Lung linh "mắt biển" Nhơn Châu
10:8', 24/9/ 2004 (GMT+7)

Nơi chúng tôi đến là hải đăng Cù Lao Xanh, nằm ở xã đảo Nhơn Châu (TP. Quy Nhơn). Hải đăng này được xây dựng năm 1890, là một trong hơn 30 hải đăng của cả nước, nằm ở vị trí hiểm trở và có tầm hiệu lực hoạt động xa. Để đến được đây, chúng tôi phải mất hơn 2 giờ đồng hồ đi tàu từ Quy Nhơn ra Nhơn Châu và hơn nửa giờ đồng hồ leo dốc núi. Anh em ở trạm đón chúng tôi bằng những nụ cười thật tươi, bởi lâu lắm rồi mới có người lên thăm trạm.

* Chuyện ghi ở trạm hải đăng

Hải đăng Cù Lao Xanh

Có đến đây, chúng tôi mới thật sự thấm thía những khó khăn, gian khổ của những công nhân gác đèn biển. Cuộc sống của các anh ở đây thiếu thốn nhiều thứ về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ đâu anh trụ được với cái nghề vất vả và đầy căng thẳng này. Nghe tôi hỏi, anh Hoàng Bá Chinh - công nhân gác hải đăng cười: "Đơn giản, bởi tôi chịu khó, yêu nghề và yêu công việc". Cũng như những đồng nghiệp khác, anh rất tự hào về nghề nghiệp và công việc hiện nay của mình, đảm bảo "mắt biển" mãi tỏa sáng hằng đêm để dẫn đường cho những con tàu vượt trùng khơi được an toàn.

Cuộc sống nơi đây khá vất vả, bởi ngọn hải đăng này ngự trị trên đỉnh núi cao nhất đảo, từ nơi có dân cư sinh sống lên đến đây phải mất nửa giờ đồng hồ đi bộ. Cứ đúng 6 giờ 30 phút sáng, một nhân viên của trạm lại "hạ sơn" để đi chợ, nấu ăn. Tuy nhiên, chợ trên đảo không có nhiều loại thực phẩm như chợ trong đất liền, thiếu nhất là rau xanh. Để cải thiện, anh em có trồng thêm rau xanh, nhưng vì gió biển nên cũng èo uột không lên nổi… Bởi vậy, những bữa cơm tại trạm, các anh luôn thiếu thức ăn xanh, nhất là trong mùa mưa bão, khi những chuyến tàu khách Nhơn Châu - Quy Nhơn không hoạt động được. Những thiếu thốn này các anh đã quen và chịu được. Khi hỏi về những khó khăn và vất vả, các anh đều cười thật tươi: "Khó khăn, vất vả lớn nhất của chúng tôi là… làm sao để đèn vận hành tốt, không xảy ra sự cố, cũng như bảo đảm được an toàn cho tàu bè qua lại trên vùng biển mà mình chịu trách nhiệm".

* Những công việc thầm lặng

Công nhân Trạm hải đăng Cù Lao Xanh đang lau chùi và kiểm tra đèn

Trạm hải đăng Cù Lao Xanh hiện có 7 cán bộ, công nhân viên, chia làm 5 ca trực 24/24 giờ. Công việc hàng ngày của các anh là kiểm tra, quản lý và vận hành máy móc và các thiết bị của hải đăng; quan sát an ninh cũng như các sự cố tàu thuyền trong vùng biển mình quản lý; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng thực hiện công tác bảo đảm an toàn hàng hải…

