Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) ở Tuy Phước đã thu hút được nhiều nông dân tham gia. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân, kinh tế của nhiều hộ đã khá lên cùng với sự lớn mạnh của phong trào...
* Từ những hạt giống tốt
|
Trang trại chăn nuôi heo hướng nạc của anh Nguyễn Hồng Minh ở thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc |
Hàng năm, tranh thủ nhiều nguồn vốn khác nhau, Hội Nông dân huyện Tuy Phước đã tích cực giúp các hội viên, nông dân vay vốn để đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tỉnh tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tư vấn giúp nông dân sản xuất có hiệu quả. Nhờ đó, đến nay phong trào nông dân thi đua SXKDG do Hội phát động đã được hội viên, nông dân ở các địa phương trong huyện hưởng ứng nhiệt tình.
Gia đình anh Nguyễn Hồng Minh (thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc) đã trở nên giàu có nhờ nuôi heo hướng nạc với sự hỗ trợ của Hội là một ví dụ. Năm 2002 anh Minh vay 150 triệu đồng từ Quỹ Đầu tư-Phát triển để xây dựng trang trại, mua 30 heo nái giống ngoại thả nuôi theo phương thức khép kín. Anh Minh cho biết: "Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng thịt heo chất lượng cao của người dân ngày càng lớn. Hơn nữa, nuôi heo hướng nạc sẽ giảm được công chăm sóc, đầu ra sản phẩm tương đối thuận lợi, hiệu quả kinh tế lại cao hơn heo cỏ, nên tôi đã chọn nuôi heo hướng nạc để phát triển kinh tế gia đình". Được biết từ năm 2002 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình anh Minh đã xuất chuồng trên 3 tấn heo thịt, thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
Từ sự tư vấn của Hội, nhiều nông dân đã biết hoạch định kế hoạch làm ăn, và khá lên từ mảnh ruộng, khu vườn của mình. Bắt đầu bằng những "hạt giống" tốt như vậy, phong trào của Hội mạnh dần lên.
* Giúp nông dân phát huy lợi thế sẵn có
Ở các xã Phước An, Phước Sơn, Phước Thắng, Hội Nông dân Tuy Phước đã phối hợp với các đoàn thể, các ngành giúp nông dân khai thác hợp lý diện tích đất đồi, mặt nước, vận động nông dân xây dựng mô hình trang trại vườn rừng kết hợp chăn nuôi. Từ cuộc vận động này, nhiều hộ đã phát triển sản xuất, chăn nuôi, có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như hộ ông Đào Văn Lãnh (thôn Quy Hội, xã Phước An) xây dựng trang trại vườn rừng kết hợp chăn nuôi bò lai, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Đức Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước:
Huyện Tuy Phước có 3.476 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân SXKDG. Phần lớn các hộ này đều có điểm xuất phát giống nhau, họ là những nông dân cần cù, chịu khó và thật sự có khát vọng làm giàu. Phong trào nông dân thi đua SXKDG, giúp nhau xóa đói giảm nghèo mà Hội Nông dân huyện đã phát động và duy trì đã tạo được hiệu quả tích cực. |
Phát triển kinh tế phù hợp với khả năng hộ gia đình và điều kiện cụ thể của từng địa phương là yếu tố luôn được Hội Nông dân Tuy Phước quan tâm. Nếu ở những xã như Phước An, Phước Sơn, Phước Thắng... nông dân có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế kết hợp trang trại, thì ở Phước Quang, bên cạnh việc sản xuất lúa, bà con nông dân đã tận dụng nguyên liệu tre sẵn có để phát triển nghề đan đát. Bà Nguyễn Thị Năm (thôn Định Thiện Tây, xã Phước Quang) cho biết: "Mỗi ngày gia đình tôi đan được 20 cái giỏ nhốt gia cầm, bán với giá 5.000 đồng/cái, thu về 100.000 đồng, trừ chi phí thu nhập khoảng 60.000 đồng/ngày. Ở nông thôn mà thu nhập được chừng đó là cũng khá lắm đấy". Ở thôn Định Thiện Tây hiện nay có khoảng 30 hộ gia đình đang làm nghề đan đát để tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.
* Nông dân mở rộng sản xuất
Không chỉ làm giàu trên mảnh đất của mình, ở Tuy Phước hiện tượng nông dân tìm thuê đất canh tác để mở rộng sản xuất là dấu hiệu tích cực, chứng tỏ ở đây đã bắt đầu hình thành sản xuất nông nghiệp quy mô từ khá đến lớn, có sản phẩm hàng hóa số lượng lớn, tăng cường năng lực sản xuất đồng thời với việc mở rộng thị trường. Đơn cử như nghề trồng hoa huệ ở xã Phước Hiệp. Năm 2003 Phước Hiệp có 186 ha hoa huệ, đầu năm 2004 nông dân đã mở rộng diện tích chuyên canh hoa huệ thêm 70 ha. Sở dĩ cây hoa huệ phát triển mạnh như vậy là nhờ loại cây trồng này mang lại thu nhập từ 3-5 lần so với trồng lúa, chu kỳ canh tác chỉ mất 90 ngày.
Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hiệp cho biết: "Hiện nay ở trong xã, bà con nông dân đều tận dụng đất vườn, đất thổ để trồng hoa huệ. Người trồng nhiều thì có cơ hội khá giả, trồng ít thì cũng có tiền đi chợ. Bây giờ, không vận động thì bà con cũng biết cách đầu tư tìm giống mới, điều chỉnh thời điểm xuống giống… để có thể thu hoạch và bán vào thời điểm hoa được giá. Có thực chứng là nông dân tin và làm theo liền". Anh Huỳnh Văn Hùng, một nông dân ở thôn Luật Chánh, cho biết: "Thấy người ta trồng huệ có thu nhập khá, tôi học tập làm theo, lúc đầu trồng ít thôi, để làm quen. Nay, tôi trồng 13 sào huệ, chủ yếu là đất thuê." Trồng hoa huệ cho thu nhập khá cao nên gần đây nhiều người ở Phước Hiệp, Phước Sơn đã đến xã Phước Lộc thuê đất để trồng huệ. Theo một số người đi tiên phong, sau khi trừ chi phí, ngay cả khi thuê đất thì mức lãi vẫn hấp dẫn. Hoa huệ Tuy Phước nay đã được thị trường TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tây Nguyên… tín nhiệm.
Một trong những yếu tố khiến phong trào nông dân thi đua SXKDG ở Tuy Phước phát triển mạnh là nhờ sau khi thoát nghèo, khá lên, nhiều hộ đã nhiệt tình giúp đỡ cho các hộ khác về kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi; giải quyết kịp thời những gút mắc phát sinh trong sản xuất. Do có nhiều hộ khá lên nhờ tham gia các phong trào, nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân nên tiếng nói của Hội Nông dân Tuy Phước ngày càng được nông dân tín nhiệm.
. Phạm Tiến Sỹ |