Liên kết, liên doanh ở các HTXNN: Vẫn còn nhiều vướng mắc
15:10', 22/9/ 2004 (GMT+7)

Tích cực mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết kinh tế giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tuy nhiên, trong bước đi thể nghiệm này, bên cạnh một số hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) đã có những kết quả thành công bước đầu, vẫn còn nhiều HTX gặp khó khăn do còn nhiều vướng mắc.

Sản xuất bánh tráng xuất khẩu ở HTXNN Nhơn Lộc 2

Cuối năm 2000, HTXNN Nhơn Lộc 2 (An Nhơn) đã liên kết với Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh chuyển giao công nghệ và thiết bị để đầu tư chế biến bánh tráng xuất khẩu. Việc làm của HTX lúc bấy giờ được xem là bước đột phá đánh dấu sự chuyển mình của các HTXNN trong tỉnh. Làng nghề truyền thống, vùng nguyên liệu có sẵn và đầu ra đã có đối tác đáng tin cậy là những cơ sở để HTX mạnh dạn đầu tư 1,2 tỷ đồng vào dự án. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 3 năm, HTX chỉ mới sản xuất và tiêu thụ được khoảng 200 tấn thành phẩm, tức bình quân mỗi năm chỉ thực hiện được 50 tấn/năm, tính ra chưa được 1/3 công suất thiết kế. Ông Phạm Long Trọng - Chủ nhiệm HTX giải thích: "Giá cả liên tục hạ, từ 15.500 đồng/kg thành phẩm (loại bánh tráng có đường kính 15 cm) đến nay chỉ còn 10.000 đồng/kg. Đã thế khi nghiệm thu lại bị ép cấp ép giá đủ bề, bình quân một chuyến hàng đưa đi có trọng tải 2 tấn thì bị loại ra gần 2 tạ. Sau khi hạch toán trừ chi phí chỉ đủ để hòa vốn, không có lãi, thậm chí còn lỗ." Để tháo gỡ bớt khó khăn, hơn 1 năm trở lại đây, HTX đã xoay sang mở hướng tiêu thụ thị trường nội địa (chủ yếu là các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên) với quy mô nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, từ giữa năm 2003, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam cũng đã "mở cửa" bằng chủ trương cho phép các HTX được vay 100 triệu đồng để làm các dịch vụ nông lâm nghiệp và đến 500 triệu đồng để làm hàng xuất khẩu nhưng không cần phải thế chấp. Nghe thì thông thoáng nhưng để "rút" được tiền của Ngân hàng thì HTX đó phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có hiệu quả, có hợp đồng tiêu thụ; còn nếu làm hàng xuất khẩu thì phải dự án sản xuất và đã có đơn đặt hàng khả thi, hoặc làm nghề truyền thống phải phù hợp với quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đó là những yêu cầu không dễ khi mà năng lực của đội ngũ Ban quản lý các HTX còn quá hạn chế như hiện nay. Ấy là những HTX có "lưng vốn", còn các HTX vốn ít do bị xã viên chiếm dụng (số này hiện đang chiếm phần lớn trong số HTXNN sau chuyển đổi theo Luật) thì càng không thể với tới, vì còn phải cộng thêm điều kiện có vốn đối ứng 10% (nếu là vay ngắn hạn) và 15% (vay trung và dài hạn). Ông Nguyễn Đình Long - Trưởng Phòng nghiệp vụ kinh doanh Ngân hàng NN&PTNT Bình Định cho biết: "Trong tổng mức dư nợ hơn 40 tỷ đồng mà các HTX hiện nay đang nợ trong toàn tỉnh thì trong đó chỉ có 4 tỷ đồng là của các HTXNN, chiếm tỷ lệ chưa tới 10%. Đáng nói là có tới 8 huyện, thành phố còn bỏ trống "trận địa" không cho vay được một đồng nào." Ông Long cũng thừa nhận: Có rất ít HTX xây dựng được một dự án xin vay hoàn chỉnh có đủ điều kiện để giải ngân. Vượt qua trở ngại về lập hồ sơ dự án thì các HTX lại gặp trở ngại khác: Không có đơn đặt hàng khả thi vì sản phẩm xuất khẩu thông qua một trung gian khác. Đây là dạng phổ biến trong việc mở rộng liên kết liên doanh ở các HTXNN, chủ yếu là làm hàng gia công hoặc xuất khẩu qua ủy thác.

