làm thiệt hại cho người nuôi tôm ở đây hàng tỉ đồng.

* Vì sao tôm dịch?

Hiện nay người nuôi tôm trên cát đang thắc mắc, nguyên nhân nào con tôm bị dịch, do nguồn nước hay do tôm giống? Có một điều lạ là tại vùng này chỉ duy nhất có 4 hồ của ông Phan Xuân Tình (Mỹ Thắng) không có dịch bệnh và tôm đang phát triển khá tốt. Ông Tình cho biết: "Giống tôm he chân trắng trong 4 hồ của tôi không phải là giống của Công ty Công ty TNHH Asia Hawaii, mà tôi vào tận Trung tâm giống thủy sản 3 của Nha Trang để mua về nuôi. Vì tôi cũng đã liên hệ mua giống tại Công ty TNHH Asia Hawaii nhưng lúc đó Công ty hết giống". Còn theo nhận định của ông Trần Văn Phúc, Cán bộ Phòng kỹ thuật (Trung tâm khuyến ngư và nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thủy sản Bình Định), việc lây bệnh từ hồ nay sang hồ kia đối với các hồ nuôi tôm trên cát rất khó, do đó lây bệnh từ nguồn nước là ít có khả năng mà có thể dịch bệnh xảy ra từ tôm giống.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc liệu tôm bị dịch chết có phải là từ giống tôm do Công ty Asia Hawaii Bình Định cung cấp, ông Lê Văn Sang giãi bày: "Chi nhánh của Công ty tại Bình Định chỉ có chức năng nuôi tôm, còn giống thì được Công ty đóng tại Phú Yên đưa ra nên việc tôm bị dịch do giống hay do nguồn nước phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng. Trong vài ngày tới Công ty cũng sẽ cử các chuyên gia ra Bình Định để lấy mẫu về kiểm tra".

Dù gì thì dịch bệnh đã xảy ra, vấn đề đáng quan tâm nhất của người nuôi tôm hiện nay là tìm ra nguyên nhân dịch bệnh và biện pháp khắc phục để họ còn tiếp tục thả nuôi trong vụ tới.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thị trường bánh trung thu đã khởi động  (21/09/2004)
Kỹ thuật viên mạng: Dễ mà khó   (20/09/2004)
Hệ thống đê khu Đông: Những công trình vượt lũ   (20/09/2004)
Ngô lai đang "hút" nông dân  (19/09/2004)
Công ty KTCTTL Bình Định: Tích cực chuẩn bị phòng chống bão lụt   (17/09/2004)
Phước Sơn: Khơi sức dân làm đường bê tông giao thông nông thôn  (17/09/2004)
Cát Tài: Nhiều hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm   (16/09/2004)
Tiêu điều rừng dương Cát Chánh   (16/09/2004)
Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Những kết quả khả quan  (15/09/2004)
Khi nhà máy ở gần nông dân   (15/09/2004)
Từ tay trắng trở thành tỉ phú  (14/09/2004)
Dự án cầu Diêu Trì: Vì sao lỗi hẹn?  (14/09/2004)
Nuôi dê, cừu cho thu nhập cao  (13/09/2004)
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Bình Định: Cần được giúp đỡ để vươn xa  (13/09/2004)
Nhịp sống mới ở làng biển An Quang  (12/09/2004)