Đèn pha trên tháp hải đăng Cù Lao Xanh có tầm hiệu lực 27 hải lý (gần 50 km), ban đầu dùng bằng ga, chuyển động do một quả tạ cơ năng để tạo nên vòng xoay. Năm 1957, đèn thay bằng bóng điện có công suất 1.000W. Đến 1984, được thay bằng hệ thống mô tơ từ trường và hệ thống bán dẫn để điều khiển mâm quay giữ tốc độ cố định. Chu kỳ của vòng quay là 12 giây, hệ quay là 3 tia sáng ngắn rồi đến 1 tia sáng dài. Do đó, nhìn từ xa không thấy vệt sáng mà thấy ánh đèn như tia chớp. Hiện nay, nguồn cung cấp điện cho hải đăng Cù Lao Xanh là 8 máy phát điện, công suất 6 KVA/máy. Mỗi giờ, ngọn đèn biển này tiêu thụ hết 4 KW điện để thực hiện nhiệm vụ chỉ dẫn cho tàu thuyền qua lại. "Mắt biển" bắt đầu "lung linh" từ 17 giờ 30 phút và kết thúc vào 6 giờ sáng mỗi ngày. Nguyên tắc bắt buộc là hải đăng không được phép tắt quá 15 phút. Trạm phó Nguyễn Mạnh Tú thổ lộ: "Ban ngày ngoài kiểm tra an ninh và tàu thuyền qua trên vùng biển do đơn vị quản lý, còn phải kiểm tra máy móc, hoạt động của đèn xem có trục trặc gì không. Ban đêm, phải liên tục dõi mắt xem đèn có hoạt động bình thường và hoạt động có đúng với tầm hiệu lực không. Và như thông lệ, đêm nào cũng vậy đúng 1 giờ sáng là chúng tôi phải lên kiểm tra lại kỹ thuật của đèn".

Chúng tôi xuống tàu để về lại đất liền khi màn đêm buông xuống. Giữa biển cả mênh mông, con tàu chúng tôi đi trông thật mong manh. Bỗng giữa màn đêm xám xịt, chúng tôi bắt gặp những vệt sáng dài được phát ra từ trên tháp hải đăng đã làm cho mọi người cảm thấy an lòng.

. Ngọc Thái

 

Ở nước ta hiện có trên 30 hải đăng, trong đó tiêu biểu là các hải đăng: Hòn Dấu, Long Châu (Hải Phòng), Cù Lao Xanh (Quy Nhơn), Đại Lãnh (Phú Yên), Trường Sa (Khánh Hòa), Khe Gà (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bảy Cạnh (Côn Đảo)... Trong đó hải đăng Cù Lao Xanh là một trong những hải đăng được xây dựng sớm và thuộc loại lớn, cao 119 mét tính từ mực nước biển, gồm 3 bộ phận: Chân tháp được xây 32 bậc thang bằng gạch vồ; thân tháp hình trụ, cao 16 mét, bên trong có một cầu thang lượn hình xoắn ốc 58 bậc; đèn pha chiếu sáng 27 hải lý.

 

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vân Canh: Khi cơn hạn đi qua   (23/09/2004)
Nhơn Châu và nỗi lo mùa mưa bão   (23/09/2004)
Liên kết, liên doanh ở các HTXNN: Vẫn còn nhiều vướng mắc   (22/09/2004)
Người góp phần phát triển làng rượu Bầu Đá   (22/09/2004)
Nuôi tôm he chân trắng trên cát ở Phù Mỹ: Từ cảnh báo đến những thiệt hại   (21/09/2004)
Thị trường bánh trung thu đã khởi động  (21/09/2004)
Kỹ thuật viên mạng: Dễ mà khó   (20/09/2004)
Hệ thống đê khu Đông: Những công trình vượt lũ   (20/09/2004)
Ngô lai đang "hút" nông dân  (19/09/2004)
Công ty KTCTTL Bình Định: Tích cực chuẩn bị phòng chống bão lụt   (17/09/2004)
Phước Sơn: Khơi sức dân làm đường bê tông giao thông nông thôn  (17/09/2004)
Cát Tài: Nhiều hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm   (16/09/2004)
Tiêu điều rừng dương Cát Chánh   (16/09/2004)
Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Những kết quả khả quan  (15/09/2004)
Khi nhà máy ở gần nông dân   (15/09/2004)