Không có vốn làm việc gì cũng khó. Chẳng hạn, trong lúc đầu ra đang gặp khó khăn, nếu có sẵn tiền HTXNN Nhơn Lộc 2 sẽ ký hợp đồng mua trước nguyên liệu trong dân để dự trữ thì sẽ giảm bớt áp lực giá thành (vì thông thường từ đầu vụ đến cuối vụ giá lúa chênh lệch nhau 3-5 giá). Vốn tín dụng không tiếp cận được, trong khi các nguồn khác như vốn khuyến công, sự nghiệp khoa học… để đầu tư các dự án đào tạo nghề, mua máy móc thiết bị phát triển mặt hàng mới đối với các HTX hiện nay thì còn quá xa lạ.

Trở lại vấn đề đầu ra, chung quy cũng tại các HTXNN hiện đang quá yếu ở khâu tiếp thị và mở rộng thị trường. Nghị quyết 13-NQ/TW nhấn mạnh: Các ngành, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề và liên minh HTX hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường cho các hộ, tổ hợp tác và HTX. Thế nhưng trên thực tế quanh đi quẩn lại cũng chỉ mỗi một mình HTX đơn độc "tác chiến", còn sự trợ lực từ bên ngoài không đáng kể. Cho nên, HTXNN Nhơn Lộc 2 mặc dù nhìn thấy được thị trường tiêu thụ bánh tráng ở các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản… còn đầy tiềm năng nhưng không làm cách nào tự mình vươn tới được. Hơn 1 năm qua HTX này còn bỏ kinh phí để xây dựng hẳn một trang web: www.nhonloc2.saigon.net để quảng bá; 3 lần tham gia Hội chợ và lần nào sản phẩm của HTX cũng đều đạt huy chương vàng nhưng mọi nỗ lực đều không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Hoặc như HTXNN phường Nhơn Bình 2 (TP Quy Nhơn). HTX này được sự hậu thuẫn rất tích cực của lãnh đạo Sở NN&PTNT, từ năm 2001 đã tiếp cận được với Công ty Vissan (TP Hồ Chí Minh) và ký tắt được một hợp đồng kinh tế hết sức hấp dẫn: Bao tiêu 360 tấn thịt heo theo giá thị trường tại thời điểm, trong thời hạn 6 tháng. Tham vọng của Ban quản lý HTX là, nếu thành công sẽ hình thành tại đây một vùng sản xuất heo nguyên liệu tập trung, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ xã viên. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó hợp đồng này đã bị… "chết non" vì giá heo giảm mạnh không đủ để bù đắp chi phí.

Như vậy, để các HTXNN vươn lên, cần phải tháo gỡ về vốn, thị trường; từng HTX phải quy hoạch và có kế hoạch đưa đi đào tạo, củng cố lại đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn của HTX, đảm bảo đảm đương được yêu cầu công việc trong điều kiện mới hiện nay.

. Minh Trung

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người góp phần phát triển làng rượu Bầu Đá   (22/09/2004)
Nuôi tôm he chân trắng trên cát ở Phù Mỹ: Từ cảnh báo đến những thiệt hại   (21/09/2004)
Thị trường bánh trung thu đã khởi động  (21/09/2004)
Kỹ thuật viên mạng: Dễ mà khó   (20/09/2004)
Hệ thống đê khu Đông: Những công trình vượt lũ   (20/09/2004)
Ngô lai đang "hút" nông dân  (19/09/2004)
Công ty KTCTTL Bình Định: Tích cực chuẩn bị phòng chống bão lụt   (17/09/2004)
Phước Sơn: Khơi sức dân làm đường bê tông giao thông nông thôn  (17/09/2004)
Cát Tài: Nhiều hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm   (16/09/2004)
Tiêu điều rừng dương Cát Chánh   (16/09/2004)
Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Những kết quả khả quan  (15/09/2004)
Khi nhà máy ở gần nông dân   (15/09/2004)
Từ tay trắng trở thành tỉ phú  (14/09/2004)
Dự án cầu Diêu Trì: Vì sao lỗi hẹn?  (14/09/2004)
Nuôi dê, cừu cho thu nhập cao  (13/09/2004)