Ân Hảo: Nghề tằm tang đang trở lại
15:31', 28/9/ 2004 (GMT+7)

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Ân Hảo (Hoài Ân) đã có từ nhiều năm trước nhưng mấy năm gần đây do kén tằm rớt giá, nghề này sa sút hẳn. Từ cuối năm 2003 nhờ giá kén tằm ổn định ở mức cao, nhiều hộ dân ở Ân Hảo đã quay lại với nghề tằm tang. Bên cạnh niềm vui được quay lại với nghề, nông dân Ân Hảo vẫn canh cánh nỗi lo giá kén tằm bấp bênh.

* Trở lại với cây dâu, con tằm

Một hộ gia đình nuôi tằm ở xã Ân Hảo (Hoài Ân) cho tằm ăn

Sự long đong của cây dâu con tằm ở bãi bồi ven sông của xã Ân Hảo là một câu chuyện dài. Mấy năm trước đây, do giá kén giảm mạnh, có lúc chỉ còn 15.000 - 17.000 đồng/kg kén, người trồng dâu nuôi tằm đành ngậm ngùi chặt bỏ cây dâu, gác lại nong tằm, chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Tưởng chừng như cây dâu tằm vĩnh viễn biến mất trên đất này. Tuy nhiên hai năm trở lại đây, giá kén tằm lại tăng cao (30.000 - 35.000 đồng/kg kén). Kén tằm được giá, người trồng dâu lục tục trồng lại bãi dâu, dựng lên nong tằm.

Ông Võ Ngọc Khanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ân Hảo cho biết: "Trước đây khi kén tằm mất giá, cả xã chỉ còn khoảng 300 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm, diện tích trồng dâu cũng giảm hẳn. Nhưng từ đầu năm 2004 đến nay, giá kén tăng trở lại, nhiều hộ đã đổ xô mở rộng diện tích trồng dâu. Toàn xã hiện có 170 ha trồng dâu và dân trong xã còn đang tính mở rộng thêm". Ông Đào Duy Trung - ở đội 5, thôn Vn Trung, một hộ có mức thu nhập khá cao từ nghề trồng dâu nuôi tằm, cho biết: "Gia đình tôi có 6 sào đất trồng dâu, đủ để mỗi tháng nuôi 1,5 hộp trứng tằm, thu nhập 1,5 triệu đồng sau mỗi lứa nuôi 21 ngày. So với làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao hơn. Bây giờ kén được giá nên bà con nông dân ở đây ai cũng thích trồng dâu nuôi tằm vì chi phí ít mà lãi lại cao hơn các loại cây khác từ 3 - 4 lần". Với nghề trồng dâu nuôi tằm người ta có thể tận dụng được tối đa những lao động phụ trong gia đình. Ngoài ra, do chu kỳ quay vòng khá nhanh (từ khi ấp trứng đến khi thu hoạch được kén tằm chỉ mất 21 ngày) nên nông dân thường xuyên có "đồng ra đồng vào" để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Ông Trần Văn Lào, nông dân ở thôn Vạn Trung cho biết: "Chỉ quay lại với nghề trồng dâu nuôi tằm được ít lâu nhưng đời sống gia đình tôi đã bình ổn hẳn. Nhà tôi hiện nay đã chuyển toàn bộ 9 sào đất sang trồng dâu. Mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng 15 triệu đồng từ nghề trồng dâu nuôi tằm."

* Liệu có bền vững?

Nông dân Ân Hảo vốn đã quen với nghề trồng dâu nuôi tằm, việc phải bỏ cây dâu con tằm chẳng qua là chuyện cực chẳng đã. Kén tằm được giá là bà con liền quay lại với nghề cũ. Theo ông Trương Văn Truyện, cán bộ văn phòng UBND xã Ân Hảo, hiện nay các hộ trồng dâu nuôi tằm ở địa phương có mức thu nhập mỗi năm từ 12 - 15 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển diện tích màu, lúa sang trồng dâu. Nếu cứ giữ ổn định được giá kén tằm từ 30.000 - 35.000 đồng/kg thì không lâu nữa toàn bộ diện tích đất sản xuất màu hiện nay của xã sẽ chuyển hết sang trồng dâu nuôi tằm. UBND xã cũng xem đây là hướng giải quyết lao động ở nông thôn hiện nay.

Ước muốn là như thế nhưng việc bình ổn giá kén tằm dù không nói ra ai cũng biết là nằm ngoài tầm tay của xã, thậm chí cả huyện cũng không can thiệp được. Người nông dân luôn mong muốn sản phẩm của mình làm ra có nơi tiêu thụ với giá cả ổn định. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá cả của nhiều loại nông sản luôn bấp bênh, được đó rồi mất đó. Sản phẩm kén tằm của nghề trồng dâu nuôi tằm cũng nằm trong tình trạng này. Cái vòng lẩn quẩn của việc chặt bỏ cây dâu rồi trồng lại đã diễn ra nhiều lần, nên cũng khó biết được nghề tằm tang rồi có ổn định hay không.

Trước mắt sự trở lại của nghề tằm tang là điều đáng mừng song hiện nay việc định giá, thu mua kén tằm ở đây đều do thương lái chi phối. Việc phát triển nghề tằm tang, thị trường tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn bị thả nổi nên khi có biến động về giá cả, dịch bệnh, nguồn giống... nông dân đành than trời trách đất chứ chẳng biết trông cậy vào ai. Vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương và ngành chức năng phải rút kinh nghiệm của các năm trước để có những khuyến cáo phù hợp với thực tiễn, hướng cho người nông dân một con đường đi mang tính chất bền vững hơn.

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nạp tiền vào tài khoản - Một tiện ích mới cho khách hàng VinaPhone và MobiFone   (27/09/2004)
Tuy Phước: Khi nông dân thi đua sản xuất giỏi   (27/09/2004)
Thi công các khu tái định cư tránh lũ ở Ân Hảo: Ách tắc từ nhiều phía  (26/09/2004)
Lung linh "mắt biển" Nhơn Châu   (24/09/2004)
Vân Canh: Khi cơn hạn đi qua   (23/09/2004)
Nhơn Châu và nỗi lo mùa mưa bão   (23/09/2004)
Liên kết, liên doanh ở các HTXNN: Vẫn còn nhiều vướng mắc   (22/09/2004)
Người góp phần phát triển làng rượu Bầu Đá   (22/09/2004)
Nuôi tôm he chân trắng trên cát ở Phù Mỹ: Từ cảnh báo đến những thiệt hại   (21/09/2004)
Thị trường bánh trung thu đã khởi động  (21/09/2004)
Kỹ thuật viên mạng: Dễ mà khó   (20/09/2004)
Hệ thống đê khu Đông: Những công trình vượt lũ   (20/09/2004)
Ngô lai đang "hút" nông dân  (19/09/2004)
Công ty KTCTTL Bình Định: Tích cực chuẩn bị phòng chống bão lụt   (17/09/2004)
Phước Sơn: Khơi sức dân làm đường bê tông giao thông nông thôn  (17/09/2004)